McDonald’s, Starbucks và loạt thương hiệu biểu tượng Mỹ dừng hoạt động tại Nga
Đã có hơn 300 công ty nước ngoài tuyên bố rút khỏi hoặc ngừng hoạt động tại Nga sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine...
Động thái này nhằm phản ứng lại cuộc tấn công quân sự của Nga vào nước láng giềng Ukraine.
“Trái tim của chúng tôi luôn ở bên những người đang phải chịu tác động phi lý từ sự kiện bi thảm ở Ukraine”, Coca-Cola nói trong một tuyên bố chiều ngày 8/3. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá tình hình”.
Những ngày gần đây, Pepsi, Coca-Cola, McDonald’s và Starbucks hứng chịu nhiều chỉ trích vì tiếp tục kinh doanh tại Nga trong khi nhiều doanh nghiệp Mỹ khác đã tuyên bố tạm dừng hoặc rút khỏi thị trường này.
PepsiCo đã bán hàng tại Nga trong hơn 6 thập kỷ, trong khi chuỗi ăn nhanh McDonald’s mở cửa hàng đầu tiên tại trung tâm Moscow chỉ vài tháng sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Sự hiện diện của thương hiệu đồ ăn nhanh Mỹ trở thành biểu tượng cho chủ nghĩa tư bản Mỹ hưng thịnh trong kỷ nguyên hậu Liên Xô.
Nga hiện là một trong số ít khu vực trên thế giới mà Coca-Cola có sự hiện diện ít hơn so với đối thủ PepsiCo. Trong một báo cáo gửi cơ quan chức năng, hãng này cho biết thị trường Nga và Ukraine đóng góp khoảng 1-2% doanh thu hoạt động ròng và lợi nhuận hoạt động của công ty trong năm 2021.
Về phần PepsiCo, gần 4% tổng doanh thu năm 2021 của hãng này đến từ thị trường Nga. Dù tuyên bố dừng hoạt động, hãng sẽ vẫn tiếp tục bán một số sản phẩm thiết yếu như sữa bột trẻ em, sữa và thực phẩm cho trẻ em. Hãng sẽ ngừng cung cấp các nhãn hiệu đồ uống Pepsi-Cola, 7UP và Mirinda ở Nga, đồng thời hoãn các khoản đầu tư vốn cũng như tất cả hoạt động quảng cáo và khuyến mại.
“Là một doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống, hơn bao giờ hết, giờ đây chúng ta phải hành động đúng với tinh thần nhân đạo trong hoạt động kinh doanh của mình”, Ramon Laguarta, CEO của Pepsi, viết trong một biên bản ghi nhớ gửi nhân viên.
Tờ Wall Street Journal trước đó cho biết PepsiCo đang cân nhắc các lựa chọn khác nhau cho chi nhánh ở Nga, bao gồm việc ghi giảm giá trị (write-off). Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ cùng các nước đồng minh phương Tây áp đặt với Nga đang làm phức tạp quá trình thu hồi tài sản tại Nga của PepsiCo cũng như nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác.
Kể từ khi Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine năm 2014, nhiều công ty Mỹ đã tính tới chuyện giảm sự hiện diện tại cả Nga và Ukraine. Một số chuỗi nhà hàng, trong đó có McDonald’s, đã bán một số cơ sở của mình cho đối tác nhượng quyền bản địa.
McDonald’s hôm qua tuyên bố tạm thời đóng cửa toàn bộ 847 cửa hàng tại Nga. Trước đó, Công ty này hầu như giữ im lặng về các diễn biến của cuộc xung đột, do đó vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ hơn so với những chuỗi nhà hàng dù vẫn tiếp tục mở cửa nhưng lên án cuộc chiến.
Khoảng 84% các cửa hàng tại Nga của McDonald’s thuộc sở hữu của công ty này, số còn lại thuộc về các đối tác nhượng quyền. Sở hữu nhiều cơ sở hơn đồng nghĩa với doanh thu lớn hơn nhưng cũng nhiều rủi ro hơn trong thời kỳ hỗn loạn hoặc suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, Starbucks có bước đi mạnh mẽ hơn McDonald’s khi tuyên bố sẽ dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Nga, bao gồm việc xuất khẩu sản phẩm vào nước này. Cuối tuần trước, ông Kevin Johnson, CEO của Starbucks, cũng lên án cuộc tấn công của Nga.
So với Starbucks, McDonald’s có hiện diện lớn hơn tại Nga và tỷ trọng doanh thu từ thị trường này cũng lớn hơn.
Theo tổng hợp của Giáo sư Jeffrey Sonnenfeld và nhóm nghiên cứu Đại học Yale, tính tới chiều ngày 8/3, đã có hơn 300 công ty nước ngoài tuyên bố rút khỏi hoặc ngừng hoạt động tại Nga sau cuộc tấn công của Nga vào nước láng giềng.
Trong đó, một số doanh nghiệp lớn của Mỹ bao gồm Amazon, Alphabet, Apple, American Airlines, Exxon Mobil, Intel...Các doanh nghiệp toàn cầu khác đã dừng kinh doanh tại Nga gồm có Samsung, Shell, Hyundai, Honda...
Xem danh sách đầy đủ tại đây.