15:52 27/03/2008

“Mức tiêu dùng của người dân đã giảm nhiều”

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quí 1/2008 không chỉ tăng cao, mà còn chứa nhiều yếu tố trái ngược với xu hướng nhiều năm nay

"Trong tháng 3, tiêu dùng của người dân đã giảm đi rất nhiều."
"Trong tháng 3, tiêu dùng của người dân đã giảm đi rất nhiều."
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quí 1/2008 không chỉ tăng cao, mà còn chứa nhiều yếu tố trái ngược với xu hướng nhiều năm nay.

Trao đổi với báo giới, bà Trần Thị Hằng - Vụ trưởng Vụ Thương mại thị trường giá cả (Tổng cục Thống kê), người trực tiếp làm chỉ số CPI - nói:

- Chỉ số CPI tháng 3/2008 so với tháng 12/2007 đã tăng 9,19%. Chỉ số giá tăng cao vào tháng ba là một trong những điều bất thường so với qui luật, vì thông thường tháng ba là tháng giá giảm khi nhu cầu sắm tết đã hết. Điểm bất thường nữa là giá cả ở khu vực nông thôn đã có mức tăng cao hơn mức tăng ở thành thị.

So với tháng 2/2008, giá cả khu vực nông thôn trong tháng ba đã tăng 3,31% so với 2,58% ở khu vực thành thị. Đây là điều đáng lưu ý bởi mức sống, thu nhập tại nông thôn thấp hơn. Lý do là trong tết giá khu vực thành thị đã tăng cao. Bây giờ tại nông thôn giá cũng tăng cao sẽ hình thành một mặt bằng giá mới, vững chãi hơn.

Trong mặt bằng các mặt hàng đều tăng, theo Tổng cục Thống kê, nhóm hàng nào tăng giá cao nhất?

Nhóm có chỉ số tăng cao nhất là lương thực, tăng tới 10,5% so với tháng hai. Bình quân cả quí 1 năm nay so với cùng kỳ năm trước, lương thực tăng 21,5%, thực phẩm tăng 28,4%. Tăng mạnh thứ hai là nhóm phương tiện đi lại (5,76%). Nhóm này gồm phương tiện đi lại, nhiên liệu, dịch vụ giao thông công cộng. Nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng cũng tăng rất mạnh. Sắt thép, gạch có nơi tăng gấp đôi, gấp ba.

Vừa rồi Chính phủ đã đưa ra một loạt giải pháp kiềm chế tăng giá. Theo con số thống kê, có nhóm hàng nào giảm giá không?

Các biện pháp của Chính phủ chủ yếu rút bớt tiền lưu thông, còn giá cả phụ thuộc vào cung cầu nhiều hơn. Do hàng lương thực thực phẩm đã đáp ứng nhu cầu tết, sau đó lại gặp đợt rét nên nguồn cung giảm sút. Vì vậy, trong tháng 3-2008 không có mặt hàng nào giảm giá, chỉ có tốc độ tăng giá một số mặt hàng chậm lại.

Giá tăng đã tác động đến người dân như thế nào, thưa bà? Sức mua của người dân Việt Nam có giảm đi không?

Trong tháng 3, tiêu dùng của người dân đã giảm đi rất nhiều. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của xã hội tháng 3/2008 giảm 7,4% so với tháng hai.

Trong một tháng, mức giảm như thế là tương đối lớn.