10:06 20/03/2018

Nan giải cuộc chiến thanh toán “tiền bẩn”

Nguyễn Hoài

Ngân hàng và cổng thanh toán ngân hàng hiện nay trở thành con đường chuyển tiền nhanh, hiệu quả nhất cho các hành vi phi pháp của tội phạm công nghệ cao

Việc ngăn chuyển tiền, thanh toán từ các hành vi vi phạm pháp luật là khó nhưng không phải không làm được.
Việc ngăn chuyển tiền, thanh toán từ các hành vi vi phạm pháp luật là khó nhưng không phải không làm được.

Một số vụ việc đấu tranh với tội phạm công nghệ cao gần đây cho thấy, cổng thanh toán của một số đơn vị trong hệ thống ngân hàng trở thành một mắt xích vô tình để bọn tội phạm chuyển tiền.

Thực tế, việc chuyển tiền cho nhau từ các hành vi phi pháp như đánh bạc, chơi điện tử qua mạng ăn tiền (game online), mua bán hàng hoá dịch vụ phi pháp thông qua hệ thống ngân hàng là có thật. 

Tuy nhiên, sự việc chỉ được phát hiện khi cơ quan điều tra công bố thông qua các vụ án.

Khó nhưng vẫn chống được

Phân tích vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, việc ngăn chuyển tiền, thanh toán từ các hành vi vi phạm pháp luật là khó. 

Ví dụ, A chuyển tiền cho B thông qua chơi cờ bạc trực tuyến thông qua tài khoản ngân hàng nhưng lấy lý do là mua bán hàng hoá, dịch vụ hợp pháp thì ngân hàng đành chịu. 

"Ngân hàng không thể lân la dò hỏi khách hàng lý do thực tế chuyển tiền là gì vì có thể bị khách hàng tẩy chay và mất mối làm ăn. Nhưng đừng nghĩ vậy mà chối bỏ trách nhiệm của mình, khi muốn, ngân hàng và công an có thể minh bạch dòng tiền đáng ngờ", ông Trương Thanh Đức nói.

Theo ông, ngân hàng không thể không nghi ngờ để làm rõ sự thật, hoặc chí ít là phối hợp với cơ quan công an khi mà khách hàng chuyển tiền hàng chục hàng trăm tỷ, hoặc cả hàng nghìn tỷ như vụ đánh bạc của Phan Sào Nam vừa qua.

Hay như, khách hàng A không mở các đăng ký dịch vụ kinh doanh có dòng tiền lớn mà lại có bao nhiêu người (B,C,D...) nộp tiền cho A thì phải nghi ngờ và nghĩ cách để xác minh hay trình báo cơ quan chức năng.

Trong đào tạo chống rửa tiền (nhân viên ngân hàng là đối tượng số 1 phải học), có đưa ra ví dụ: A bán bánh bao, dòng tiền thu nhập đều đặn là 10 triệu đồng/ngày, bỗng dưng có ngày doanh số giao dịch vọt lên gấp 10 hay 20 lần, đó chính là thông tin gây nghi ngờ và báo cáo xem xét chi tiết. 

Thậm chí, như thế nào là khái niệm "dòng tiền bất thường" đều được giải thích rất rõ trong quá trình đào tạo và được thể hiện rõ ràng trong Luật Phòng, chống rửa tiền và văn bản dưới luật này.

Chỉ có điều, có một vấn đề tế nhị là ngân hàng hoặc trung gian thanh toán sợ bị mất khách nên có thể lờ đi, đến đâu hay đến đó. Cụ thể, có thể là pháp nhân chuyển tiền nghi ngờ về một hoặc nhiều giao dịch nhưng vì muốn giữ chân khách hàng nên bỏ qua.

"Thông tư 41/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 về hướng dẫn nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng trên cơ sở rủi ro phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền đã đề cập vấn đề này rất kỹ. 

Nói chung là khung khổ pháp lý ở phần tổ chức tín dụng trong phòng chống rửa tiền là có cả. Hàng ngày các đơn vị này đều báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền. Vấn đề là phải làm đến nơi đến chốn", ông Đức nhấn mạnh.

Thắt chặt theo quy định

Theo một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước, sắp tới, cơ quan quản lý sẽ sửa đổi một số vấn đề tại Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt và Thông tư 39 về trung gian thanh toán, sẽ quy định trách nhiệm cụ thể của trung gian thanh toán, tổ chức tín dụng trong việc rà soát khách hàng và các đối tác cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hoạt động hợp pháp; yêu cầu họ phải tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động phi pháp khác trong Luật Hình sự... như là chơi cờ bạc trực tuyến.

Theo ông này, thắt chặt hơn quy định theo thông lệ tốt nhất không có nghĩa sẽ thắt chặt điều kiện kinh doanh mà phải thực hiện các quy trình kiểm soát nội bộ ở từng tổ chức chặt chẽ và khoa học hơn. 

Cụ thể, sẽ có quy định để tăng cường quản trị rủi ro, yêu cầu rà soát khách hàng đặc biệt trước và sau khi ký hợp đồng dịch vụ giữa đối tác và ngân hàng hay trung gian thanh toán; đảm bảo các đối tác ký hợp đồng với ngân hàng phải là chủ thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Napas, trong một bài viết tại hội thảo cuối năm 2017, ông Hùng có đề cập đến vấn đề là Việt Nam phải phát triển nhanh hệ thống thanh toán bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ (ACH). 

Theo đó, ACH sẽ tăng cường khả năng xử lý các giao dịch bán lẻ theo lô, thời gian thực, hỗ trợ đa kênh, đa phương tiện, đa tiền tệ, thời gian 24/7, đặc biệt là sẽ sử dụng tin điện theo chuẩn mực quốc tế (ISO 20022) để hội nhập thanh toán quốc tế. 

Hệ thống có thể xử lý bù trừ khối lượng lớn các giao dịch bán lẻ cho các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp và cá nhân. 

Ngoài ra, hệ thống ACH còn giúp hoàn thiện hạ tầng thanh toán theo xu hướng tập trung, hiệu quả, an toàn, đáng tin cậy và sẽ là nền tảng cho các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

"Ngoài những lợi ích về tăng giá trị của các nhà cung cấp dịch vụ, hệ thống ACH còn hỗ trợ việc quản lý tập trung, hiệu quả và toàn diện thị trường thanh toán bán lẻ, đồng thời đảm bảo hạn chế rủi ro trong hoạt động thanh toán", ông Hùng nhấn mạnh.