08:12 02/12/2024

Ngành thời trang ra sao nếu thế giới không đạt được mục tiêu về biến đổi khí hậu?

Minh Anh

Khi các cuộc đàm phán đầy căng thẳng về chủ đề khí hậu tại COP 29 vừa mới khép lại, ngành thời trang đang đối mặt với hàng loạt rủi ro, từ các nhà máy quá nóng đến sự bất ổn trong hành vi tiêu dùng…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Gần một thập kỷ trước, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết nỗ lực giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu không vượt quá 1,5℃ so với thời kỳ tiền công nghiệp — một ngưỡng mà các nhà khoa học cảnh báo rằng, nếu bị phá vỡ, sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra các tình trạng biến đổi khí hậu thảm khốc.

Tuy nhiên, mục tiêu này ngày càng trở nên xa vời. Theo Cơ quan ứng phó Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU, năm nay dự kiến sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, đồng thời là năm đầu tiên vượt ngưỡng mục tiêu 1,5℃.

Mục tiêu được đàm phán trong một thỏa thuận mang tính bước ngoặt tại hội nghị COP 2015 ở Paris và là mục tiêu ở mức trung bình dài hạn, thay vì dựa vào từng năm đơn lẻ. Tuy nhiên, các dự báo tương lai vẫn rất ảm đạm. Theo báo cáo của UN Climate Change công bố tháng trước, dựa trên các kế hoạch giảm phát thải hiện tại của các quốc gia, nhiệt độ toàn cầu dự kiến sẽ đạt đỉnh trong thế kỷ này ở mức từ 2,1℃ đến 2,8℃ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mặc dù mục tiêu nhiệt độ trái đất tăng 1,5℃ luôn được coi là đầy tham vọng, nhưng một mức tăng hơn 2℃ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, các nhà khoa học cảnh báo.

Ngành thời trang ra sao nếu thế giới không đạt được mục tiêu về biến đổi khí hậu? - Ảnh 1

“Ô nhiễm khí nhà kính ở mức này sẽ đảm bảo một thảm họa nhân đạo và kinh tế cho mọi quốc gia, và không có bất kỳ ngoại lệ nào,” ông Simon Stiell, Tổng thư ký UN Climate Change, phát biểu vào tháng 10, khi tổ chức này công bố các dự báo về phát thải. “Mỗi phần nhỏ của mỗi độ đều quan trọng, vì thảm họa khí hậu sẽ trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng”.

Những nỗ lực đưa tiến trình khí hậu trở lại đúng hướng tại diễn đàn COP năm nay trong hai tuần vừa qua cũng đã gặp nhiều trở ngại. Các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh người dân Mỹ tái bầu ông Donald Trump làm Tổng thống, người luôn mong muốn rút nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi Thỏa thuận Paris. Các cuộc đàm phán kéo dài nhằm đạt được một thỏa thuận mới về tài trợ hành động khí hậu và mở đường cho các kế hoạch cắt giảm khí thải tham vọng hơn đang tiến vào giai đoạn quyết định.

NGÀNH THỜI TRANG ĐỐI MẶT VỚI THAY ĐỔI TOÀN DIỆN

Hiện tại, các hiện tượng thời tiết cực đoan, từ các đợt nắng nóng chết người đến bão và lũ lụt, đang gây ra những xáo trộn hỗn loạn — và ngành thời trang cũng không phải ngoại lệ. Nhiều trung tâm sản xuất thời trang lớn của thế giới nằm ở những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, như Bangladesh và Việt Nam.

Ngành thời trang ra sao nếu thế giới không đạt được mục tiêu về biến đổi khí hậu? - Ảnh 2

Năm 2022, lũ lụt chết người tại Pakistan - một trong những nhà sản xuất bông lớn nhất thế giới - đã phá hủy khoảng 40% sản lượng bông trong năm đó. Mùa xuân năm nay, một đợt nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tháng tại Nam Á đã khiến nhiệt độ tăng cao đến mức một số nhà máy phải dừng hoạt động, các hệ thống điều hòa quá tải và máy làm mát nước cạn kiệt.

“Ngay cả với tôi, một người am hiểu về khoa học khí hậu, cũng không ngờ các đợt nắng nóng cực đoan như thế này lại xảy ra nhanh đến vậy,” ông Vidhura Ralapanawe, nhà khoa học khí hậu và giám đốc bền vững kiêm đổi mới của Epic Group - một công ty quản lý chuỗi cung ứng và tìm nguồn cung ứng trang phục có trụ sở tại Hong Kong - cho biết. “Năm 2023 và 2024 thực sự khiến tôi choáng ngợp”.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ tác động đến sản xuất mà còn làm xáo trộn thói quen tiêu dùng, ảnh hưởng đến cách, thời điểm và loại hàng hóa mà người dân mua sắm. Và thế giới càng nóng lên, những rủi ro này càng gia tăng. Đến cuối thập kỷ này, chi phí mà ngành thời trang phải gánh chịu được dự đoán lên đến hàng tỷ USD.

Ngành thời trang ra sao nếu thế giới không đạt được mục tiêu về biến đổi khí hậu? - Ảnh 3

Tuy nhiên, ngành thời trang vẫn chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết về khí hậu, và tính bền vững đang dần trượt khỏi danh sách ưu tiên của các lãnh đạo trong bối cảnh ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức địa chính trị và kinh tế phức tạp. Nhiều công ty hiện đang tập trung vào kết quả kinh doanh quý tới và chưa đánh giá đầy đủ mức độ rủi ro khí hậu mà họ phải đối mặt.

Thay đổi không phải là điều dễ dàng. Việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của ngành thời trang đòi hỏi những thay đổi tốn kém trong chuỗi cung ứng - nơi hầu hết doanh nghiệp hoạt động với biên lợi nhuận mỏng manh trong các thị trường đầy biến động, gần như không còn dư địa cho các khoản đầu tư dài hạn.

Các nhà máy sản xuất cần được làm mát, nhưng hệ thống điều hòa không khí vừa tốn kém vừa thải ra lượng lớn khí carbon (đây là một “quả bom carbon” chực chờ phát nổ, theo ông Vidhura Ralapanawe). Và sâu xa hơn, lý do tồn tại của ngành thời trang - sản xuất và bán ra ngày càng nhiều sản phẩm - lại mâu thuẫn với các mục tiêu khí hậu.

Ngành thời trang ra sao nếu thế giới không đạt được mục tiêu về biến đổi khí hậu? - Ảnh 4

“Các mô hình kinh doanh thời trang sẽ không thay đổi từ nay đến năm 2030,” bà Betsy Blaisdell, quản lý bộ phận bảo vệ môi trường tại công ty tư vấn Guidehouse, nhận định. “Các công ty vẫn đang sản xuất thêm nhiều sản phẩm. Đây luôn là vấn đề lớn mà không ai muốn đối mặt; các công ty vẫn chưa tìm ra cách nào để có thể tăng trưởng mà không cần sản xuất nhiều hơn”.

Những căng thẳng trong ngành thời trang là một bức tranh thu nhỏ của các mâu thuẫn diễn ra tại hội nghị COP 29 - kết thúc với kết quả đầy tranh cãi. Nhưng nếu mức nhiệt độ trái đất tăng 1,5℃ đã gây tổn hại cho doanh nghiệp, thì mức tăng cao hơn sẽ gây ra hậu quả còn tồi tệ hơn nhiều.

“Chúng ta vẫn cần hành động nhanh hơn nữa để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0,” ông Vidhura Ralapanawe nhấn mạnh. “Đây là một mục tiêu không thể và không cần thương lượng!”