15:36 19/09/2024

Mặt trái của những chính sách thị thực thân thiện

Tường Bách

Chính sách nới lỏng thị thực, đưa ra những chính sách visa thân thiện để thu hút du khách đã trở thành một làn sóng lan rộng khắp thế giới, khi nhiều quốc gia nỗ lực phục hồi ngành du lịch sau Covid-19...

Ảnh: CNA
Ảnh: CNA

Tại Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đã lần lượt đưa ra những quy định thị thực thông thoáng, giúp khách quốc tế nhập cảnh dễ dàng hơn, ở lại lâu hơn. Trong đó, du khách từ Ấn Độ, Trung Quốc và Nga được cho là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Nhờ đó, tại Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia), tỷ lệ lấp đầy khách sạn đang tăng vọt trở lại mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, mọi thứ đều có mặt trái. Theo SCMP, sự gia tăng đột biến về lượng khách, những người không bị sàng lọc bởi chính sách visa như trước đây, làm dấy lên báo động về các thành phần phạm tội tiềm ẩn xâm nhập vào các nước Đông Nam Á.

Tại Singapore, báo cáo về các hoạt động bất hợp pháp như trộm cắp, đột nhập, phạm pháp xuất hiện nhiều hơn, khiến giới chức nước này phải giám sát chặt chẽ hơn. Hồi tháng 8, 3 công dân Trung Quốc đối mặt cáo buộc đột nhập nhà dân tại Singapore. Các nhà chức trách cho biết đang làm việc với các công ty du lịch đối tác ở Trung Quốc để truy tìm thêm 14 nghi can nữa - những người được cho đã rời Singapore sau khi phạm tội.

Tại Đông Nam Á, các quốc gia đã lần lượt đưa ra những quy định thị thực thông thoáng, giúp khách quốc tế nhập cảnh dễ dàng hơn, ở lại lâu hơn.
Tại Đông Nam Á, các quốc gia đã lần lượt đưa ra những quy định thị thực thông thoáng, giúp khách quốc tế nhập cảnh dễ dàng hơn, ở lại lâu hơn.

Bên cạnh đó, người dân Singapore cũng bắt đầu thất vọng về tình trạng quá tải du lịch. Theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore, lượng lớn khách Trung Quốc đổ xô đến tham quan gần đây đã làm gián đoạn các lớp học, khiến nhà trường phải thực hiện nhiều biện pháp quản lý lượng khách lớn. "Đây là quá tải du lịch", Suen nói. Dù vậy, ông vẫn khẳng định sự quá tải này chưa đến mức cực đoan như các điểm đến tại Nhật Bản, Bali.

Tại Thái Lan, chính quyền đã đột kích một biệt thự sang trọng ở tỉnh Chonburi và bắt giữ 15 kẻ lừa đảo là người nước ngoài đến đây nhờ chính sách miễn thị thực. Vấn đề tội phạm không chỉ giới hạn ở công dân Trung Quốc. Cảnh sát Thái Lan cũng đã bắt giữ một số đối tượng mang quốc tịch Nga, những người được phép lưu trú miễn thị thực trong 90 ngày, vì thành lập các doanh nghiệp bất hợp pháp phục vụ cho những người mới nhập cư giàu có.

Tại Phuket, người dân than thở về giá đất tăng vọt và chi phí thuê nhà tăng cao, khi lượng khách quốc tế tăng. Các doanh nghiệp, từ taxi đến tiệm làm tóc, ngày càng hướng đến việc phục vụ nhóm khách hàng mới và giàu có này, thay vì người dân địa phương như trước. Những bất bình tương tự cũng diễn ra ở Bali. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, hai điểm đến này vẫn hướng đến chính sách thu hút khách càng nhiều càng tốt vì ngành du lịch đang mang lại hàng tỷ USD cho nền kinh tế.

Tương tự tại Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, chủ hiệu sách Erfan Ghani cho biết ban đầu có nhiều người nước ngoài ghé thăm nơi này với tư cách khách du lịch. Hiện tại, những người này lại ở lại lâu hơn, làm thay đổi bản sắc và sự gắn kết của khu vực. Họ đến với lý do du lịch nhưng ở lại làm việc bất hợp pháp. Tại một khu chung cư trên đường Jalan Masjid India, chủ nhà hàng người gốc Bangladesh Muhammad Ibrahim xác nhận những người đến bằng đường du lịch ở lại lao động bất hợp pháp là "chuyện bình thường".

Quá tải du lịch, ô nhiễm môi trường, gia tăng tỷ lệ tội phạm... là những mặt trái của chính sạc thị thực thân thiện.
Quá tải du lịch, ô nhiễm môi trường, gia tăng tỷ lệ tội phạm... là những mặt trái của chính sạc thị thực thân thiện.

Không chỉ tại Đông Nam Á, hồi tháng 3, hãng tin Reuters cho biết việc số người di cư "chạm nóc" đã làm trầm trọng thêm thị trường nhà cho thuê vốn đã khó khăn của Australia. Chính vì thế, giới chức Australia quyết định sẽ thắt chặt các quy định thị thực đối với du học sinh để giải quyết vấn đề nhà ở. Theo đó, các yêu cầu về trình độ tiếng Anh đối với thị thực dành cho sinh viên đại học và học viên, nghiên cứu sinh bậc sau đại học sẽ tăng lên.

Sau đó, từ ngày 1/7, phí visa đối với sinh viên quốc tế cũng đã tăng từ 710 AUD (khoảng 12 triệu đồng) lên 1.600 AUD (1.068 USD, khoảng 27 triệu đồng), trong khi những người có thị thực du lịch và sinh viên có thị thực tốt nghiệp tạm thời bị cấm nộp đơn xin thị thực sinh viên trong nước. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Clare O'Neil cho biết trong một tuyên bố: "Những thay đổi này sẽ giúp khôi phục tính toàn vẹn cho hệ thống giáo dục quốc tế của nước ta và tạo ra một hệ thống di cư công bằng hơn, quy mô nhỏ hơn và có khả năng cung cấp tốt hơn cho Australia".

Tương tự, đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở, Canada đã đưa ra chính sách hạn chế nhập cư, đồng thời thắt chặt việc cấp visa du học cho sinh viên nước ngoài trong năm 2024. Theo tờ Le Monde, nước này sẽ áp dụng giới hạn tạm thời trong hai năm đối với số lượng thị thực được cấp mới cho sinh viên quốc tế. Năm 2024 sẽ chỉ có khoảng 364.000 thị thực được cấp mới, thấp hơn 35% so với năm 2023. Bộ trên cho biết, biện pháp này nhằm mục đích “giảm bớt áp lực về nhà ở” tại Canada.

Còn tại châu Âu, chương trình “thị thực vàng" đã tạo điều kiện cấp quyền cư trú cho các nhà đầu tư giàu có người nước ngoài rót tiền vào lĩnh vực như bất động sản, kinh doanh. Bên cạnh đó, còn có chương trình “hộ chiếu vàng” cấp quyền công dân thông qua đầu tư nguồn vốn lớn. Sau một thập niên, chương trình này đã thu hút hàng tỉ euro đầu tư, nhưng nó cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở trầm trọng cho người dân.

Ủy ban châu Âu kêu gọi chấm dứt "thị thực vàng" với lý do rủi ro về an ninh cũng như lo ngại về khả năng tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế.
Ủy ban châu Âu kêu gọi chấm dứt "thị thực vàng" với lý do rủi ro về an ninh cũng như lo ngại về khả năng tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế.

Đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, Tây Ban Nha đã thông báo sẽ loại bỏ “thị thực vàng”.  “Việc tiếp cận nhà ở cần phải là một quyền, chứ không phải hoạt động đầu cơ. Các thành phố lớn đang đối mặt thị trường căng thẳng cao độ và gần như không thể tìm được nhà ở đàng hoàng cho những người đã làm việc và nộp thuế”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh trong một bài phát biểu vào tháng 4.

Trước Tây Ban Nha, các quốc gia trên khắp châu Âu đang dần loại bỏ hoặc tạm ngừng chương trình “thị thực vàng”, trong bối cảnh các chính phủ tìm cách khắc phục thiệt hại cho thị trường nhà đất. Dòng người nước ngoài đến sinh sống đã khiến hàng ngàn công dân Bồ Đào Nha có thu nhập thấp phải rời bỏ nhà cửa ở các thành phố như Lisbon. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng xác nhận có tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng và áp lực trong thị trường cho thuê nhà, đặc biệt xung quanh Athens.

 

Từ 15/8/2023, Việt Nam nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày với công dân 13 nước miễn thị thực đơn phương gồm Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.

Việt Nam cũng áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ tại 13 sân bay, 13 cửa khẩu đường biển và 16 cửa khẩu đường bộ; thời gian tạm trú được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày và thị thực có giá trị nhập cảnh nhiều lần.