Mô hình "Bong bóng du lịch" giữa Covid-19: Liệu có thể bay cao?
"Bong bóng du lịch" được đánh giá là một mô hình lý tưởng ở thời điểm hiện tại nhưng những khó khăn trong việc triển khai đang khiến các chính phủ đau đầu
Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhiều mặt và chưa từng có, gây ra một cuộc suy thoái trên diện rộng, đe dọa tới sự phát triển kinh tế và xã hội của tất cả các quốc gia.
Trong ngành du lịch, hành khách buộc phải hủy bỏ chuyến đi do các hãng bay phải hủy chuyến và các biên giới bị đóng cửa. Điều này diễn ra liên tục trong suốt cả năm 2020, khiến ngành du lịch gánh chịu tổn thất nặng nề và gây ra "nội thương" lớn tới mức sẽ cần thời gian dài để chữa lành.
Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới ước tính cứ 10 lao động trên thế giới thì có một người liên quan đến ngành du lịch chịu tác động trực tiếp từ đại dịch. Do vậy, các chính phủ trên toàn cầu đang phải vật lộn để tìm cách khôi phục nguồn thu từ du lịch nội địa và du lịch quốc tế, điều này mở ra một khái niệm mới gọi là "bong bóng du lịch".
MÔ HÌNH ĐƯỢC ĐẶT NHIỀU KỲ VỌNG
"Bong bóng du lịch" lần đầu xuất hiện vào tháng 5/2020, khi New Zealand và Australia đàm phán nghiêm túc về việc cho phép đi lại tự do giữa hai quốc gia giữa đại dịch Covid-19. "Bong bóng du lịch" ở đây được hiểu là mối quan hệ đối tác độc quyền giữa các quốc gia láng giềng hoặc lân cận mà đã chứng tỏ thành công đáng kể trong việc ngăn chặn và chống lại đại dịch Covid-19. Các quốc gia này thiết lập lại kết nối bằng cách mở cửa biên giới và cho phép công dân của họ đi lại tự do giữa lãnh thổ hai bên mà không cần phải kiểm dịch khi nhập cảnh.
Ý tưởng về "bong bóng du lịch" sau đó dần nhường chỗ và mở rộng thành các khái niệm gồm "hành lang du lịch" và "danh sách an toàn". Theo đó, tùy thuộc vào điểm đến, khách du lịch từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ không cần tự cách ly trừ khi họ đang có các triệu chứng nghi mắc Covid-19, ví dụ như chương trình "Mở cửa lại EU" của Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 15/5, Estonia, Latvia và Litva đã trở thành những quốc gia đầu tiên triển khai thành công "bong bóng du lịch", cho phép công dân của họ được tự do đi lại bằng đường sắt, đường hàng không và đường biển mà không cần trải qua các biện pháp cách ly. Điều kiện là những công dân này không đi ra ngoài ba quốc gia trên trong 14 ngày trước đó, không nhiễm Covid-19 và cũng không tiếp xúc với bất kỳ ai nhiễm loại virus này.
Theo xu hướng này, phần lớn châu Âu đã nhanh chóng hướng tới việc hình thành một hành lang du lịch khổng lồ. Chương trình "Mở cửa lại EU" được phát động, liệt kê những quy tắc đi lại giữa các quốc gia. Từng nước thành viên bắt đầu nới lỏng những lệnh hạn chế du lịch theo tốc độ riêng. Ví dụ, Đức và Italy đón khách từ các nước EU hoặc khối Schengen. Anh cũng bắt đầu mở cửa với các nước láng giềng. Tuy vậy, Anh đang buộc phải siết chặt trở lại các quy định nhập cảnh và xuất cảnh do làn sóng lây nhiễm mạnh và sự xuất hiện của biến thể Covid-19 mới.
Tại Mỹ, nơi ghi nhận số ca lây nhiễm chiếm khoảng 25% toàn thế giới, các bang như New York, New Jersey và Connecticut tự tạo ra bong bóng du lịch nội địa riêng. Theo đó, quy định tự cách ly 14 ngày chỉ áp dụng với các du khách đến từ những bang ghi nhận số người dương tính với Covid-19 trung bình lớn hơn 10% trong 7 ngày; hoặc số ca dương tính lớn hơn 10 trên 100.000 dân.
Ở châu Á, Trung Quốc và Singapore đã tạo ra một "làn nhập cảnh nhanh" để tạo điều kiện cho việc kinh doanh thiết yếu và du lịch giữa hai nước. Thỏa thuận này cho phép người dân di chuyển giữa Singapore và 6 tỉnh thành của Trung Quốc (bao gồm Trùng Khánh, Quảng Đông, Giang Tô, Thượng Hải, Thiên Tân và Chiết Giang). Tuy nhiên, khách du lịch từ cả hai quốc gia phải tự trả phí thực hiện xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và trình chứng nhận cho thấy họ âm tính với Covid-19.
