Lần đầu tiên Việt Nam có ngành đào tạo thể thao điện tử
Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, ngày 14/11, Trường Đại học Công nghệ và quản lý Hữu nghị (UTM) và Tổ chức giáo dục Pearson Vương Quốc Anh (Pearson UK) đã ký kết bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác về đào tạo Thể thao Điện tử (eSports) tại Việt Nam…
Thể thao điện tử (eSports) đang là một ngành công nghiệp tiềm năng và phát triển nhanh trên thế giới. Trong khi đó, nguồn nhân lực phục vụ trong ngành eSports tại Việt Nam hầu hết không được đào tạo bài bản và thường chuyển từ các ngành nghề khác sang. Do đó, để Việt Nam theo kịp xu thế và sự phát triển eSports trên thế giới, việc xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này là rất cần thiết.
Theo ký kết trên, UTM sẽ trở thành tổ chức đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đào tạo Chương trình Cao đẳng BTEC Ngành eSports, do Pearson cung cấp. Theo đó, học viên khi tham gia học ngành eSports tại UTM sẽ được đào tạo theo chương trình do BTEC cung cấp với các môn học như: Hệ sinh thái về thể thao điện tử; Phân tích kỹ năng và chiến thuật; Lập kế hoạch cho một dự á; Phân tích trò chơi; Triết lý thiết kế trò chơi; Cách thức tổ chức sự kiện, giải đấu; livestream về thể thao điện tử… Quá trình học tập được kiểm soát chặt chẽ bởi Pearson, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
Khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ nhận được Bằng tốt nghiệp Cao đẳng hệ chính quy do UTM cung cấp và Bằng Cao đẳng BTEC của Vương Quốc Anh. Bằng Cao đẳng BTEC được công nhận tại 340 trường Đại học trên thế giới công nhận và tiếp nhận đào tạo chuyển tiếp đối với 1.500 bằng cấp chính quy.
PGS.TS Hoàng Xuân Lâm, Chủ tịch UTM cho biết: “UTM đã và đang phát triển các mối quan hệ với các công ty, tổ chức bao gồm nhà phát hành trò chơi và đại lý công nghệ trên toàn khu vực, từ đó mở ra ngành đào tạo mới tại Việt Nam về eSports. Với việc ký kết với Pearson, UTM trở thành nơi duy nhất tại Việt Nam hiện nay đào tạo ngành eSports theo chương trình BTEC, sinh viên sẽ được đào tạo các môn học về hệ sinh thái thể thao điện tử, cách thức tổ chức sự kiện hay phát trực tuyến (livestream)… những môn học này hỗ trợ phát triển hệ sinh thái giải trí kỹ thuật số đang vươn lên mạnh mẽ tại Việt Nam”.
Tại lễ ký kết, ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam, cho rằng, hợp tác trên cho thấy tiềm năng và tầm quan trọng ngày càng tăng của Thể thao điện tử cũng như tham vọng của người Việt Nam trong việc đảm bảo rằng người dân của mình có đủ điều kiện để tham gia vào một ngành đã tạo ra doanh thu toàn cầu hơn 1 tỷ USD.
Theo ông Marcus Winsley, với hơn 20 triệu người chơi đã tại Việt Nam hiện tại, giờ là lúc phải tiến lên chuỗi công nghệ. Thể thao điện tử không chỉ đơn thuần là chơi. Đó là góp phần phát triển một hệ sinh thái giải trí kỹ thuật số phức tạp có khả năng thu hút đầu tư dài hạn và tạo ra doanh thu đáng kể.