16:09 02/03/2022

Nga đang làm gì để ngăn cuộc tháo chạy của doanh nghiệp phương Tây?

Ngọc Trang

Trước làn sóng thoái lui của doanh nghiệp nước ngoài khỏi đất nước, chính quyền của Tổng thống Putin đang có nhiều động thái nhằm kìm chân nhà đầu tư...

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở cuộc tấn công vũ trang vào Ukraine tuần trước, Mosow chứng kiến làn sóng rút lui của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó đó nhiều tập đoàn năng lượng lớn như BP, ExxonMobil, Shell hay Equinor. Trước thực tế này, chính quyền của ông Putin đang có nhiều động thái nhằm kìm chân nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các kênh truyền thông nhà nước TASS và RIA của Nga, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hôm 1/3 thông báo Moscow sẽ đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn nhằm hạn chế việc thoái vốn khỏi Nga. Ông Mishustin nói rằng các công ty phương Tây đang ra quyết định vì “áp lực chính trị” và họ sẽ bị ngăn bán tài sản tại Nga cho tới khi áp lực giảm xuống.

“Để các doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định sáng suốt, một dự thảo sắc lệnh của tổng thống đã được chuẩn bị để áp dụng các hạn chế tạm thời đối với việc đưa các tài sản ở Nga ra nước ngoài”, ông Mishustin nói. “Chúng tôi hy vọng rằng những doanh nghiệp đã đầu tư vào đất nước chúng tôi sẽ có thể tiếp tục hoạt động tại đây”.

Theo CNN, hãng dầu lửa khổng lồ BP của Anh là một trong những công ty lớn nhất quyết định chấm dứt hoạt động tại Nga sau khi Moscow tấn công quân sự vào Ukraine tuần trước. Trong một tuyên bố ngày 27/2, BP cho biết sẽ rút toàn bộ cổ phần tại Rosneft – công ty dầu lửa lớn nhất của Nga – và các liên doanh của họ. Theo đó, đây sẽ là một trong những vụ rút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga.

Không lâu sau quyết định của BP, hãng năng lượng Shell của Anh và Equinor của Na Uy cũng có động thái tương tự.

 

Tôi chắc rằng các lệnh trừng phạt rồi cuối cùng cũng sẽ hạ nhiệt và những doanh nghiệp không cắt dứt dự án của họ ở đất nước chúng tôi, không khuất phục trước khẩu hiệu của giới chính trị gia nước ngoài, sẽ giành chiến thắng.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin

Ngày 1/3, tập đoàn năng lượng Exxon Mobil của Mỹ tuyên bố sẽ để lại dự án dầu khí cuối cùng còn lại của mình tại Nga và sẽ không đầu tư vào các dự án mới tại quốc gia này. Công ty con Exxon Neftegas Limited của ExxonMobil hiện nắm 30% cổ phần tại Sakhalin-1 – dự án dầu và khí đốt tự nhiên khổng lồ nằm ở ngoài khơi Đảo Sakhalin, vùng Viễn Đông Nga. Đây là một trong những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Nga.

Còn hãng Total Energies của Pháp cũng cho biết sẽ không đầu tư thêm vào các dự án ở Nga, đồng thời đang đánh giá tác động của những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đối với các dự án đầu tư hiện tại của công ty tại quốc gia này.

Trong khi đó, hai hãng thanh toán quốc tế Visa và Mastercard đang triển khai các bước để thực thi lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.

Trong một tuyên bố ngày 28/2, Mastercard nói rằng công ty đã “chặn nhiều tổ chức tài chính Nga” khỏi mạng lưới người để thực hiện lệnh trừng phạt, và sẽ “tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng trong những ngày tới”.

Nhiều quỹ đầu tư quốc tế lớn cũng gia nhập làn sóng tháo chạy khỏi tài sản Nga. Quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất của Na Uy Norway Government Pension Fund sẽ rút toàn bộ vốn tại 47 công ty của Nga và bán hết trái phiếu Chính phủ Nga, Thủ tướng Na Uy cho biết hôm 27/2.

Hãng năng lượng Anh BP tuyên bố rút toàn bộ cổ phần tại tập đoàn dầu lửa lớn nhất của Nga - Rusneft - Ảnh: FT
Hãng năng lượng Anh BP tuyên bố rút toàn bộ cổ phần tại tập đoàn dầu lửa lớn nhất của Nga - Rusneft - Ảnh: FT

Nga đang phải ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước đồng minh phương Tây khác áp đặt lệnh trừng phạt với phần lớn hệ thống ngân hàng của nước này. Một trong số đó là đóng băng hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối mà Moscow tích trữ nhiều năm để bảo vệ nền kinh tế. Giới phân tích nhận định các biện pháp trừng phạt này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng tại Nga.

Đồng Rúp của tiếp tục lao dốc trong tuần này, “bốc hơi” hơn 30% giá trị. So với thời điểm Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine năm 2014, giá trị đồng Rúp đã giảm khoảng một nửa. Thị trường chứng khoán Nga tuần này không mở cửa để ngăn chặn sự sụp đổ. Tuy nhiên, cổ phiếu của các công ty Nga niêm yết ở nước ngoài đã lao dốc mạnh kể từ khi quân đội Nga tiến vào Ukraine tuần trước.

Các quan chức Nga cho biết Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp khẩn cấp để ổn định hệ thống tài chính. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã nâng lãi suất gấp hơn 2 lần lên 20% - mức cao nhất gần 2 thập kỷ và tạm thời cấm các hãng môi giới Nga bán cổ phiếu do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Chính phủ cũng yêu cầu các công ty xuất khẩu chuyển đổi 80% doanh thu từ ngoại tệ của họ sang đồng Rúp và cấm người dân Nga chuyển khoản ngân hàng ra khỏi đất nước.

"Tôi chắc rằng các lệnh trừng phạt rồi cuối cùng cũng sẽ hạ nhiệt và những doanh nghiệp không cắt dứt dự án của họ ở đất nước chúng tôi, không khuất phục trước khẩu hiệu của giới chính trị gia nước ngoài, sẽ giành chiến thắng”, Thủ tướng Nga Mishustin nói.