Thái Lan cũng đang thảo luận để thiết lập hành lang du lịch với các quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 thấp như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Australia và New Zealand. Tuy nhiên, Thái Lan sẽ chỉ thí điểm cho phép các chuyên gia, những người tham dự hội nghị hay buổi đào tạo quốc tế, kỹ sư, kỹ thuật viên và giáo viên nước ngoài trở lại làm việc tại các trường quốc tế ở Thái Lan. Người nhập cảnh sẽ không cần phải cách ly nhưng phải tuân thủ các biện pháp kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt.
Gần đây nhất vào tháng 10/2020, Singapore và Hồng Kông đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập "hành lang đi lại hàng không" toàn diện đầu tiên trên thế giới, cho phép một lượng giới hạn người dân di chuyển giữa hai nơi mỗi ngày mà không phải cách ly để phòng dịch, miễn là hành khách có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước và sau khi nhập cảnh và bay trên các chuyến bay được chỉ định. Tuy nhiên, chính quyền hai bên đã nhanh chóng phải hoãn chương trình này tới đầu năm 2021 do số ca lây nhiễm tại Hồng Kông tăng mạnh.
Tuy vậy, Singapore cho biết vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các khu vực mới để thiết lập "bong bóng du lịch". Gần đây, quốc gia này đã cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch ngắn hạn từ Úc, Brunei, Trung Quốc, New Zealand và Việt Nam, những nơi được coi là có hệ thống giám sát sức khỏe cộng đồng toàn diện và đã kiểm soát thành công sự lây lan của Covid-19.
KHÓ TRIỂN KHAI TRONG THỰC TẾ?
Theo các chuyên gia, "bong bóng du lịch" có thể là một mô hình lý tưởng ở thời điểm hiện tại nhưng đã tan vỡ trong quá trình triển khai do những diễn biến khó lường của Covid-19 hoặc do những yêu cầu về mặt phòng dịch ngặt nghèo và mức độ chi trả tốn kém.
Ví dụ như Thái Lan, dù nổi tiếng giỏi làm du lịch tại Đông Nam Á, nhưng vẫn đang loay hoay giữa chuyện chống dịch hay cứu ngành du lịch. Sau các biện pháp kích cầu du lịch và tiêu dùng trong nước, chính phủ Thái Lan quyết định hé cửa với khách quốc tế bằng chính sách thị thực mới. Theo đó, du khách có thể ở tới 90 ngày và gia hạn thị thực hai lần, nâng tổng thời gian lưu trú lên tới 270 ngày. Nhưng đổi lại, họ phải chấp nhận cách ly 14 ngày khi đến Thái Lan. Thời gian cách ly dài ngày cùng chi phí đắt đỏ khiến chính sách đặc biệt này chỉ thu hút khoảng 1.200 khách quốc tế trong tháng 10/2020.
Thái Lan vẫn đang loay hoay giữa chuyện chống dịch hay cứu ngành du lịch - Ảnh: Bangkok Post
Với các quốc gia có diện tích rộng và quy mô du lịch nội địa lớn như Trung Quốc, chính quyền không khuyến khích người dân đi du lịch nước ngoài bởi họ lo ngại "nhập khẩu mầm bệnh" và gây ra tình trạng bất ổn cho thị trường du lịch nội đia – vốn là động lực chính giúp hồi sinh ngành du lịch trong bối cảnh đại dịch.
Theo tờ Bangkok Post, Bắc Kinh đã áp lệnh cấm du lịch xuất ngoại theo đoàn lớn kể từ tháng 1/2020 và vừa gia hạn đến hết mùa đông năm nay. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy phát biểu rằng đây không phải là thời điểm để Trung Quốc lập "bong bóng du lịch", kể cả với các nước có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn.
Khi nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh còn hiện hữu, nếu muốn triển khai mô hình này thành công, yêu cầu đặt ra là họ cần phải có kế hoạch khôn ngoan và thận trọng để tiến hành thử nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng. Trong đó, điều kiện tiên quyết là họ phải kiểm soát tốt dịch bệnh tại quốc gia của mình, và lựa chọn đối tác cũng đang làm được điều tương tự, có sự tin tưởng và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phục hồi kinh tế lẫn cuộc chiến chống vi-rút trước nguy cơ tái bùng dịch.
Ở bước kế tiếp, hai bên cần đưa ra các quy định an toàn và có kế hoạch dự phòng trong trường hợp khẩn cấp. Tất cả các dịch vụ du lịch như hàng không, lưu trú, thăm quan điểm đến hoặc các nhà hàng nên sẵn sàng triển khai các tiêu chuẩn vệ sinh do chính phủ cung cấp.
