10:06 04/12/2024

Năm 2025, sàn diễn thời trang sẽ dần “vắng bóng” da động vật

Minh Nguyệt

Trong một động thái được đánh giá cao nhằm bảo vệ động vật hoang dã và thúc đẩy thời trang bền vững, Tuần lễ Thời trang London tuyên bố sẽ cấm các thương hiệu sử dụng da động vật hoang dã trong các bộ sưu tập…

Ảnh: The Business of Fashion
Ảnh: The Business of Fashion

Phó giám đốc chính sách và hợp tác của Hội đồng Thời trang Anh (BFC), David Leigh-Pemberton, đã công bố lệnh cấm này trong bài phát biểu trước Quốc hội Anh tuần trước. Hội đồng Thời trang Anh nêu rõ: “Chúng tôi sẽ không trình diễn bất kỳ bộ sưu tập nào có sử dụng lông thú thật hoặc da động vật quý hiếm, và yêu cầu các nhà thiết kế phải đồng ý với điều kiện này khi nộp đơn tham gia London Fashion Week".

Mặc dù Tuần lễ Thời trang London đã cấm sử dụng lông thú từ năm 2018, song cho đến nay, các nhà thiết kế vẫn được phép sử dụng da của các loài động vật như rắn và cá sấu. Theo tờ The Guardian, với quyết định mới này, đây là đã trở thành tuần lễ thời trang đầu tiên trong 4 kinh đô thời trang đẳng cấp thế giới (London, Paris, New York và Milan) thực hiện lệnh cấm đối với các sản phẩm từ da động vật hoang dã.

Trước đó, Tuần lễ Thời trang Copenhagen (Đan Mạch), cũng đã quyết định cấm sử dụng lông vũ trong các buổi trình diễn từ năm sau. Thành phố này cũng là một trong những nơi đầu tiên cấm sử dụng da động vật quý hiếm trong các buổi trình diễn thời trang.

Tuần lễ Thời trang London đã cấm sử dụng lông thú từ năm 2018, song các nhà thiết kế vẫn được phép sử dụng da của các loài động vật như rắn và cá sấu.
Tuần lễ Thời trang London đã cấm sử dụng lông thú từ năm 2018, song các nhà thiết kế vẫn được phép sử dụng da của các loài động vật như rắn và cá sấu.

Việc cấm sử dụng da động vật hoang dã là một bước đi quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành thời trang đối với môi trường và động vật. Việc săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã để lấy da không chỉ đe dọa sự tồn vong của nhiều loài mà còn vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã quốc tế. Bên cạnh việc cấm sử dụng da động vật hoang dã, Hội đồng Thời trang Anh cũng đang tích cực xem xét và thảo luận về việc hạn chế sử dụng lông vũ trong các thiết kế thời trang.

Theo nhận định của trang Business of Fashion, Tuần lễ Thời trang London chủ yếu do các nhà thiết kế mới nổi thống trị nên lệnh cấm này có thể dễ dàng thực hiện hơn. Tuy nhiên, việc cấm lông vũ có thể là một đề xuất khó khăn hơn vì chúng thường được các nhà thiết kế sử dụng làm vật trang trí trên quần áo. Và cũng rất khó để phân biệt lông vũ thật và giả. Năm ngoái, người ta phát hiện ra các nhà bán lẻ bao gồm Boohoo và Selfridges đã dán nhãn nhầm lông vũ thật thành lông vũ giả.

Ngành công nghiệp thời trang xa xỉ đã và đang có những chuyển hướng mạnh mẽ, nói “không” trong thiết kế từ lông thú. Các thương hiệu lớn, từ Gucci đến Chanel đã ban hành lệnh cấm. Tuy nhiên, ngành thời trang vẫn sử dụng da thú, vốn hiếm hơn và được nhiều người coi là biểu tượng của sự xa xỉ.

Chanel là một trong những thương hiệu đi đầu, cấm da thú vào năm 2018. Marc Jacobs là một trong những thương hiệu gần đây nhất thực hiện lệnh cấm vào tháng 5/2024. Trong khi đó, Kering, công ty đã ban hành lệnh cấm lông thú nhưng vẫn sử dụng da thú, hoặc như Prada. Hermés và LVMH đến nay chưa ban hành lệnh cấm lông thú hoặc da thú.

Nhiều thương hiệu xa xỉ đến nay chưa ban hành lệnh cấm lông thú hoặc da thú.
Nhiều thương hiệu xa xỉ đến nay chưa ban hành lệnh cấm lông thú hoặc da thú.

