12:22 07/04/2015

Ngân hàng Nhà nước cẩn trọng với lỗ thật - lãi giả

Minh Đức

Vì sao Ngân hàng Nhà nước trực tiếp can thiệp việc chia cổ tức các ngân hàng?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng 
giải thích rằng, cần phải kiểm soát việc chi trả cổ tức để tránh tình 
trạng ngân hàng làm ra đồng nào “xào” đồng nấy, lỗ thật - lãi giả để rồi
 khi có rủi ro xẩy ra không có nguồn để xử lý, nhất là với yêu cầu xử lý
 nợ xấu.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng giải thích rằng, cần phải kiểm soát việc chi trả cổ tức để tránh tình trạng ngân hàng làm ra đồng nào “xào” đồng nấy, lỗ thật - lãi giả để rồi khi có rủi ro xẩy ra không có nguồn để xử lý, nhất là với yêu cầu xử lý nợ xấu.
Ngày 14/4 tới, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên 2015. Nội dung tài liệu về phân phối lợi nhuận năm qua hiện vẫn để ngỏ.

Là ngân hàng thương mại có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống (theo giá trị tuyệt đối), cũng như hoàn thành tốt các chỉ tiêu năm 2014, cổ đông VietinBank kỳ vọng sẽ tiếp tục được nhận 10% tỷ lệ cổ tức như đã đề ra.

Nhưng, lãnh đạo VietinBank cho biết, tỷ lệ và mức chia cổ tức cụ thể vẫn đang trình và chờ Ngân hàng Nhà nước xét duyệt.

Ấn định chỉ tiêu cổ tức

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông 2015 của Ngân hàng Quốc Tế (VIB), tỷ lệ cổ tức chi trả cũng chỉ được 9% thay vì dự tính 11%, do Ngân hàng Nhà nước xác định...

Dự kiến việc chia cổ tức của nhiều ngân hàng khác nữa cũng sẽ không như kỳ vọng và nghị quyết đại hội đồng cổ đông đề ra. Cơ quan quản lý sẽ giám sát và ấn định mức chi trả cụ thể.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xem xét này được thực hiện trên quan điểm: tất cả phải có trách nhiệm với cộng đồng, với nền kinh tế và pháp luật luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Tức là, tất cả lợi ích chính đáng và hợp pháp thuộc về nhà đầu tư sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội.

Cụ thể hóa quan điểm trên, cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại, yêu cầu báo cáo về kế hoạch chi trả cổ tức dự kiến năm 2014; trên cơ sở quy mô nợ xấu, rủi ro tiềm ẩn, mức độ trích lập đủ dự phòng rủi ro theo đánh giá chất lượng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước để xác định mức chia cổ tức.

Tỷ lệ chi trả phải phản kết quả kinh doanh thực sự sau khi trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. Mức chi trả cổ tức phải đảm bảo sau khi bù đắp các chi phí dự phòng theo nguyên tắc thận trọng về giám sát và quy định của pháp luật, để bảo đảm cổ đông của tổ chức tín dụng được nhận cổ tức sau khi hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước và bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng mình góp vốn, mua cổ phần.

Với nguyên tắc nói trên, sẽ không có chuyện cào bằng về mức chia cổ tức của các ngân hàng thương mại. Mức chia cổ tức bao nhiêu phục thuộc mức độ trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu mà ngân hàng đó phải/có thể phải đối mặt trong tương lai ngắn hạn.

Đó là lý do có thể tổ chức tín dụng này được chia cổ tức 9%, nhưng có ngân hàng thương mại khác không được chia cổ tức năm 2014.

Trước thực tế hoạt động của hệ thống suy giảm về hiệu quả do nợ xấu và mức độ rủi ro của môi trường kinh doanh ngân hàng có dấu hiệu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngay từ đầu năm 2015 quán triệt, các tổ chức tín dụng phải tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, không tăng lương, tăng thưởng, thù lao cho cán bộ, nhất là các vị trí quản trị, điều hành khi chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro.

Từ năm 2012, chỉ đạo trên đã được thực thi cho đến nay.

