14:30 29/06/2023

MBS: Vĩ mô tích cực nhưng chứng khoán sẽ hồi phục chậm hơn trong 6 tháng cuối năm 2023

Thu Minh

Quan điểm của MBS trong 6 tháng cuối năm thị trường phục hồi chậm chạp và xen lẫn các nhịp điều chỉnh. Mục tiêu giá hướng tới là vùng 1160 +/ - 15 điểm. Tương ứng với vùng giá Fibonacci 38.2 % và vùng đáy tháng 8 /2022.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chứng khoán MBS vừa có báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô và chứng khoán 6 tháng cuối năm 2023 trong đó dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 có thể dưới 6%.

TÍN HIỆU VĨ MÔ TÍCH CỰC

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được dự báo sẽ bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và lượng vốn lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi trên.

MBS: Vĩ mô tích cực nhưng chứng khoán sẽ hồi phục chậm hơn trong 6 tháng cuối năm 2023  - Ảnh 1

Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên trong 6 tháng cuối năm do các lương thực thực phẩm và năng lượng, chiểm tỷ trọng cao trong CPI, đã có xu hướng tạo đáy và tăng trở lại. Trong khi đó giá một số mặt hàng nhà nước quản lý như điện, y tế và giáo dục gia tăng theo lộ trình. Giá điện mới được điều chỉnh 3% và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng do EVN vẫn đang chịu áp lực tài chính lớn. Lương cơ bản cũng sẽ được điều chỉnh tăng do đó gây sức ép lên lạm phát toàn phần.

Mặc dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm của Việt Nam được dự báo là sẽ ở mức dưới 4%. Thực tế, lạm phát chủ yếu do giá nhập khẩu hàng hoá tăng, lạm phát thế giới vẫn cao và năm nay cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...). Tuy nhiên mức lạm phát dự kiến sẽ ổn định do sức cầu yếu cho phép NHNN Việt Nam dành nhiều dư địa hơn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ so với các Quốc gia khác trên thế giới đang chịu áp lực lạm phát cao hiện nay.

Tỷ giá sẽ ổn định.  DXY giảm đã khiến tỷ giá USD giảm 0,5% so với đầu năm. Trong xu hướng ngắn hạn, VND sẽ tiếp tục chịu áp lực so với USD khi FED khả năng vẫn còn tăng thêm lãi suất trong năm 2023 tuy nhiên áp lực sẽ nhẹ hơn do USD đã chững đà tăng so với hầu hết các đồng tiền khác, bao gồm cả VND. Trong năm 2023, trong viễn cảnh khi FED sẽ dừng tăng lãi suất vào sau thời điểm nửa cuối năm 2023, cùng với lạm phát Việt Nam ở dưới mức 4,5% và tốc độ hồi phục của ngành du lịch, lữ hành nhanh, áp lực lên tỷ giá sẽ hạ nhiệt và chỉ tăng lên 23.900 VND/USD (tăng khoảng 1,5%).

Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng sẽ dồi dào trong 6 tháng cuối năm Từ giữa đến cuối tháng 3-2023, hoạt động bơm/hút ròng trên thị trường mở đã ngưng hẳn do lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh và các NHTM đã không còn nhu cầu vay mượn từ NHNN. Nếu tình hình này tiếp diễn thì từ cuối tháng 5-2023, một lượng lớn thanh khoản (gần 110.000 tỉ đồng) sẽ được bơm ra thị trường do tín phiếu 91 ngày đáo hạn.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong tháng 6 tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” và đã có sự cải thiện rõ rệt so với quý 4/2022 tạo điều kiện cho lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt và NHNN tạm dừng giao dịch trên thị trường mở ; tình hình thanh khoản sẽ giữ ổn định trong qúy 3/2023 và tiếp tục được cải thiện trong năm 2023 so với năm 2022.

NHƯNG CHỨNG KHOÁN SẼ HỒI PHỤC CHẬM

Đối với chứng khoán, từ đầu năm đến nay, thanh khoản trung bình trên sàn HOSE đạt 11,433.7 tỷ đồng, giảm 48.46% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, thanh khoản đã có cải thiện đáng kể từ đầu quý 2/2023.

MBS: Vĩ mô tích cực nhưng chứng khoán sẽ hồi phục chậm hơn trong 6 tháng cuối năm 2023  - Ảnh 2

Từ cuối tháng 3/2023, sau khi NHNN bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành, thanh khoản trên thị trường đã bắt đầu tăng. Mức thanh khoản trong giai đoạn tháng 4 và 5/2023 tăng lên trung bình xấp xỉ 20% so với 3 tháng đầu năm. Đặc biệt kể từ đầu tháng 6, thanh khoản đã tăng lên đột biến, có nhiều phiên thị trường giao dịch trên 20.000 tỷ đồng.

Trên HOSE, các cổ phiếu thu hút thanh khoản lớn chủ yếu nằm trong các nhóm là Chứng khoán, Bất động sản, Vật liệu xây dựng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trừ nhóm Ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng giá trị giao dịch cao trên thị trường thì Chứng khoán vươn lên là nhóm ngành có sự thu hút dòng tiền mạnh, xấp xỉ nhóm Bất động sản trong năm 2023. Khác với giai đoạn 2022, khi dòng tiền tham gia nhiều vào nhóm cổ phiếu Bất động sản.

Tại ngày 23/6/2023, VN-Index đang giao dịch ở mức 15,3 lần PE trượt và 1,7 lần PB, (định giá này tương đương với PE trung bình 5 năm là 15,6 lần). Dựa vào những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm, MBS duy trì quan điểm khá thận trọng.

MBS: Vĩ mô tích cực nhưng chứng khoán sẽ hồi phục chậm hơn trong 6 tháng cuối năm 2023  - Ảnh 3

Vn-Index sẽ khó có sự bùng nổ về điểm số nếu như các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ cũng như lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt đủ ở mức NHTW các nước mạnh tay đảo ngược chính sách tiền tệ. Dự báo Vnindex hướng về vùng 1155 – 1200 trong nửa cuối năm 2023 trên cơ sở lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10% trong năm 2023 và định giá PE thị trường trong khoảng 12 – 12,5 lần.

Vn-Index đã phục hồi được ~ 28 % từ đáy tháng 11 /2022. Vùng giá 1040 –1050 điểm sẽ là mức hỗ trợ quan trọng cho đà phục hồi.

Về mặt kỹ thuật, xu thế trung và dài hạn chỉ số Vn-Index vẫn đang gặp kháng cự quanh vùng giá 112 x điểm , tương ứng với vùng giá MA200 tuần.  Quan điểm của MBS trong 6 tháng cuối năm thị trường phục hồi chậm chạp và xen lẫn các nhịp điều chỉnh. Mục tiêu giá hướng tới là vùng 1160 +/ - 15 điểm. Tương ứng với vùng giá Fibonacci 38.2 % và vùng đáy tháng 8 /2022.