13:00 18/10/2023

Ngành công nghiệp hỗ trợ: Chất lượng thấp, giá lại cao

Song Hà

Quy mô, năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế nên rất khó khăn để “chen chân” vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu. Vì thế, việc tháo các điểm nghẽn, tìm các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho công nghiệp hỗ trợ trong nước cần được đẩy mạnh...

Công nghiệp hỗ trợ vẫn đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng rất thấp.
Công nghiệp hỗ trợ vẫn đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng rất thấp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cả nước hiện đạt khoảng 5.000 doanh nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tự ý thức được việc cải tiến, nâng cao năng lực của của mình thông qua đào tạo cho đội ngũ quản lý cũng như đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất để cải tiến quá trình sản xuất.

VẪN “NẰM” Ở PHÂN KHÚC GIÁ TRỊ GIA TĂNG RẤT THẤP

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến nay số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp, cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp. Trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, hiện chúng ta có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của chúng ta cũng được cải thiện rất đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể như trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45 - 50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 - 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này nội địa hóa này cao hơn.

Tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn có những hạn chế nhất định. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay vẫn đang nằm ở trong phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng.

Hơn nữa, khâu nghiên cứu phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng đã được quan tâm đến nhưng chưa thực sự đúng mức. Bên cạnh đó, năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa được chặt chẽ, mặc dù trong thời gian vừa qua các bộ, ngành, địa phương cũng đã rất nỗ lực trong việc kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia.

Những hạn chế này gây quan ngại cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam. Khi một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ rất cần những doanh nghiệp vệ tinh nội địa đủ năng lực để cung cấp sản phẩm cho họ, giúp giảm thiểu nhiều chi phí trong quá trình sản xuất… đây vẫn là một điểm yếu của chúng ta.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng.

Từ đó, dẫn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có giá thành cao, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật. “Các doanh nghiệp phải “tự thân”, nâng cao năng lực tốt hơn, sản phẩm sản xuất ra phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà cung cấp cho các doanh nghiệp đặt hàng”, ông Vân khuyến nghị.

Để trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn lớn, cũng như có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của các doanh nghiệp toàn cầu, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics), cho rằng điều cốt lõi là chất lượng phải đạt chuẩn toàn cầu, giá cả phải cạnh tranh, thời gian giao hàng chuẩn, đặc biệt sản phẩm được sản xuất không làm ảnh hưởng tới môi trường, sản phẩm có thể tái chế được.

Muốn làm được điều này, theo ông Cường, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại; đồng thời, xây dựng cho mình chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để phát huy lợi thế, tăng cường khả năng cạnh tranh.

KHẨN TRƯƠNG HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương, hiệp hội ngành hàng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua công cụ chính sách, cơ chế, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa.

Về vấn đề chính sách, ông Phạm Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi gặp rất nhiều khó khăn do quan điểm của các bộ, ngành trong nhìn nhận những vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp đang còn khác nhau.

Ví dụ, Bộ Công Thương luôn thống nhất quan điểm là phải hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất. Nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phải sử dụng nguồn ngân sách, như vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương, của Trung ương.

Cụ thể, trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111 có đưa ra một điểm là vấn đề cốt lõi của việc sửa đổi này, đó là việc cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong quá trình xây dựng chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước khác cũng có lo ngại rằng chính sách này được ban hành sẽ giống một số chương trình hiện nay đang được áp dụng chính sách tương tự nhưng gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.

Song, quan điểm của Bộ Công Thương là việc Nhà nước đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất chính là nuôi dưỡng nguồn thu, doanh nghiệp phải sản xuất, phải làm ra của cải cho đất nước mới có được doanh thu và mới được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi. Đây là một trong những điểm mới nhất của Nghị định sửa đổi Nghị định 111.

Bên cạnh đó, trong Nghị định này, danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dự thảo cũng đã bổ sung rất nhiều các sản phẩm mới phù hợp với xu thế hiện nay. Khi doanh mục được mở rộng ra, đơn vị nào sản xuất được sản phẩm khi đó chính sách của Nhà nước phải hướng đến, phải hỗ trợ cho doanh nghiệp...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2023 phát hành ngày 16-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành công nghiệp hỗ trợ: Chất lượng thấp, giá lại cao - Ảnh 1