Trong một lần phát biểu với báo giới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng giải thích rằng, cần phải kiểm soát việc chi trả cổ tức để tránh tình trạng ngân hàng làm ra đồng nào “xào” đồng nấy, lỗ thật - lãi giả để rồi khi có rủi ro xẩy ra không có nguồn để xử lý, nhất là với yêu cầu xử lý nợ xấu.

Và từ năm nay, với văn bản và yêu cầu mới trên, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức can thiệp, ấn định chỉ tiêu chia cổ tức cụ thể đối với mỗi ngân hàng thương mại.

Luật đã trao quyền

Trước sự can thiệp trên, cổ đông và nhà đầu tư có thể đặt ra các câu hỏi: vì sao Ngân hàng Nhà nước làm như vậy, việc ấn định (giới hạn) tỷ lệ chi trả cụ thể của mỗi ngân hàng có can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của họ hay không, cơ sở nào để làm vậy?

VnEconomy cũng đã đặt những câu hỏi trên với lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, mục tiêu của việc tăng cường kiểm soát việc chi trả cổ tức của các ngân hàng thương mại là để đảm bảo tính sát thực, tạo nguồn chủ động và dự phòng cho yêu cầu xử lý nợ xấu.

“Tôi cũng xin lưu ý, kinh doanh ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Nhà đầu tư không chỉ có trách nhiệm với tài sản của mình mà còn có trách nhiệm với xã hội, bởi đơn giản ngân hàng là tổ chức nhận tiền gửi, vì vậy nhà nước có trách nhiệm bảo vệ của người gửi tiền tiết kiệm và lợi ích của cộng đồng xã hội”, ông Nghĩa nói.

Cũng theo lãnh đạo chuyên trách này, thực tế thời gian qua có một số ngân hàng thương mại chưa thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ; có nơi, có lúc để xảy ra tình trạng “lỗ thật - lãi giả” để chia cổ tức…

Trong đó, đáng lưu ý là việc tạo lãi giả nhưng lỗ thực để chia cổ tức, đồng nghĩa với việc ăn vào “máu thịt” của mình, động tới tiền gửi của nhân dân. Đây là lý do để Ngân hàng Nhà nước tăng cường giám sát, để việc chia cổ tức sát thực, xứng đáng với lợi ích của cổ đông được hưởng sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội.

Còn về cơ sở pháp lý, hay Ngân hàng Nhà nước có can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của các ngân hàng thương mại hay không, Chánh thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa giải thích: với yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống, luật đã trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước làm điều này.

Cụ thể, điểm a, khoản 2, điều 59 Luật Ngân hàng Nhà nước đã quy định, tùy theo tính chất và mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước được áp dụng các biện pháp như hạn chế chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản; hạn chế việc mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động; hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng…

Với cơ chế giám sát việc chi trả cổ tức nói trên, “cây ngay không sợ chết đứng”. Ngân hàng nào có kết quả kinh doanh tốt, kiểm soát và xử lý nợ xấu tốt, trích lập dự phòng đẩy đủ thì sẽ được chi trả cổ tức như cổ đông mong đợi, và ngược lại.

Ông Nghĩa cho rằng, ngân hàng nào trích lập đủ dự phòng rủi ro, cho dù Ngân hàng Nhà nước có quan điểm thận trọng đến mức nào vì sự an toàn của bản thân ngân hàng đó cũng như an toàn của hệ thống, thì cũng được hiểu “gạo không ăn vẫn còn đó”.

Ngược lại, nếu tình huống lãi giả - lỗ thật và chia cổ tức quá tay, cổ đông và nhà đầu tư có thể được lợi từ cổ tức trước mắt, nhưng rủi ro và thiệt hại trong tương lai là khó lường. Việc tăng cường giám sát, theo đó, cũng là một cách để bảo vệ cổ đông.

Còn ở mục tiêu an toàn hệ thống nói chung, việc Ngân hàng Nhà nước trực tiếp can thiệp cổ tức các ngân hàng như vậy cũng có thể xem là một bước đi quyết liệt nữa trong yêu cầu xử lý và giảm được nợ xấu về 3% vào cuối năm nay.