Làn sóng tẩy chay dâng cao, H&M phải đóng loạt cửa hiệu ở Trung Quốc
H&M gặp “vận đen” ở Trung Quốc vì một tuyên bố mà công ty này đăng trên website từ tháng 9 năm ngoái
Nhiều cửa hiệu ở Trung Quốc của chuỗi bán lẻ thời trang lớn thứ nhì thế giới Hennes & Mauritz AB (H&M) đã bị chủ cho thuê mặt bằng trục xuất - một nấc thang mới trong làn sóng tẩy trang thương hiệu H&M tại nước này.
Theo hãng tin Bloomberg, những diễn biến mới nhất nói trên đe dọa tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của H&M tại thị trường lớn thứ tư của hãng, trong bối cảnh sự nhạy cảm ngày càng lớn của Bắc Kinh với những lời chỉ trích liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Tân Cương khiến nhiều công ty phương Tây như H&M điêu đứng.
Thông tin mà Bloomberg thu thập được cho thấy có ít nhất 6 cửa hiệu H&M ở Urumqi, Yinchuan, Changchun và Lianyungang đã bị chủ cho thuê mặt bằng yêu cầu đóng cửa. Truyền thông địa phương đưa tin có nhiêu vụ đóng cửa hơn, với hàng loạt biển quảng cáo của thương hiệu thời trang đến từ Thụy Điển bị gỡ bỏ.
H&M gặp "vận đen" ở Trung Quốc vì một tuyên bố mà công ty này đăng trên website từ tháng 9 năm ngoái. Trong tuyên bố đó, H&M bay tỏ lo ngại về thông tin cho rằng có tình trạng lao động cưỡng bức ở vùng Tân Cương ở Trung Quốc - một khu vực sản xuất bông quan trọng đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng ngành thời trang toàn cầu.
Trước đó, hàng chục ngôi sao của Trung Quốc đã tuyên bố cắt hợp đồng hoặc cắt quan hệ với H&M. Cửa hiệu H&M trên các website thương mại điện tử của Trung Quốc bị xóa sổ. Trên các ứng dụng bản đồ ở Trung Quốc như Apple Maps hay Baidu Maps, các cửa hiệu H&M cũng hoàn toàn biến mất.
"Cơn thịnh nộ" của Trung Quốc với H&M bắt đầu từ một bài đăng trên mạng xã hội về tuyên bố nói trên của H&M. Tiếp đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu nhằm vào những thương hiệu lớn khác của phương Tây từng có lần lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Điều này khiến giới đầu tư chứng khoán lo ngại: cổ phiếu Nike sụt hơn 3% trong phiên ngày thứ Năm ở Phố Wall; Adidas cùng ngày sụt ở 6% tại thị trường Frankfurt; cổ phiếu Burberry lao dốc hơn 4% ở London; cổ phiếu H&M cũng trượt gần 2% tại Thụy Điển.
Trung Quốc chiếm gần 5% doanh thu toàn cầu của H&M trong năm 2019, đứng sau Đức, Mỹ và Anh. Con số này được dự báo tăng lên 10% trong năm 2020, khi kinh tế Trung Quốc phục hồi khỏi đại dịch Covid-19 nhanh hơn châu Âu, thị trường quê hương của H&M.
Giới phân tích đánh giá rằng phản ứng của Trung Quốc với H&M lần này mạnh mẽ hơn nhiều so với những lần trước đây khi các thương hiệu nước ngoài bị cho là vượt ranh giới chính trị ở Trung Quốc. Điều này đặt H&M trước nguy cơ trở thành nạn nhân doanh nghiệp đầu tiên của sự nhạy cảm ngày càng lớn của Bắc Kinh với những lời chỉ trích từ phía các chính phủ và thực thể phương Tây.
Một điều đáng nói là cơn giận của Trung Quốc với H&M và một loạt thương hiệu phương Tây khác diễn ra đúng vào thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục âm ỉ. Tại đối thoại cấp cao Mỹ-Trung ở Alaska mới đây, qua chức hai nước đấu khẩu nảy lửa về các vấn đề như nhân quyền, an ninh quốc gia và thương mại.
Đến ngày thứ Sáu, H&M đã gỡ khỏi website công ty bản tuyên bố dẫn tới làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trên website này vẫn còn một đường link khả dụng với nội dung bày tỏ lập trường tương tự về nguồn bông vải ở Tân Cương.
Các thương hiệu toàn cầu đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc tiếp tục dùng bông có nguồn gốc từ Tân Cương, hoặc bị tẩy chay tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Trong khi đó, các thương hiệu thời trang Trung Quốc như Anta Sports hay Zhejiang Semir Garment nhanh chóng nắm bắt cơ hội bằng cách đưa ra tuyên bố ủng hộ bông Tân Cương.
Mỹ hôm thứ Sáu cáo buộc Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tẩy chay có sự tham gia của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, được nhà nước hậu thuẫn nhằm vào các công ty từ chối sử dụng bông từ Tân Cương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter nói Trung Quốc đang nhằm vào các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản tránh dùng bông Tân Cương.