Chính vì vậy, lệnh cấm sử dụng da động vật hoang dã của Ban tổ chức Tuần lễ Thời trang London được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa và khuyến khích các tuần lễ thời trang khác trên thế giới cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã, cũng như thúc đẩy sự phát triển của ngành thời trang bền vững.

Theo Vogue, cũng nằm trong nỗ lực này, hàng loạt các thương hiệu và công ty khởi nghiệp đã bước vào cuộc đua sáng chế chất liệu da thuần chay để thay thế cho da động vật. Chẳng hạn như loại da từ lá dứa được sáng chế bởi Tiến sỹ Carmen Hijosa, có tên là Piñatex. Vật liệu Pinatex rất thoáng khí, mềm mại mà không bị nhăn nhàu và dễ dàng in được màu lên cũng như cắt và may nó thành thành phẩm. Vải da Pinatex có thể ứng dụng cho nhiều loại mặt hàng thời trang từ quần áo cho tới giày, bốt và cả đồ nội thất. 

Tương tự, công ty khởi nghiệp Fruitleather Rotterdam của Hà Lan đã tạo ra da xoài, một loại vật liệu giả da thuần chay được tạo ra bằng cách nghiền và luộc xoài, một quá trình giúp loại bỏ mọi vi khuẩn, sau đó trộn nó với các chất phụ gia tự nhiên khác nhau trước khi trải hỗn hợp đã nghiền này thành tấm để sấy khô. Trước khi sấy, da xoài có màu kem nhạt, nhưng sau khi sấy, chúng có màu khác nhau tùy thuộc vào loại xoài được sử dụng. Da xoài gần đây đã được sử dụng trong bộ sưu tập túi xách da thuần chay mới của nhãn hiệu thời trang bền vững Luxtra có trụ sở tại London, Anh.

Da táo đặc biệt thích hợp để thiết kế túi và giày.
Da táo đặc biệt thích hợp để thiết kế túi và giày.

Bất ngờ hơn, những phụ phẩm của quả táo sau khi ép nước như lõi, vỏ, hạt và cùi được các nhà sản xuất phơi khô rồi nghiền thành bột rất mịn. Loại bột này sau đó được trộn với polyurethane để tạo ra da táo - vật liệu giả da có một phần nguồn gốc sinh học và một phần tổng hợp. Da táo đặc biệt thích hợp để thiết kế túi và giày vì nó là vật liệu có độ dày tự nhiên. Hai thương hiệu thời trang Samara (Canada) và Frumat (Italy) hiện đang sản xuất da táo và cho ra đời nhiều sản phẩm thời trang da thuần chay vừa bền vừa đẹp.

Gần đây, bã nho – phụ phẩm của ngành rượu vang - cũng được tận dụng để chế tạo ra vải giả da. Công ty Vegea của Italy, nổi tiếng là đi đầu trong chế tác chất liệu xanh, đã bắt tay với nhiều nhà vườn và hãng làm rượu nho ở nước này để chế tác nên da vegan bằng bã nho. Chất liệu giả da thân thiện với môi trường này đã được cung cấp cho H&M, & Other Stories, và cả thương hiệu Serapian cao cấp của Tập đoàn Richemont.

Cũng như vậy, da xương rồng là một loại vật liệu khá mới trên thị trường, được sáng chế bởi Công ty khởi nghiệp Desserto đến từ Mexico. Được gọi là Desserto Leather, loại vải giả da hữu cơ làm từ cây xương rồng này sở hữu tất cả các tính năng và chức năng của da động vật với chi phí môi trường chỉ bằng một phần nhỏ so với da thật. Sản phẩm mới này đã giúp công ty giành được Giải thưởng Sản phẩm Xanh Quốc tế lần thứ VII tại Munich, Đức. Loại da làm từ xương rồng này hiện được sử dụng bởi các thương hiệu phụ kiện thuần chay như Luxtra, Santos by Monica, Voes & Co…

Đôi giày được làm từ Desserto Leather, loại vải giả da hữu cơ làm từ cây xương rồng.
Đôi giày được làm từ Desserto Leather, loại vải giả da hữu cơ làm từ cây xương rồng.

"Thế giới đã thay đổi, cùng với khách hàng của chúng tôi. Ngành xa xỉ đương nhiên cần phải thích ứng với điều đó", là lời chia sẻ của chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Kering, François-Henri Pinault, khi bàn về vấn đề lông thú. Có thể nói, loại bỏ lông hay da động vật khỏi thời trang là ý tưởng thịnh hành và được quan tâm, bên cạnh sự phát triển bền vững. Nó thể hiện sự đổi mới và trách nhiệm đối với xã hội. Đồng thời đây là cơ hội cho các thương hiệu khám phá những ranh giới mới của thiết kế sáng tạo trong khi đáp ứng nhu cầu về đạo đức.