Mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon của các doanh nghiệp Việt là khác nhau
Mặc dù các doanh nghiệp đã có một số hiểu biết và áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính nhưng mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon tự nguyên (VCM) vẫn có sự khác biệt đáng kể...

Đây là một trong những phát hiện quan trọng từ kết quả khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia VCM ở 4 ngành trọng điểm: sản xuất lúa gạo, sản xuất thực phẩm và đồ uống (F&B), chăn nuôi và quản lý chất thải được công bố tại Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cơ quan hợp tác phát triển- Đại sứ quán Thụy Sỹ, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và cơ quan báo chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 10/4.
Báo cáo khảo sát đánh giá sự sẵn sàng tham gia thị trường carbon tự nguyện của khu vực tư nhân tại Việt Nam được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy khử carbon của IFC tại Việt Nam.
KHẢO SÁT CÁC DOANH NGHIỆP Ở 4 LĨNH VỰC, NGÀNH TRỌNG ĐIỂM
Mục tiêu chính của khảo sát nhằm đánh giá năng lực và các hoạt động hiện tại của khu vực tư nhân trong các ngành được chọn, bao gồm năng lực kiểm kê khí nhà kính, các nỗ lực giảm phát thải và mức độ nhận thức chung về VCM.
Kết quả khảo sát dự kiến sẽ cung cấp thông tin quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan, từ đó hỗ trợ xây dựng các biện pháp can thiệp cụ thể, hướng dẫn và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào VCM cũng như quản lý và phát triển thị trường này tại Việt Nam.
Khảo sát tập trung trên 4 khía cạnh về: kiểm kê khí nhà kính, báo cáo kiểm kê khí nhà kính, thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo và thẩm định các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; nhận thức về thị trường VCM; số hóa hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV).

Thông tin về kết quả khát sát, bà Phạm Liên Anh, Trưởng nhóm Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế, khu vực Mekong, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết “các ngành này được lựa chọn do có lượng phát thải khí nhà kính đáng kể và là những ngành trọng điểm trong chiến lược của Việt Nam nhằm đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây cũng là những ngành có tiềm năng lớn để tham gia tích cực vào VCM”.
Trong tổng số 240 doanh nghiệp tham gia, đã có 98 phản hồi, đại diện cho nhiều quy mô và địa điểm khác nhau. Tỷ lệ phản hồi dao động từ 21% đến 28% giữa các ngành, đây là tỷ lệ hợp lý vì khái niệm thị trường carbon vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều doanh nghiệp và khảo sát này cũng mang tính chất tự nguyện.
Theo kết quả khảo sát, mặc dù bảng câu hỏi được gửi đến cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) lẫn các doanh nghiệp lớn nhưng phần lớn phản hồi đến từ các doanh nghiệp có quy mô lớn và doanh thu cao. Điều này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ hơn về chủ đề này từ các doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, phần lớn phản hồi đến từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phản ánh sự quan tâm đáng kể của các khu vực này đối với thị trường carbon tự nguyện.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo và quản lý chất thải có hoạt động khá đa dạng, trong khi các doanh nghiệp trong ngành F&B và chăn nuôi chủ yếu tập trung vào một số hoạt động cốt lõi. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo tham gia vào nhiều hoạt động như bán buôn gạo, canh tác và xay xát bột. Tương tự, hầu hết các doanh nghiệp quản lý chất thải cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, chủ yếu tập trung vào vận chuyển và xử lý chất thải.
Ngược lại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B chủ yếu tập trung vào sản xuất thực phẩm, trong khi ngành chăn nuôi chủ yếu hướng đến chăn nuôi gia súc.
Phần lớn các doanh nghiệp đều ưu tiên đạt chứng nhận ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường. Ngoài ra, các tiêu chuẩn phổ biến khác được áp dụng bao gồm: ISO 14064 về kiểm kê khí nhà kính, ISO 22000 về quản lý an toàn thực phẩm và ISO 50001 về hệ thống quản lý năng lượng.
ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ SẴN SÀNG THAM GIA THỊ TRƯỜNG CARBON CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT
Về thực hiện kiểm kê khí nhà kính, khảo sát chỉ rõ có sự khác nhau ở từng lĩnh vực, cụ thể như lĩnh vực F&B (khoảng hơn 80%), chăn nuôi ( hơn 50%), quản lý chất thải (gần 40%), và sản xuất lúa gạo (chỉ khoảng 10%), trong đó chỉ có khoảng 8% thực hiện kiểm kê phạm vi 3.
Theo kết quả khảo sát, ngành F&B dẫn đầu được cho là vì có quy định bắt buộc kiểm kê khí nhà kính. Ngoài ra, những công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tham gia các hoạt động thương mại quốc tế có xu hướng thực hiện kiểm kê khí nhà kính nhiều hơn.
Tỷ lệ kiểm kê thấp ở lĩnh vực quản lý chất thải và sản xuất lúa gạo được cho là do tính phức tạp trong kiểm kê khí nhà kính, thiếu hụt về kiến thức, nguồn tài chính, và thiếu các chính sách khuyến khích.
Việc triển thực hiện báo cáo khí nhà kính phổ biến hơn ở các ngành F&B và quản lý chất thải; một số thực hiện ở ngành chăn nuôi nhưng không có công ty nào thực hiện trong ngành sản xuất lúa gạo.
Về giảm phát thải, tỉ lệ áp dụng các biện pháp giảm phát thải cao. Trong đó các biện pháp phổ biến đó là tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tạo, trồng cây, và các biện pháp đặc thù ngành (tái chế rác thải rắn trong quản lý chất thải, quản lý phân chuồng trong chăn nuôi, và áp dụng các công nghệ cao trong trồng trọt trong ngành sản xuất lúa gạo).
Theo kết quả khảo sát, các mục tiêu môi trường và chuẩn bị cho thị trường carbon trong nước là động lực chính cho việc giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, hạn chế về nguồn tài chính và những khoảng trống kiến thức là những rào cản trong việc áp dụng các biện pháp giảm phát thải.
Mặc dù có nhiều nỗ lực giảm phát thải, chỉ có một số công ty đã thực hiện đo đạc mức giảm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, nhấn mạnh nhu cầu tăng cường năng lực cho lĩnh vực này.
Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp trong bốn ngành được chọn đã có một số hiểu biết và áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, nhưng mức độ sẵn sàng tham gia thị trường VCM vẫn có sự khác biệt đáng kể.
Trong số các lĩnh vực, các doanh nghiệp trong ngành F&B thể hiện mức độ sẵn sàng cao nhất, tiếp theo là ngành chăn nuôi. Ngành quản lý chất thải có mức độ sẵn sàng trung bình, trong khi ngành sản xuất lúa gạo có mức độ sẵn sàng thấp nhất.
Kết quả khảo sát ghi nhận một yếu tố chung trọng ảnh hưởng lớn đến mức độ sẵn sàng của các lĩnh vực này là các quy định bắt buộc gần đây yêu cầu về hoạt động kiểm kê khí nhà kính, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có lượng phát thải lớn trong ngành F&B và quản lý chất thải.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư hoặc khách hàng nước ngoài cũng gây ảnh hưởng thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, phổ biến hơn trong ngành F&B và chăn nuôi.
Mặc dù các doanh nghiệp tham gia khảo sát chủ yếu là những doanh nghiệp lớn và có lợi thế hơn trong việc áp dụng các thông lệ tốt về phát triển bền vững, và do đó có tiềm năng tham gia thị trường carbon tự nguyện cao hơn, nhưng năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính và MRV giảm phát thải của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
Điều này dẫn đến việc tham gia thị trường carbon vẫn gặp nhiều trở ngại. Qua đó cho thấy: nếu các doanh nghiệp lớn và có lợi thế còn gặp nhiều khó khăn thì các doanh nghiệp nhỏ hơn trong các ngành này lại càng có ít khả năng sẵn sàng hơn.
Từ kết quả khảo sát, báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường và sự tham gia của khu vực tư nhân vào thị trường carbon tự nguyện VCM.