Tuy vậy trong thực tế, di chuyển nhiều hơn đồng nghĩa với rủi ro cao hơn và chính phủ cũng như du khách phải tuân thủ nhiều quy tắc hơn, từ đó tạo ra những vấn đề về mặt quản lý của các chính phủ và tâm lý của du khách. Thách thức vẫn treo lơ lửng là cần có những hạn chế thế nào để khiến du khách thấy an toàn mà vẫn không có cảm giác bị làm phiền khi đi du lịch trong mùa dịch.
VIỆT NAM TRƯỚC BONG BÓNG DU LỊCH: LẠC QUAN NHƯNG THẬN TRỌNG
Vào giữa năm 2020, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết việc mô hình bong bóng du lịch có được thực hiện hay không phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu. Đón khách quốc tế là đích phải đến của ngành du lịch, nhưng đón khách quốc tế không thể ào ạt mà phải có lộ trình, lượng khách theo đó sẽ tăng dần lên từng bước.
Đại diện cho các doanh nghiệp du lịch, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam – cho biết: "'Bong bóng du lịch' là mong muốn của ngành du lịch trên toàn thế giới. Chúng tôi biết là nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đang chờ đợi để được bật đèn xanh cho các dự án như vậy".
Tại các địa phương như Đà Nẵng, nơi 30% doanh thu du lịch đến từ khách quốc tế, họ vẫn đang xúc tiến các hội thảo trực tuyến với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu, đồng thời kỳ vọng cơ quan quản lý nhà nước có kế hoạch xây dựng hành lang an toàn giữa các quốc gia với nhau. Trong khi đó, Quảng Ninh lại chuẩn bị cho "bong bóng du lịch" theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng không gian du lịch.
Trên thực tế, ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế để triển khai "bong bóng du lịch" do đã kiểm soát Covid-19 thành công. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đưa ngành du lịch ra khỏi vực sâu, trước các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines mà hiện vẫn đang chật vật đối phó với dịch bệnh.
Ông Kenneth Atkinson, người sáng lập Grant Thorton Việt Nam và là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam, cho biết đã đề nghị chính phủ thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương với các thị trường khách nguồn của Việt Nam.
"Song phương đầu tiên là với các thị trường chúng ta cần nhất, tức là Trung Quốc và Hàn Quốc. Sau đó là Australia, New Zealand, Singapore và Đài Loan", ông Atkinson cho biết.
Tổng cộng, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 55% lượng khách đến Việt Nam, vì vậy "họ thực sự rất quan trọng", Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho biết thêm. Trong số 18 triệu du khách năm ngoái có 6 triệu người đến từ Trung Quốc và 4 triệu người đến từ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ông Atkinson cho rằng cũng cần nhìn nhận vào thực tế khó khăn khi triển khai của bong bóng du lịch:
"Mô hình này có những thách thức của nó. Ví dụ, trong khi Thượng Hải có sự lây nhiễm cộng đồng, làm thế nào để chúng ta đảm bảo rằng tất cả hành khách trên chuyến bay Thượng Hải đến Việt Nam đều đến từ Thượng Hải?", ông Atkinson chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp đầu ngành du lịch, để mô hình hành lang du lịch an toàn tức "bong bóng du lịch" phát huy hiệu quả tại Việt Nam, vấn đề căn cơ là Việt Nam phải có được bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ mở cửa với từng thị trường. Không đánh giá được sẽ không thể miễn cách ly, mà không miễn cách ly thì gần như không thể thu hút khách du lịch.
Ngoài ra, các điều kiện kèm theo đối với khách khi nhập cảnh cũng phải được cân nhắc nếu có triển khai mô hình này. Chẳng hạn tại Campuchia, khách du lịch đến đây hiện phải nộp 3.000 USD tiền cọc tại sân bay, đồng thời phải có bảo hiểm du lịch trị giá ít nhất 50.000 USD. Theo các chuyên gia, với các điều kiện như vậy, ngành du lịch khó có thể phục hồi.
Nhiều dự báo cho rằng khả năng thu hút khách du lịch quốc tế thời điểm này rất khó dù có mở cửa từng bước. Vì vậy. khách chủ yếu sẽ là người Việt về nước, hoặc những chuyên gia làm việc tại Việt Nam.
Giới chuyên gia cho rằng trong khi kỳ vọng sự mở cửa lớn hơn với khách quốc tế thông qua "bong bóng du lịch", Việt Nam nên tận dụng triệt để động lực to lớn từ nguồn khách trong nước. Nếu tận dụng được những lợi thế hiện có, Việt Nam có thể tạo ra những bước tiến vượt bậc so với đối thủ Thái Lan trong việc thu hút du khách quốc tế trên thế giới hậu Covid-19.