09:00 24/10/2022

Ngân hàng chiều khách VIP như thế nào?

Thuỷ Tiên

Nếu như cách đây một vài năm, mục tiêu của các ngân hàng là gia tăng lượng khách hàng mở tài khoản, mở thẻ bằng nhiều cách thức. Nay họ dần chyển sang xu hướng nhắm tới phân khúc khách hàng ưu tiên (VIP) có nhu nhập cao, không nợ xấu…

Ngân hàng còn tung ra nhiều đặc quyền cho khách hàng VIP
Ngân hàng còn tung ra nhiều đặc quyền cho khách hàng VIP

Vừa qua, VietinBank đã tổ chức đêm nghệ thuật “VietinBank Premium Show” với tên gọi “Hành trình tỏa sáng”. Đây là sự tiếp nối chuỗi chương trình nghệ thuật xây dựng từ năm 2015, với các chủ đề “Sống…”; “Như những đóa hoa”… để dành tặng mỗi khách hàng ưu tiên đã gắn bó sâu sắc với VietinBank những khoảnh khắc, những giây phút lắng đọng, thư giãn bên gia đình, người thân.

Sự kiện năm nay, VietinBank mang tới không gian nghệ thuật và trải nghiệm ấn tượng, thể hiện đẳng cấp của khách hàng ưu tiên với phong cách Broadway (nhạc kịch), kết hợp nghệ thuật múa đương đại, xiếc, âm nhạc, nổi bật là màn trình diễn của ánh sáng và cảm xúc.

Đồng thời, điểm nhấn của chương trình là Lễ ra mắt Bộ Nhận diện thương hiệu Dịch vụ khách hàng ưu tiên - VietinBank Premium và hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ, đối tác đẳng cấp cho những khách hàng tinh hoa của VietinBank.

Đại diện VietinBank cho biết, nhận diện thương hiệu mới VietinBank Premium đánh dấu bước phát triển đột phá cùng lời khẳng định không ngừng cải tiến sản phẩm dịch vụ nhằm mang đến những trải nghiệm đẳng cấp nhất cho khách hàng. “VietinBank hy vọng, mỗi đối tác, khách hàng sẽ cảm nhận được sự đồng hành của VietinBank trong hành trình nâng giá trị cuộc sống”, vị đại diện VietinBank nhấn mạnh.

Hiện tại báo cáo kết quả kinh doanh VietinBank cho thấy, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt hơn 5.785 tỷ đồng trong quý 2/2022 và hơn 11.075 tỷ đồng trong nửa đầu 2022, tăng mạnh so cùng kỳ năm trước.

Kết quả này có được chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần sau 6 tháng đạt hơn 22.118 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%. Phần khác đến từ việc VietinBank giảm 17% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, xuống còn hơn 5.883 tỷ đồng. Mà những điều này đều có động lực khá nhiều từ nhóm khách hàng ưu tiên có thu nhập cao và rủi ro nợ xấu thấp.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc hướng đến nhóm khách hàng ưu tiên đang là sự lựa chọn của nhiều ngân hàng. Bởi lẽ, những lợi ích mà nhóm khách hàng này đem lại rất lớn. Thống kê tại một số ngân hàng có mảng khách hàng ưu tiên phát triển mạnh cho thấy, số lượng khách hàng VIP và cận VIP chỉ chiếm khoảng 5% nhưng đóng góp tới hơn 50% tổng doanh thu thuần. Hoặc ở một số ngân hàng mới bắt đầu triển khai nhưng nhóm khách hàng ưu tiên cũng đóng góp hơn 20% tổng doanh thu thuần.

Và để thu hút và giữ chân được nhóm khách hàng này, ngoài việc tổ chức tri ân đặc biệt, các ngân hàng còn tung ra nhiều đặc quyền hấp dẫn khác. Điển hình, tại VietinBank, Tecombank, Vietcombank, MB, BIDV, ACB… đều có chuyên viên phục vụ riêng, hầu hết là được phục vụ ngay hoặc nếu chờ cũng chỉ trong thời gian rất ngắn kể từ khi vào quầy.

Ngoài ra, VPBank và Vietcombank có phòng chờ riêng cho khách hàng bay nội địa tại sân bay Nội Bài. Trong khi nếu là khách hàng VIP của MB thì được miễn phí tại bất kỳ phòng chờ nào khi bay nội địa, áp dụng ở tất cả các sân bay.

Ngân hàng VPBank còn tung thêm gói đặc quyền Vị thế Kim cương, dành riêng cho các khách hàng siêu VIP. Chẳng hạn, được hưởng gói khám sức khỏe cao cấp dành cho một người, hay gói tầm soát ung thư dành cho một người ở các bệnh viện quốc tế cao cấp…

Về chính sách giá, các ngân hàng hầu hết áp dụng cộng thêm lãi suất cho khách hàng ưu tiên khi gửi tiết kiệm hoặc giảm lãi suất khi vay vốn, miễn giảm một số loại phí. Khách hàng còn được lĩnh/nhận tiền tận nơi theo yêu cầu.

Đáng chú ý, một số ngân hàng còn liên kết với đối tác tài chính hàng đầu thế giới để đưa nguyên bản các sản phẩm, dịch vụ, phong cách phục vụ, tiêu chuẩn về nhân sự... để giúp cho khách hàng tại Việt Nam trải nghiệm và sử dụng.

Tuy nhiên, việc dịch vụ khách hàng ưu tiên ngày càng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ, cũng đồng thời đi kèm là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ này. Mỗi một khách hàng VIP là một nguồn thu tiềm năng lớn cho ngân hàng nên các ngân hàng buộc phải luôn duy trì việc cung cấp một dịch vụ cạnh tranh nhất về chất lượng và mức độ hấp dẫn so với đối thủ nếu không muốn mất đi từng khách hàng VIP quý giá.

Một báo cáo của hãng Knight Frank hồi năm ngoái chỉ ra rằng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới (31%) trong 5 năm tới. Dự kiến, tới 2025, Việt Nam sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD. Đây tuy chỉ là top 1% dân số giàu nhất nước nhưng lại là đối tượng mà rất nhiều ngân hàng nhắm tới.