Moody’s: Nợ xấu ngân hàng Việt Nam ít nhất phải 15%
Tài sản có vấn đề trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam phải chiếm ít nhất 15% tổng tài sản, Moody’s ước tính
Trong một báo cáo vừa ra, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service giữ nguyên triển vọng ‘tiêu cực’ về hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Moody’s cũng cho rằng, nợ xấu trong các ngân hàng thương mại của Việt Nam cao hơn nhiều so với con số chính thức được công bố.
Báo cáo đề ngày 18/2 của Moody’s tỏ ra khá lạc quan khi nhận định rằng, những tín hiệu bình ổn gần đây về kinh tế vĩ mô cũng như những điều chỉnh trong quy chế giám sát sẽ đem lại lợi ích cho hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong vòng 2-3 năm tới. Trong số những diễn biến tích cực được nhắc đến, Moody’s nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi để bình ổn tình hình thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, từ đó đẩy lùi nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hệ thống.
“Mặc dù vậy, chúng tôi không kỳ vọng sự cải thiện đáng kể trên diện rộng về vốn của các ngân hàng Việt Nam trong vòng 12-18 tháng tới đây”, ông Gene Fang, Phó chủ tịch kiêm chuyên gia phân tích cấp cao của Moody’s nhận định. “Vốn của các ngân hàng hiện vẫn chưa đủ để hấp thụ mức lỗ có thể phát sinh từ sự yếu kém lan rộng trong chất lượng tài sản”, ông Fang nói thêm.
Theo ước tính mà Moody’s đưa ra, tài sản có vấn đề trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam phải chiếm ít nhất 15% tổng tài sản, cao hơn nhiều so với con số nợ xấu 4,7% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vào tháng 10/2013.
Trong một sự kiện diễn ra vào đầu tháng 12 năm ngoái, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 142,33 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,62% tổng dư nợ.
Mức nợ xấu của ngân hàng Việt Nam mà Moody’s đưa ra tương tự như con số mà một số tổ chức quốc tế khác ước đoán. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch cũng cho rằng, mức nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam phải là 15%, mức cao nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á được Fitch theo dõi.
Trong khi đó, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn đang trì trệ do môi trường kinh doanh gặp nhiều thách thức. Môi trường kinh tế thế giới đến nay đã được cải thiện nhưng chưa giúp ích nhiều trong việc đưa nhu cầu trong nước khởi sắc, báo cáo nhận định.
Moody’s cho rằng, nhu cầu vay vốn của khách hàng ở mức thấp đang gây sức ép đối với tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng, và mức lợi nhuận hiện nay là chưa đủ để bù đắp cho chi phí tín dụng gia tăng hay cải thiện khả năng sinh vốn từ bên trong.
Cơ quan chức năng của Việt Nam đã nhận thức được sự cần thiết phải cải thiện tiêu chuẩn kế toán và tính minh bạch, nhưng các chính sách quyết đoán để giải quyết vấn đề đến nay vẫn chưa được thực thi - theo Moody’s.
Tổ chức này cũng cho rằng, những chính sách được thực hiện gần đây, trong đó có việc Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động để mua nợ xấu, chưa giải quyết trực diện được tình trạng thiếu vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Báo cáo của Moody’s đánh giá, các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề thu hút vốn nước ngoài đến nay mới chỉ đem lại kết quả hạn chế. Trần sở hữu đối với khối ngoại tiếp tục ngăn không cho các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát các ngân hàng trong nước.
Hiện Moody’s đang đánh giá tín nhiệm đối với 9 ngân hàng của Việt Nam, bao gồm 2 ngân hàng quốc doanh và 7 ngân hàng thương mại cổ phần.
Báo cáo đề ngày 18/2 của Moody’s tỏ ra khá lạc quan khi nhận định rằng, những tín hiệu bình ổn gần đây về kinh tế vĩ mô cũng như những điều chỉnh trong quy chế giám sát sẽ đem lại lợi ích cho hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong vòng 2-3 năm tới. Trong số những diễn biến tích cực được nhắc đến, Moody’s nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi để bình ổn tình hình thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, từ đó đẩy lùi nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hệ thống.
“Mặc dù vậy, chúng tôi không kỳ vọng sự cải thiện đáng kể trên diện rộng về vốn của các ngân hàng Việt Nam trong vòng 12-18 tháng tới đây”, ông Gene Fang, Phó chủ tịch kiêm chuyên gia phân tích cấp cao của Moody’s nhận định. “Vốn của các ngân hàng hiện vẫn chưa đủ để hấp thụ mức lỗ có thể phát sinh từ sự yếu kém lan rộng trong chất lượng tài sản”, ông Fang nói thêm.
Theo ước tính mà Moody’s đưa ra, tài sản có vấn đề trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam phải chiếm ít nhất 15% tổng tài sản, cao hơn nhiều so với con số nợ xấu 4,7% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vào tháng 10/2013.
Trong một sự kiện diễn ra vào đầu tháng 12 năm ngoái, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 142,33 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,62% tổng dư nợ.
Mức nợ xấu của ngân hàng Việt Nam mà Moody’s đưa ra tương tự như con số mà một số tổ chức quốc tế khác ước đoán. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch cũng cho rằng, mức nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam phải là 15%, mức cao nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á được Fitch theo dõi.
Trong khi đó, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn đang trì trệ do môi trường kinh doanh gặp nhiều thách thức. Môi trường kinh tế thế giới đến nay đã được cải thiện nhưng chưa giúp ích nhiều trong việc đưa nhu cầu trong nước khởi sắc, báo cáo nhận định.
Moody’s cho rằng, nhu cầu vay vốn của khách hàng ở mức thấp đang gây sức ép đối với tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng, và mức lợi nhuận hiện nay là chưa đủ để bù đắp cho chi phí tín dụng gia tăng hay cải thiện khả năng sinh vốn từ bên trong.
Cơ quan chức năng của Việt Nam đã nhận thức được sự cần thiết phải cải thiện tiêu chuẩn kế toán và tính minh bạch, nhưng các chính sách quyết đoán để giải quyết vấn đề đến nay vẫn chưa được thực thi - theo Moody’s.
Tổ chức này cũng cho rằng, những chính sách được thực hiện gần đây, trong đó có việc Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động để mua nợ xấu, chưa giải quyết trực diện được tình trạng thiếu vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Báo cáo của Moody’s đánh giá, các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề thu hút vốn nước ngoài đến nay mới chỉ đem lại kết quả hạn chế. Trần sở hữu đối với khối ngoại tiếp tục ngăn không cho các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát các ngân hàng trong nước.
Hiện Moody’s đang đánh giá tín nhiệm đối với 9 ngân hàng của Việt Nam, bao gồm 2 ngân hàng quốc doanh và 7 ngân hàng thương mại cổ phần.