15:39 22/03/2022

Lãi suất liên ngân hàng bám đuổi tốc độ tăng tín dụng

Lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn ngắn đã duy trì trên 2%/năm trong 7 tuần liên tiếp, tăng gấp đôi so với cuối năm 2021, hay tăng gấp 5-6 lần so với cùng thời điểm năm 2021...

Lãi suất liên ngân hàng tăng dần theo tiến độ hồi phục của tín dụng
Lãi suất liên ngân hàng tăng dần theo tiến độ hồi phục của tín dụng

Ghi nhận trong tuần vừa qua (14/3 – 18/3), Ngân hàng Nhà nước bơm 410 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh cầm cố thị trường mở (OMO) với mức lãi suất 2,5%, kỳ hạn 14 ngày. Trái lại có 678 tỷ đồng đáo hạn (hút về).

Như vậy, trong tuần, nhà điều hành đã hút ròng 268 tỷ đồng. Nếu cộng cả lượng chưa được đáo hạn, tổng khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố đã giảm xuống mức 1.430 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù bị hút ròng với khối lượng rất nhỏ nhưng lãi suất liên ngân hàng đã không còn duy trì xu hướng giảm của tuần liền trước. Thậm chí kết tuần ở mức 2,26%/năm với kỳ hạn cho vay qua đêm, tăng 0,01 điểm phần trăm. Tương tự, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần trên thị trường này cũng tăng lên mức 2,44%/năm.

Với diễn biến này, lãi suất vay mượn nhau trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn ngắn đã duy trì trên 2%/năm trong 7 tuần liên tiếp, tăng gấp đôi so với cuối năm 2021, hay tăng gấp 5-6 lần so với cùng thời điểm năm 2021.

Lãi suất liên ngân hàng bám đuổi tốc độ tăng tín dụng - Ảnh 1

Theo Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng lãi suất liên ngân hàng đã thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021. Và nguyên nhân chính đến từ tín dụng hồi phục khiến thanh khoản các ngân hàng không còn dồi dào như trước.

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng ước tính tín dụng sẽ tăng 5,3% trong quý 1 năm nay và tăng 14,1% trong cả năm 2022.

Thực tế, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 10/3, tăng trưởng tín dụng đã đạt 3,11%, cao hơn 2 điểm điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và 0,6 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng ghi nhận vào ngày 25/2. Tính từ đầu năm, đã có khoảng 325.000 tỷ đồng được các ngân hàng bơm ra thị trường thông qua kênh cho vay.

 

Nhóm nghiên cứu tại SSI cho rằng, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã tạo đáy và sẽ nhích tăng dần về cuối năm. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát.

Sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng trong giai đoạn đầu năm nay phản ánh nhu cầu tín dụng tăng dần của doanh nghiệp sau khi bị gián đoạn sản xuất do dịch bệnh. Ngoài ra, tín dụng cũng được hỗ trợ nhờ dòng vốn rẻ của hệ thống ngân hàng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi.

Điển hình nhất, Vietcombank đang triển khai chương trình lãi suất ưu đãi với quy mô 49.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian 15/3 đến 31/, lãi suất từ 5,6-8,3%/năm.

Tương tự, BIDV cũng thực hiện chương trình ưu đãi tín dụng với quy mô 200.000 tỷ đồng. Trong đó 100.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn với lãi suất chỉ từ 5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng và 5,5%/năm cho kỳ hạn 6-12 tháng.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thứ cấp tiếp tục đà tăng
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thứ cấp tiếp tục đà tăng

Quay lại diễn biến tuần vừa qua nhưng ở thị trường trái phiếu Chính phủ, cũng do thanh khoản các ngân hàng không còn dồi dào nên lợi suất trên thứ cấp tiếp tục đà tăng. Đồng thời đây cũng thể hiện kỳ vọng của các ngân hàng vào một đợt tăng lợi suất sau kết quả về cuộc họp chính sách của Fed.

Theo đó, đường cong lợi suất dịch chuyển lên phía trên và phẳng dần. Các mức lợi suất đang đóng cửa tại: 1 năm (1,47%, tăng 0,11 điểm phần trăm); 3 năm (1,65%; tăng 0,19 điểm phần trăm); 5 năm (1,72%, tăng 0,20 điểm phần trăm); 10 năm (2,33%, tăng 0,06 điểm phần trăm); 15 năm (2,65%, tăng 0,05 điểm phần trăm); 20 năm (2,91%, tăng 0,02 điểm phần trăm) và 30 năm (3,04%, không đổi).