14:32 25/12/2008

Lừa xuất khẩu lao động: Một năm nhìn lại

Lý Hà

Các hành vi lừa đảo liên quan đến xuất khẩu lao động đang có chiều hướng gia tăng những năm gần đây

Để người lao động nắm bắt được thông tin, không bị các đối tượng lừa đảo, Bộ Công an cho rằng cần sự phối kết hợp giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động, địa phương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Để người lao động nắm bắt được thông tin, không bị các đối tượng lừa đảo, Bộ Công an cho rằng cần sự phối kết hợp giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động, địa phương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Các hành vi lừa đảo liên quan đến xuất khẩu lao động đang có chiều hướng gia tăng những năm gần đây.

Nạn nhân thường là những người dân lao động nghèo, gặp khó khăn, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nhưng không có trình độ, hiểu biết về đường lối chính sách của Nhà nước.

Đa dạng cách lừa

Năm 2008, đã có 12.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc cộng với trên 6.000 lao động được tái tuyển dụng. Đây là thị trường thu nhập cao, ổn định, nhưng cũng là một trong những thị trường người lao động bị lừa đảo nhiều nhất.

Theo Bộ Công an, việc tổ chức học và thi cấp chứng chỉ tiếng Hàn (EPS) cho người đi lao động tại Hàn Quốc hiện nay đang là một vấn đề nổi lên và là một trong những sơ hở để những kẻ lừa đảo lợi dụng.

Trước nhu cầu cấp thiết của nhiều người muốn đi làm việc tại Hàn Quốc, ở một số địa phương như Hà Nội, Tp.HCM, Quảng Ngãi... đã xuất hiện nhóm lừa đảo bằng cách làm giả các phiếu dự thi, tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Hàn, làm giả chứng chỉ tiếng Hàn để thu hàng ngàn USD của người lao động.

Có rất nhiều hình thức lừa đảo như lợi dụng quy định đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, một số đối tượng có tiền sự về tội lừa đảo, đối tượng không nghề nghiệp đã thành lập công ty với nhiều chức năng kinh doanh, trong đó dịch vụ đào tạo ngoại ngữ, tuyển dụng lao động... để lập lờ với chức năng xuất khẩu lao động. Sau đó niêm yết thông báo tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài tại trụ sở làm việc hoặc qua cò mồi trung gian ở địa phương.

Phổ biến là một số doanh nghiệp không có chức năng xuất khẩu lao động, nhưng cũng làm công tác tuyển chọn và thu tiền bất hợp pháp của lao động với danh nghĩa đưa đi học và làm việc ở nước ngoài.

Ví dụ đầu năm nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ mới (Từ Liêm, Hà Nội), không có chức năng xuất khẩu lao động, nhưng đã lừa đảo, chiếm đoạt của 76 lao động với số tiền 800.000 USD và trên 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, một số kẻ giả danh là cán bộ phòng lao động - thương binh và xã hội tỉnh, hoặc có mối quan hệ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để đứng ra tuyển dụng, thu tiền nhằm lừa đảo, chiếm đoạt.

Họ thường làm giả hồ sơ, hợp đồng, tuyển lao động đi làm việc tại nước ngoài có dấu giả và chữ ký giả của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hoặc Trung tâm Lao động ngoài nước để tạo lòng tin.

Khi thu tiền của người lao động, bọn tội phạm thường ghi giấy biên nhận với nội dung mập mờ như: để góp vốn kinh doanh, vay tiền làm ăn hoặc không ghi lý do thu tiền với chữ ký nhận tiền không rõ ràng để đối phó với cơ quan pháp luật khi bị phát hiện.

Tinh vi hơn, tội phạm còn móc nối với người nước ngoài để lừa đảo, quảng cáo các chương trình du học, đi làm việc ở nước ngoài. Có trường hợp còn tổ chức cho người nước ngoài thu tiền trực tiếp của lao động, thuê người nước ngoài đến phỏng vấn, ký hợp đồng trực tiếp để tạo lòng tin cho người lao động.

Cần công khai, trực tiếp

Để trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, những kẻ lừa đảo thường chọn các ngõ phố nhỏ, các khu đô thị mới xa trung tâm để đặt trụ sở văn phòng làm việc. Họ tổ chức cho người lao động ra nước ngoài thường bằng hộ chiếu phổ thông, visa du lịch ngắn ngày theo đường du lịch, du học, tham gia hội chợ quốc tế... rồi bán cho chủ sử dụng lao động ở nước ngoài.

Theo Bộ Công an, quá trình đấu tranh chống tội phạm trong xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn, như thông tin về chỉ tiêu xuất khẩu của từng thị trường, danh sách doanh nghiệp được phép tuyển dụng để đưa người đi làm việc ở nước ngoài chưa được thông báo rộng rãi; chưa có sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa công an và ngành lao động.

Nhiều người biết mình bị lừa đã không chủ động khai báo cho công an mà tìm cách đòi lại tiền. Đến khi đòi không được, kẻ lừa đảo bỏ trốn, người bị hại mới báo, gây khó khăn cho việc bắt và thu hồi tài sản. Trong số hơn tiền và tài sản thiệt hại từ những vụ án lừa đảo, trị giá tài sản đã thu hồi được rất ít.

Nhằm ngăn chặn lừa đảo trong xuất khẩu lao động, Bộ Công an đã có kiến nghị với Chính phủ, chỉ đạo và cho phép Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động ở các khu vực trên cả nước để nâng cao chất lượng lao động và đảm bảo tính tập trung, chuyên nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tuyển chọn lao động đi làm việc theo yêu cầu của thị trường lao động nước ngoài.

Để người lao động nắm bắt được thông tin, không bị các đối tượng lừa đảo, Bộ Công an cho rằng cần sự phối kết hợp giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động, địa phương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong đó, doanh nghiệp cần thông báo công khai, cụ thể nội dung các hợp đồng xuất khẩu lao động đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội duyệt và phải trực tiếp tuyển chọn lao động không sử dụng các đầu mối trung gian để tuyển lao động ở các địa phương.

Về phía địa phương, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với công an thông báo kế hoạch triển khai, thực hiện tuyển lao động. Phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên thường xuyên thông báo công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu lao động đã được Bộ duyệt đưa lao động đi làm việc ở từng thị trường, nhất là các thị trường có thu nhập cao, ổn định, co sức hấp dẫn lớn như thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường các nước châu Âu...

* Tính từ năm 2004 đến nay, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý 293 vụ với 401 người có hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động. Giá trị tài sản bị thiệt hạn lên đến nhiều chục tỷ đồng. Với lời hứa lo thủ tục đi làm việc ở các thị trường lương cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, đã có 5.490 người bị hại.