06:41 28/12/2012

Lãi suất còn giảm, nợ xấu bớt căng?

Minh Đức

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói về hướng điều hành lãi suất và nêu quan điểm về nợ xấu

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, những gì hệ thống ngân hàng làm được để xử lý nợ xấu thì đã làm hết sức.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, những gì hệ thống ngân hàng làm được để xử lý nợ xấu thì đã làm hết sức.
Ngày 27/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức buổi gặp mặt báo chí để thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2012 và định hướng chính sách năm 2013. Lãi suất, nợ xấu là hai chủ đề chính tập trung trao đổi.

Năm 2012, lãi suất đã giảm khá mạnh. Ngược lại, nợ xấu tăng nhanh và trở thành áp lực chuyển tiếp cho năm 2013.

“Không đặt trần lãi suất cho vay chung”

Năm qua, các đợt điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chia thành hai nửa: nửa nhanh và dồn dập, nửa ngắt quãng và thận trọng. Từ tháng 3 - 6/2012, nhà điều hành liên tiếp 5 lần giảm các lãi suất chủ chốt cũng như hạ các trần. Nhưng nửa cuối năm chỉ duy nhất một lần điều chỉnh vào ngày 21/12 vừa qua.

Vì sao có sự ngắt quãng như vậy? Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích, vì phải bám sát diễn biến của lạm phát, đề phòng khả năng bùng phát trở lại. Thực tế, tháng 9/2012, chỉ số giá tiêu dùng đột ngột tăng tới 2,2%, khiến chính sách tiền tệ càng phải thận trọng. Và chỉ khi dự tính chắc chắn lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, qua thực tế tháng 11 và 12, Ngân hàng Nhà nước mới tiếp tục giảm.

Vậy lãi suất có tiếp tục giảm trong năm 2013 không? Thống đốc nêu giả thiết, nếu kiếm chế được lạm phát năm tới 4 - 5% thì có thể giảm lãi suất rất nhanh. Song qua phân tích, có thể kiềm chế được, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố cho thấy nguy cơ bùng nổ trở lại không phải là nhỏ.
 
Theo ông, đặt mối liên hệ giữa giảm lãi suất và kiềm chế được lạm phát như vậy có vẻ như lại là câu chuyên quả trứng - con gà, nhưng ở đây không đâu là quả trứng, không đâu là con gà, mà đen xen lẫn nhau để nhận định, đánh giá đúng hướng. Bởi tín hiệu về lãi suất cũng là tín hiệu ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cùng với các cơ quan của Chính phủ sẽ thường xuyên đánh giá tình hình, diễn biến của lạm phát để nhanh chóng có điều chỉnh về lãi suất, tạo ra định hướng.

Về khả năng áp trần lãi suất cho vay nói chung, như Chính phủ đã nêu tại phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Vấn đề quy định một trần lãi suất cho vay chung chúng tôi đã không đặt ra, đang không đặt ra và sẽ không đặt ra”.

“Về trần lãi suất cho vay, chúng ta đã bàn rất nhiều. Tôi chỉ khẳng định một câu: nếu như năm ngoái chúng ta áp dụng trần lãi suất cho vay chung thì không có cái tăng trưởng kinh tế 5%. Bởi nếu áp dụng một mức trần lãi suất thì chúng tôi cho rằng tín dụng của hệ thống ngân hàng nó không định hướng đúng được vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mà nó thu hút vào những lĩnh vực khác, trước mắt có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn so với lĩnh vực sản xuất kinh doanh”, Thống đốc nói thêm.

Ông cũng gợi mở, có thể trong năm tới Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng với lãi suất hợp lý hơn để đẩy mạnh được tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên đang được áp trần lãi suất cho vay.

Xử lý nợ xấu: “Sao chỉ ngân hàng?”

Tại cuộc gặp, trước ý kiến xử lý nợ xấu thời gian qua chậm, Thống đốc Bình cho rằng nói vậy là đúng mà không đúng. Đúng là xử lý nợ xấu càng nhanh thì càng tốt, nhưng không đúng bởi phải xử lý nợ xấu trong bối cảnh của Việt Nam.

“Ví dụ như ở Mỹ, Chính phủ đưa ra một cục tiền mua đứt các khoản nợ. Cơ quan quản lý chỉ nắm danh mục các khoản nợ. Như thế nó nhanh lắm. Một quyết định là xong hết. Nhưng có lẽ chỉ nước Mỹ mới làm vậy thôi, vì họ có nguồn lực để làm. Còn chúng ta nguồn lực lấy ở đâu? Cái khó bó cái khôn”, ông nói.

Cho nên, theo ông, trong môi trường của Việt Nam mà xử lý được như vừa qua thì phải nói không phải là chậm mà là quá quyết định.

Như việc thực hiện Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 4 - 10/2012, các khoản nợ đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại đã khoảng 250 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 8% dư nợ tín dụng. Theo tính toán của Thống đốc, nếu không xử lý khoản này thì nợ xấu còn tăng lên ít nhất là 8% so với hiện có.

Dẫn luôn thực tế từ thông tin báo chí, Thống đốc Bình nói về việc tự xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại: “Tầm này mọi năm là các báo giật tít mạnh lắm, rằng ngân hàng A lãi khủng, ngân hàng B chia nhau nhiều tiền quá. Năm nay tôi đọc mãi mà chả thấy cái tít nào vậy cả. Đúng không? Vì các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro rất mạnh. Hay nói cách khác là họ lấy lợi nhuận của mình để bù đắp vào nợ xấu”.

Ông cũng đưa ra thông tin, năm nay ngân hàng không có lãi để chia cổ tức, hoặc chia cổ tức rất thấp là phổ biến trong hệ thống. Cán bộ trong các ngân hàng thương mại thì bị sa thải nhiều. Ngày trước tính sa thải theo 5 - 10 - 100 người, còn giờ thì tính theo tỷ lệ phần trăm.

“Điều đó thể hiện là hệ thống ngân hàng đã gồng mình để xử lý nợ xấu bằng chính quyền lợi của các cổ đông... Những gì hệ thống ngân hàng làm được thì đã làm hết sức”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Đáng chú ý là ông đề cập đến trách nhiệm xử lý nợ xấu là chung của nền kinh tế, sao chỉ riêng ngân hàng? Và nợ xấu một phần lớn là do các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý doanh nghiệp theo đó cũng phải vào cuộc.

Hay ở khía cạnh khác, mà ông từng dẫn ra khi trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, rằng: “Như nợ đọng xây dựng cơ bản 93 nghìn tỷ, tức là xây dựng cơ bản rồi mà chưa trả nợ cho ngân hàng. Đấy là nợ xấu đấy. Giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản thì làm sao hệ thống ngân hàng chúng tôi tự giải quyết được, phải có các cơ quan khác của Chính phủ”.

Đến nay, theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đã vào cuộc, các bộ ngành cũng đã vào cuộc và ít nhất là đã ngăn chặn tốc độ gia tăng nợ xấu để từng bước giải quyết. Và với các giải pháp dự kiến trong nghị quyết mà Chính phủ sắp ban hành, nợ xấu sẽ tiếp tục có các bước xử lý căn bản.