Làn sóng tẩy chay H&M, Adidas tại Trung Quốc khó kéo dài?
Trước đợt tẩy chay nhằm vào H&M, Adidas, Nike tuần qua, nhiều thương hiệu phương tây khác cũng từng bị người tiêu dùng Trung Quốc "quay lưng"
Từ tuần trước, thương hiệu thời trang Thụy Điển Hennes & Mauritz AB (H&M) thành tâm điểm của làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc vì một phát ngôn vào năm ngoái trong đó tuyên bố không dùng bông sản xuất tại tỉnh Tân Cương do lo ngại vấn đề nhân quyền.
Sau đó, hai thương hiệu thời trang Nike và Adidas cũng rơi vào "tầm ngắm" khi đồng loạt bị nhắc tên trên mạng xã hội, truyền hình quốc gia và bị nhiều người nổi tiếng chấm dứt quan hệ vì tránh dùng bông Tân Cương.
Theo Fortune, bài đăng của Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc vào thứ Tư tuần trước đã tạo ra một "cơn sóng thần" theo chủ nghĩa dân tộc, nhanh chóng nhấn chìm hàng loạt thương hiệu thời trang khác từng có tuyên bố tương tự. Nạn nhân của làn sóng tẩy chay này gồm có Burberry, Calvin Klein, Inditex - chủ sở hữu Zara, IKEA và Fast Retailing - công ty mẹ Uniqlo...
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng châm ngòi cho làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng nước này: "Với các doanh nghiệp động đến lợi ích của đất nước chúng ta, thì phản ứng rất rõ ràng: không mua sản phẩm của họ!".
Giữa làn sóng tẩy chay, các sản phẩm của H&M nhanh chóng biến mất khỏi các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Alibaba và JD.com. Vị trí của hơn 500 cửa hàng bán lẻ H&M tại Trung Quốc bị xóa khỏi dịch vụ bản đồ của Alibaba và Baidu - công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc. Chưa hết, các chủ mặt bằng tại ít nhất 6 thành phố cấp thấp đã buộc H&M đóng cửa hàng.
Tuy nhiên, cửa hàng H&M tại các thành phố lớn vẫn mở cửa. Và đến Chủ nhật vừa rồi các sản phẩm của Nike và Adidas vẫn được bán rộng rãi trên tất cả các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. Trong khi đó, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vẫn tiến hành chuyến thăm theo kế hoạch tới nhà máy của công ty liên doanh Đức - Trung chuyên sản xuất hóa chất cho cả Nike và Adidas.
Cũng giống H&M, Nike từng tuyên bố sẽ không sử dụng bông Tân Cương. Theo nhà báo Michael Schuman của Bloomberg, thương hiệu thể thao Mỹ không bị ảnh hưởng lớn như H&M bởi sản phẩm của hãng vô cùng phổ biến tại Trung Quốc - chiếm tới hơn 20% thị trường giày thể thao nước này. Michael Schuman dự báo những lùm xùm xoay quanh vấn đề bông Tân Cương rồi cũng sẽ nguội dần.
"Thực tế là Bắc Kinh không thể đẩy quá nhiều công ty nước ngoài ra khỏi đất nước vì vấn đề bông Tân Cương hay bất cứ thứ gì khác. Lãnh đạo nước này vẫn muốn tỏ ra cởi mở với đầu tư nước ngoài cùng với những việc làm, vốn và công nghệ mà những công ty này mang lại. Hơn nữa, Trung Quốc không thể gây ảnh hưởng tới cộng đồng doanh nghiệp quốc tế vào thời điểm mà thái độ trên toàn cầu đối với họ vốn đã xấu đi", Schuman nhận định.
Điều tương tự cũng từng xảy ra trong những lần người Trung Quốc tẩy chay doanh nghiệp ngoại trước đây.
Năm 2012, hàng loạt nhà sản xuất ôtô và đồ điện tử Nhật Bản bị cuốn vào cuộc tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc và làn sóng biểu tình bạo lực chống Nhật Bản. Nguyên nhân xuất phát từ hàng loạt cuộc đối đầu giữa hai quốc gia liên quan tới các đảo xảy tranh chấp trên biển Hoa Đông. Tuy vậy, cuối cùng căng thẳng cũng dịu xuống và các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản, gồm Toyota, Nissan và Sony vẫn tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc.
(Một điểm đáng chú ý là Nhật Bản là thành viên duy nhất của nhóm G7 không kêu gọi thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương).
Tương tự, năm 2016, Trung Quốc phản ứng lại việc Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa - điều mà Bắc Kinh xem là mối đe dọa an ninh quốc gia - bằng cách khơi mào làn sóng tẩy chay nhằm vào các doanh nghiệp Hàn Quốc. Bắc Kinh đã triển khai chiến dịch tẩy chay ô tô, thiết bị điện tử, du lịch và thậm chí cả các chuyến lưu diễn của nhiều ban nhạc K-Pop nổi tiếng. Tuy nhiên, cuối cùng, Bắc Kinh cũng từ bỏ chiến dịch này, mặc dù mục tiêu chính là buộc Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Gần đây nhất, vào năm 2019, Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) bị tẩy chay sau khi tổng giám đốc của đội Houston Rockets, lúc đó là Daryl Morey, đã đăng tải lên Twitter (sau đó xóa đi) một bức ảnh bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình dân chủ ở Hồng Kông. Các trận đấu của NBA sau đó bị cắt khỏi sóng truyền hình Trung Quốc, còn các mặt hàng liên quan tới NBA cũng biến mất khỏi các cửa hàng, đe dọa tới hoạt động kinh doanh trị giá 4 tỷ USD của giải đấu tại quốc gia này. Tuy nhiên, một năm sau, kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV thông báo tiếp tục phát trực tuyến các trận đấu của NBA.
Nhà báo Schuman cho rằng NBA "quá phổ biến và quá béo bở" nên Trung Quốc không thể loại bỏ giải đấu này chỉ vì một dòng đăng tải trên mạng xã hội.
Tuy vậy, những vụ tẩy chay trên cho thấy sự phụ thuộc của các doanh nghiệp phương Tây vào thị trường Trung Quốc. Tờ Economist cho rằng khái niệm doanh nghiệp phương Tây hoàn toàn cắt đứt với Trung Quốc là "điều viển vông". Bởi điều này có thể khiến giá nhiều mặt hàng tại phương Tây tăng mạnh và nhiều ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ và châu Âu như công nghệ, ôtô, ngân hàng và hàng xa xỉ suy giảm mạnh.
Trên tờ Wall Street Journal, Matthew Pottinger - cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump - nhấn mạnh rằng "phân ly hoàn toàn" giữa Mỹ và Trung Quốc là điều bất khả thi. Thay vào đó, ông ủng hộ "sự phân tách có chọn lọc" tập trung vào lĩnh vực công nghệ, đồng thời kêu gọi các CEO Mỹ tham gia vào chương trình này.