Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Cần thiết kế phù hợp với các hình thức tiêu dùng trực tuyến mới
Các hình thức tiêu dùng mới trên nền tảng internet sẽ gây thiệt hại với người tiêu dùng về tài chính hoặc phi tài chính cần là nội dung quan trọng khi thiết kế pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tình hình buôn bán hàng giả, hàng nhái trong hoạt động thương mại điện tử có xu hướng tăng mạnh, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Báo cáo không chính thức của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về bảo vệ người tiêu dùng trong các thị trường nền tảng và Báo cáo Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam cho rằng, các hình thức tiêu dùng mới trên nền tảng internet như hội nhóm sử dụng sản phẩm, dịch vụ; trao đổi hàng hoá với những người có nhu cầu sử dụng lại… có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.
Cụ thể, ảnh hưởng từ các hành vi thiếu công bằng trên thị trường cung cấp hàng hoá, dịch vụ, bất cân xứng thông tin, không đảm bảo chất lượng hàng hoá, dịch vụ… Vì vậy thiệt hại với người tiêu dùng có thể về tài chính hoặc phi tài chính (sức khoẻ, tâm lý, thông tin cá nhân, thời gian…).
Đây sẽ là nội dung quan trọng khi thiết kế pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý về dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.
Theo VCCI, ban soạn thảo cần nghiên cứu nội dung này và cân nhắc đưa vào điều chỉnh trong Luật.
Ngoài ra, thông tin của người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để thực hiện được giao dịch (họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc các tài khoản cho phép thanh toán trực tuyến).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Dự thảo: “tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo…” là bỏ sót các trường hợp tổ chức, cá nhân không phải thông báo khi thu thập thông tin quy định tại khoản 4 Điều 9.
Bởi trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng các thông tin này ngoài mục đích ban đầu (như thông tin để giao kết/thực hiện hợp đồng; thông tin để tính giá, cước…) thì sẽ không có quy định, như vậy tạo thành khoảng trống pháp lý.
Trong quy định bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tại Điều 11 Dự thảo, VCCI cho rằng vấn đề này được quy định khá chung chung. Các yêu cầu như “phải có cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng”, “báo cho cơ quan chức năng trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết…” không rõ trình tự, thủ tục, đối tượng báo cáo thì sẽ khó bảo đảm tính khả thi. Do đó, dự thảo cần dẫn chiếu hoặc uỷ quyền quy định chi tiết các nội dung này.
Bên cạnh đó, dự thảo còn có một số nội dung chưa bảo đảm tính hợp lý, khả thi. Như khoản 6 quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, khoản 4 quy định nội dung gần tương tự cho phép người tiêu dùng “góp ý kiến với tổ chức, cá nhân về giá cả, chất lượng…”.
“Vậy không rõ trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng, trước khi phải đứng ra làm một bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự?”, VCCI đặt câu hỏi.
Vì thế, để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, theo VCCI, Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng: tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với người tiêu dùng lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc sai khác.