Loại hải sản “vua” nào được check-in phòng VIP sân bay hàng ngày?
Hàng ngày, hàng nghìn con Cua Hoàng đế đỏ được đưa đến phòng VIP sân bay Oslo. Từ đây, chúng sẽ du ngoạn khắp thế giới để đến tay những đầu bếp hàng đầu để tạo thành những món ăn xa xỉ cho giới nhà giàu...
Cua Hoàng đế đỏ có vẻ ngoài vương giả. Chiếc mai góc cạnh của nó trông giống như một chiếc vương miện, và con cua đang khoác trên mình một tấm áo choàng đỏ rực xa hoa. Một bên càng của nó lớn hơn bên còn lại, nếu nhìn lướt qua có thể liên tưởng tới cây quyền trượng của nhà vua.
Có một điều ít người biết, đó là “kẻ thống trị” các loài giáp xác ở biển Barents lại không phải là “dân bản địa” ở bắc Na Uy. Trên thực tế, loài cua này vốn sinh sống ở biển Bering, biển Okhotsk và Bắc Thái Bình Dương, sau này trở thành một trong những loài cua Hoàng đế được phép đánh bắt thương mại.
Trong những năm 1960, các nhà khoa học Liên Xô đã đưa cua Hoàng đế đỏ đến vùng lãnh hải giữa Na Uy và Liên Xô nhằm tạo dựng nguồn tài nguyên thủy hải sản bền vững. Trong hơn 60 năm qua, chúng đã thiết lập môi trường sống dọc bờ biển phía đông của hạt Finnmark (Na Uy) và trở thành nguồn tài nguyên vô giá trong khu vực.
“Cua Hoàng đế đỏ” là một cái tên rất hợp với loài cua này, không chỉ bởi màu đỏ và kích thước lớn của chúng. Cua Hoàng đế đỏ có thể nặng tới 8kg, mai dài hơn 23cm. Giống như một vị vua, cua Hoàng đế cai trị vương quốc của hệ sinh thái. Do không có nhiều kẻ thù trong tự nhiên cản đường nên chúng có thể tự do “nuốt chửng” mọi sinh vật biển trên đường di chuyển của mình. Cua Hoàng đế đỏ có khả năng thích nghi cao. Không giống các loài cua khác chỉ biết bò ngang, cua Hoàng đế đỏ dễ dàng di chuyển ngang sang cả hai bên hoặc tiến thẳng về phía trước, sử dụng những chiếc chân dài và đầy gai nhọn.
Không ai ngờ Cua Hoàng đế đỏ có thể sinh sôi nảy nở nhanh đến vậy. Chế độ ăn uống phong phú rõ ràng đã tiếp thêm năng lượng cho khả năng sinh sản của chúng. Ngay từ những năm 1990, Cua Hoàng đế đỏ đã phát triển nhiều đến mức ngư dân Finnmark khi kéo lưới đánh cá lên lại thấy đầy ắp cua. Họ vô cùng tuyệt vọng vì đây là một cuộc khủng hoảng lớn. Tuy nhiên, sự tuyệt vọng ấy lại sớm biến thành một niềm lạc quan rực rỡ.
Điều gây kinh ngạc hơn cả là hàng ngày, hàng nghìn con cua Hoàng đế được đưa đến “check-in” tại một phòng chờ VIP ở sân bay Oslo, Gardermoen. Từ đây, chúng sẽ du ngoạn khắp thế giới để cuối cùng đến tay những đầu bếp hàng đầu ở Tokyo (Nhật Bản), Seattle (Mỹ), Hồng Kông (Trung Quốc) và London (Vương quốc Anh).
Tuy nhiên, trước khi chúng đi xa đến mức đó, bạn hoàn toàn có thể “diện kiến” những vị “Hoàng đế” này ở Kirkenes, thị trấn ở cực bắc Na Uy, nơi có rất nhiều loài cua sinh sống và phát triển. Thị trấn này được mệnh danh là “thủ phủ của cua Hoàng đế”, mang đến sự phấn khích, tiếng cười và niềm vui cho du khách. Tại Kirkenes, bạn chắc chắn sẽ có một chuyến phiêu lưu đặc sắc với cua Hoàng đế. Ví dụ như tham gia trải nghiệm giúp ngư dân bắt cua, học hỏi từ một đầu bếp bậc thầy cách chuẩn bị tốt nhất bữa tiệc cua Hoàng đế dành cho gia đình và bạn bè.
Các quy định nghiêm ngặt được ngành thủy hải sản Na Uy thực thi càng làm tăng thêm sự “độc nhất vô nhị” của loài cua này. Hoạt động đánh bắt cua Hoàng đế đỏ diễn ra quanh năm bằng bẫy, đặt ở các vịnh hẹp và khu vực ven biển dọc theo phía đông của hạt Finnmark. Đội tàu đánh bắt gồm các tàu nhỏ ven bờ, quãng đường di chuyển từ vùng đánh bắt đến bến cập tàu tương đối ngắn.
Để xuất bán, cua Hoàng đế đỏ phải có màu nâu đỏ đều ở mặt trên và có màu trắng kem ở mặt dưới. Cua phải còn sống và trong tình trạng tốt khi được đánh bắt, có nghĩa là cua không được có vết thương, đổi màu hoặc trầy xước trên bất kỳ bộ phận nào của mai, không được thiếu toàn bộ chân hoặc càng. Sức hấp dẫn của “nhà vua” là điều không thể phủ nhận. Cua Hoàng đế có kích cỡ to, thịt mọng nước và đầy hương vị, thơm hơn cả tôm hùm, có thể dùng để chế biến cả món nóng và món nguội.
Cua Hoàng đế có hàm lượng chất béo bão hòa thấp và là nguồn cung cấp vitamin B12, phốt pho, kẽm, đồng, cũng như selenium dồi dào. Thịt ở chân và càng cua có vị ngọt, xen lẫn vị mặn một cách tinh tế, rất thích hợp để bỏ lò, nướng, ăn kèm với bơ tỏi hoặc thêm các loại rau thơm và gia vị. Nhiều người thích giữ vị nguyên bản bằng cách luộc hoặc hấp, dùng kèm salad và chanh.
Nếu "chịu chi" để thưởng thức cua Hoàng đế đỏ, bạn chắc chắn sẽ không hối hận. Tại Việt Nam, các thực đơn phổ biến nhất với cua Hoàng đế bao gồm cua hấp bia, súp cua Hoàng đế, chân cua Hoàng đế đút lò, cua Hoàng đế nguyên con nướng trên than hồng...