11:12 09/10/2022

Năm 2021, có 19% sinh viên tốt nghiệp làm việc trái ngành đào tạo

Đỗ Như

Công tác hướng nghiệp, phân luồng… giúp người học đánh giá đúng hơn về phẩm chất, năng lực bản thân, từ đó có các quyết định phù hợp trong quá trình học lên cao và phát triển nghề nghiệp trong tương lai...

Hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời-Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0" - Ảnh: VGP/Nhật Nam
Hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời-Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0" - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Thông tin trên được đưa tại hội thảo Hướng nghiệp suốt đời-Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0 do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục & Đào tạo) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và một số đơn vị tổ chức vào chiều 8/10.  

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội), các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục, hướng nghiệp và công nghệ số.

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số liên quan đến ngành đào tạo là 25%; 19% số sinh viên tốt nghiệp có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo.

Còn thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, trong quý 2/2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%; cao đẳng và trung cấp là 30,5%. Trong khi đó, nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%; cao đẳng và trung cấp là 33%. 

Các con số thống kê đều cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu lao động. Điều này phần nào phản ánh những bất cập trong công tác hướng nghiệp, phân luồng trong các cơ sở giáo dục cũng như quá trình tự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của người học.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực Bùi Văn Linh cho biết thời gian qua, các cơ sở giáo dục phổ thông đã thực hiện các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác hướng nghiệp, phân luồng… đã giúp người học đánh giá đúng hơn về phẩm chất, năng lực bản thân, từ đó có các quyết định phù hợp trong quá trình học lên cao và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

"Công tác hướng nghiệp càng chất lượng, việc phân luồng sẽ càng hiệu quả, chất lượng hơn. Một giải pháp rất cần thiết để thục hiện thành công hoạt động giáo dục hướng nghiệp, đó là chúng ta thực hiện xã hội hóa, cung ứng nội dung số hoá, công cụ, phần mềm, chuyên gia, nguồn lực tốt để hỗ trợ giáo viên, nhà trường thực hiện công tác này", ông Bùi Văn Linh chia sẻ.

Các ý kiến tại hội thảo phản ánh thông tin toàn cảnh về hoạt động đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh tại Việt Nam; mô hình hướng nghiệp trong nhà trường ở Việt Nam hiện nay và ở một số nước…

Nhiều ý kiến cũng đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động trong nhà trường như cung cấp cho giáo viên phương pháp giảng dạy, công cụ hỗ trợ lên khung nội dung bài học về hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo cách tinh gọn và bám sát chuẩn "đầu ra"; các giải pháp để gắn kết gia đình-nhà trường-người học và doanh nghiệp…