15:26 19/07/2023

Lào Cai tăng cường giám sát, quản chặt tài nguyên đất hiếm

Châu Anh

Trước khi Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ra văn bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa và Lào Cai xác minh những phản ánh của báo chí về tình trạng khai thác, buôn bán trái phép đất hiếm...

Hầu hết các mỏ đất hiếm lớn tại Tây Bắc hiện chưa được khai thác
Hầu hết các mỏ đất hiếm lớn tại Tây Bắc hiện chưa được khai thác

Ngày 19/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành văn bản số 3438 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, đất hiếm chưa khai thác.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói chung, bao gồm cả khoáng sản là đất hiếm (có mỏ xác định tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai); thực hiện việc truy quét, giải tỏa hoạt động khai thác trái phép hoặc các hoạt động đào trộm, hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép và xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu có).

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các ngành xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp trên địa bàn và các huyện thuộc các địa phương khác nằm trong khu vực giáp ranh địa giới hành chính. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Sở Công Thương, Cục Hải quan tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và các cơ quan liên quan thường xuyên rà soát, giám sát hoạt động xuất, nhập khẩu khoáng sản qua biên giới đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.

Trước đó, vào tháng 6/2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên vừa ký văn bản gửi UBND tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa và Lào Cai đề nghị xác minh những phản ánh của báo chí về tình trạng khai thác, buôn bán trái phép đất hiếm.

Đất hiếm từ lâu được coi là "vitamin của nền công nghiệp hiện đại" vì có thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, việc trích xuất nguyên tố đất hiếm từ quặng thô rất khó khăn và tốn kém, do hiếm khi chúng tập trung một chỗ với hàm lượng đủ lớn để việc khai thác đạt được hiệu quả kinh tế.

Việt Nam có trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Tuy nhiên, việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm đang gặp nhiều khó khăn. Hai mỏ được cấp phép khai thác đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái "án binh bất động" rất nhiều năm qua.

Vừa qua, Hàn Quốc và Việt Nam đã có thỏa thuận, biên bản ghi nhớ thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt Nam - Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi.