07:00 14/08/2023

Lãi suất cho vay phân hoá mạnh, tăng trưởng tín dụng chững lại

Hoàng Lan

Theo chuyên gia, rủi ro chung của toàn nền kinh tế ở mức cao gây áp lực đến chất lượng tài sản và tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng. Bên cạnh đó, tổng cầu của nền kinh tế chưa có tín hiệu phục hồi rõ rệt nên cầu tín dụng khó cải thiện. Trong bối cảnh đó, thêm một đợt giảm lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước không có ý nghĩa đối với nền kinh tế…

Ngân hàng Nhà nước kiên định không đánh đổi tăng trưởng tín dụng với chất lượng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước kiên định không đánh đổi tăng trưởng tín dụng với chất lượng tín dụng.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành, thị trường vẫn có nhiều kỳ vọng về một đợt hạ lãi suất chính sách nữa vào quý 3 này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10/8 cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô nửa đầu năm 2023 và dự báo triển vọng trong thời gian tới, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của World Bank, lưu ý tiếp tục cắt giảm lãi suất chưa chắc đã hiệu quả trong ngắn hạn do cơ chế truyền dẫn không hiệu quả và nhu cầu tín dụng không cao.

Chuyên gia Kinh tế cấp cao của World Bank cho biết Việt Nam đang đối diện với 2 vấn đề là: (1) rủi ro tài chính và nguy cơ dễ tổn thương trong khu vực tài chính đang gia tăng; (2) chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới tạo áp lực lên tỷ giá, dẫn đến nguy cơ dòng vốn rời khỏi đất nước.

“Chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng trở nên kém đi, khi nợ xấu tăng từ 1,9% trong tháng 12/2022 lên 2,9% trong tháng 3/2023, buộc Ngân hàng Nhà nước phải tái áp dụng các biện pháp tái cơ cấu thời hạn trả nợ theo quy định”, bà Dorsati Madani nói. 

 
Lãi suất cho vay phân hoá mạnh, tăng trưởng tín dụng chững lại - Ảnh 1Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của World Bank tại Việt Nam.

"Để xử lý rủi ro tài chính và nguy cơ dễ tổn thương trong khu vực tài chính đang gia tăng, cần phải có những cải cách nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng, tăng cường cơ chế, thể chế về giám sát an toàn, can thiệp sớm, xử lý các ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng. Những cải cách đó dự kiến sẽ giúp các cấp có thẩm quyền giám sát và can thiệp hiệu quả vào những tổ chức tài chính có vấn đề, ngăn ngừa khủng hoảng leo thang và giảm thiểu rủi ro hệ thống. Bên cạnh đó, cơ chế chặt chẽ về xử lý các ngân hàng yếu kém có vai trò hết sức quan trọng để tạo điều kiện xử lý có trật tự trong trường hợp ngân hàng mất khả năng trả nợ, bảo vệ người gửi tiền và bảo đảm ổn định tài chính".

Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được ban hành cuối tháng 4 cho phép các ngân hàng tái cơ cấu các khoản vay và giãn trích lập dự phòng cho nhiều năm tài chính nếu bên  vay đang gặp khó khăn về trả nợ nhưng được đánh giá là có khả năng hoàn trả gốc và/hoặc lãi theo các điều khoản trả nợ được tái cơ cấu. 

Dù Thông tư 02 cho phép giãn nợ tín dụng đã được ban hành, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết vẫn tiếp tục tăng lên tới 2,1% khi kết thúc quý 2/2023. 

Do đó, lãi suất cho vay dù có giảm nhưng chậm và có sự phân hoá lớn, không đáp ứng kỳ vọng của thị trường và tăng trưởng tín dụng thấp, bất chấp các nỗ lực khơi thông của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán DSC, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1,5% - 2% kể từ đầu năm tới nay. Mức lãi vay thế chấp của nhiều ngân hàng thương mại cũng được giới thiệu là chỉ từ 7-8%. Tuy nhiên, lãi suất cho vay hiện tại có sự phân hóa rõ rệt. Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt, lãi suất cho vay đúng là đã trở về mức thấp dưới 10%. Với các doanh nghiệp khó khăn, "đói vốn", chất lượng tín dụng thấp, lãi suất khi đi vay ngân hàng vẫn đạt mốc 12 - 17%.

Lãi suất cho vay một số ngân hàng thương mại (tháng 8/2023).
Lãi suất cho vay một số ngân hàng thương mại (tháng 8/2023).

Dù cho vay được với mức lãi suất cao, nhiều ngân hàng vẫn rất e ngại, không duyệt tín dụng với các doanh nghiệp khó khăn. Với các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt, được vay lãi suất rẻ, do triển vọng kinh doanh chưa rõ ràng, nhiều doanh nghiệp lựa chọn không đi vay thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Do hiện trạng trên, sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế năm 2023 rất yếu. Đến hết tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,3%, giảm nhẹ từ mốc 4,7% trong tháng 6.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng năm 2022 và 2023.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng năm 2022 và 2023.

Nhu cầu tín dụng yếu là lý do giúp thanh khoản hệ thống khá dồi dào và lãi suất liên ngân hàng giảm xuống vùng 0,2 – 0,3%, tương đương giai đoạn Covid-19 (2020-2021). Khi đó, các hoạt động trên kênh thị trường mở khá trầm lắng.

Liên quan đến lãi suất, Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây phát đi những thông điệp thận trọng và nhấn mạnh chỉ hạ lãi suất điều hành nếu có điều kiện phù hợp. Mục tiêu lớn hơn sẽ nghiêng nhiều về các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện tiết giảm chi phí, để qua đó hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Dù đứng trước áp lực về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 nhưng Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp rất cứng rắn: Không hạ chuẩn tín dụng. Thông điệp này càng được củng cố qua việc ban hành Thông tư 06, qua đó ngân hàng thương mại sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các quyết định cho vay của mình.