17:23 13/05/2022

Nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức "Đầu tư" tới năm 2030, Việt Nam rộng cửa tiếp cận thị trường vốn quốc tế

Ánh Tuyết

Ngày 13/5, tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh, Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các ngân hàng tư vấn, hỗ trợ cho Việt Nam về công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia tổ chức hội nghị phổ biến “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”...

Các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp chung tay, phấn đấu nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên hạng "Đầu tư".
Các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp chung tay, phấn đấu nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên hạng "Đầu tư".

Bộ Tài chính cho biết, ngày 31/3 vừa qua, Thủ tướng chính thức ban hành quyết định phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”.

 

Đề án do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, đánh giá kết quả đạt được trong công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2013-2020 và đề xuất mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên hạng "Đầu tư".  

Theo đánh giá của ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, S&P và Fitch, Việt Nam đang đạt mức BB (theo Fitch và S&P), mức Ba3 theo Moody’s. Tuy nhiên, cả ba tổ chức đều đánh giá Việt Nam ở triển vọng Tích cực.

Qua nghiên cứu phương pháp luận của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, cả ba tổ chức Moody’s, S&P và Fitch đều xem xét xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở bốn nhân tố chính gồm có: năng lực thể chế với tỷ trọng từ 17-25%; hiệu quả hoạt động kinh tế và tiền tệ tỷ trọng từ 22-42%; tài chính công tỷ trọng 18-30% và tài chính đối ngoại có tỷ trọng 18-24%.

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia được chia thành 2 mức chính, gồm mức "đầu tư" với 4 hạng khác nhau, mức cao nhất là AAA, cao AA, cao trung bình A và trung bình BBB. Tiếp đến là mức "dưới đầu tư", gồm các hạng BB, B, CCC và mức "đầu cơ" gồm các hạng CC, C và D.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam thực hiện phát hành thành công 3 đợt phát hành trái phiếu quốc tế vào năm 2005, 2010 và 2014, với chi phí phát hành rẻ hơn nhiều qua các năm nhờ vào hệ số và triển vọng tín nhiệm quốc gia được cải thiện kết hợp với điều kiện thị trường vốn quốc tế thuận lợi.

Việc tiếp tục cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới theo mục tiêu đặt ra của đề án đóng vai trò quan trọng để cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam, tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế.

Ngoài ra, việc nâng hạng còn góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Bộ Tài chính khẳng định, để cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, việc củng cố các yếu tố cấu thành xếp hạng tín nhiệm của một quốc gia là động lực chính.

Để đạt được các mục tiêu của đề án, "Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh về hồ sơ tín nhiệm như sức mạnh kinh tế, tài khóa, đồng thời cần tiếp tục cải thiện các chỉ tiêu về sức mạnh quản trị và thể chế, khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, các chỉ tiêu xếp hạng toàn cầu", Bộ Tài chính cho hay.

Việc thường xuyên duy trì đánh giá xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ thúc đẩy tiếp tục cải cách sâu rộng các lĩnh vực này.

"Liên quan trực tiếp đến vay nợ, việc nâng bậc tín nhiệm góp phần tạo cơ sở vững chắc để Chính phủ và doanh nghiệp vay vốn trong nước và quốc tế với chi phí hợp lý. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần", Bộ Tài chính nhìn nhận.

Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt đề án, nhằm kịp thời phổ biến cho các cơ quan, tổ chức liên quan về đề án.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, tác động sâu rộng tới việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp cần chung tay, nỗ lực triển khai hiệu quả kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, các chiến lược ngành, lĩnh vực, triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu đề án, góp phần phấn đấu nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên hạng "Đầu tư".