Lạm phát được kiểm soát mức 3,5% do tác động từ khủng hoảng Ấn Độ?
VDSC duy trì mức lạm phát kỳ vọng cho cả năm 2021 ở mức 3,5% mặc dù quan ngại lạm phát do chi phí đẩy đang gia tăng...
Đánh giá về tác động lan tỏa đến từ cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ hiện nay đối với Việt Nam, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 chắc chắn là một bước lùi đối với triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ. Năm 2020, tổng kim ngạch thương mại của Ấn Độ với Việt Nam ước tính đạt khoảng 9,6 tỷ USD, chỉ chiếm 1,7% tổng giá trị hoạt động thương mại vủa Việt Nam.
Do đó, tác động của cuộc khủng hoảng của Ấn Độ lần này đối với các hoạt động thương mại tại Việt Nam là không đáng kể. Các sản phẩm thép hiện đang là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất từ Ấn Độ và các sản phẩm điện tử là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Ấn. Căn cứ vào tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trọng yếu sang Ấn Độ trong tổng kim ngạch xuất khẩu, có thể thấy rằng xuất khẩu thức ăn chăn nuôi, hóa chất và kim loại là những mặt hàng dễ bị tổn thương do tỷ trọng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của từng mặt hàng là tương đối cao.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu những mặt hàng như thuốc trừ sâu, bông và sợi, phụ tùng ô tô từ Ấn Độ có thể phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đợt khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ lần này.
Việc sản xuất vaccine của Ấn Độ là một phần quan trọng của chương trình COVAX, chương trình toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng cho các quốc gia thu nhập trung bình và thấp. Hiện nay, Viện Huyết thanh của Ấn Độ được cấp quyền sản xuất vắc xin AstraZeneca cho COVAX. Nếu tổ chức này không thể đáp ứng đủ nguồn cung vaccine, tiến độ của chiến lược tiêm chủng của Việt Nam có nguy cơ bị trì hoãn thêm.
Cuối cùng, Ấn Độ hiện đang là nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba trên thế giới, việc giảm nhu cầu từ Ấn Độ có thể sẽ giúp kiềm hãm đà tăng giá dầu trong năm 2021. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức 67 USD/thùng, thấp hơn ngưỡng 70 USD/thùng, điều này ngược lại với hai tác động đầu tiên, có thể được coi là yếu tố tích cực giúp kiểm soát lạm phát của Việt Nam dưới mức 4,0% vào năm 2021.
Hiện tại, VDSC duy trì mức lạm phát kỳ vọng cho cả năm 2021 ở mức 3,5% mặc dù quan ngại lạm phát do chi phí đẩy đang gia tăng.
“Xu hướng lạm phát là yếu tố then chốt đối với hoạt động của thị trường trong nửa cuối năm 2021. Trong khi đó, dưới góc nhìn của các nhà đầu tư cổ phiếu, một số cơ hội sẽ được tạo ra giữa các ngành phù hợp với chu kỳ hàng hóa”
Báo cáo VDSC
Cũng theo VDVS, lạm phát do chi phí đẩy giá là mối quan ngại chính trong nửa cuối năm 2021. Do sự phục hồi của cầu tiêu dùng và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, chi phí đầu vào trên toàn cầu đã tăng mạnh trong vài tháng gần đây.
Theo IHS Markit, tình trạng khan hiếm nguồn cung đã khiến chi phí đầu vào của các nhà sản xuất Việt Nam tăng mạnh trong bốn tháng đầu năm nay. Dữ liệu mới nhất cho thấy chi phí đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất chỉ trong hơn ba năm và các nhà sản xuất đã chuyển chi phí đầu vào cao hơn cho khách hàng của họ. Nhìn vào dữ liệu ngành một cách chi tiết, chi phí tăng kỷ lục xuất hiện ở nhiều ngành như thức ăn chăn nuôi, thép, giấy, hóa chất...
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra dự báo lạm phát tháng 5 có thể giảm 0,10% mom, tương ứng tăng 2,62% so với cùng kỳ do sức tiêu dùng phần nào bị tác động bởi làn sóng dịch mới nhất xâm nhập vào Việt Nam. Trong khi đó, lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%. Dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt nhiều khả năng khiến cho nhu cầu tiêu dùng chưa thể hồi phục mạnh trở lại.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2021 giảm 0,04% mom, tương ứng tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.