Ngành tư pháp: Thu hơn 70.278 tỷ từ các vụ thi hành án dân sự
Ngày 20/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu (điểm cầu Trung ương - điểm cầu chính và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)...
Trong 6 tháng đầu năm, cùng với việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, Bộ, ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ được giao thêm.
Cụ thể, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 97 nhiệm vụ, trong đó, đã hoàn thành 37 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 60 nhiệm vụ không có thời hạn; không có nhiệm vụ quá hạn, chưa hoàn thành.
Đối với công tác thi hành án dân sự, trong 6 tháng đầu năm 2023 (thời gian tính theo tháng kế tiếp tháng tổng kết của năm liền trước), hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong 382.058 việc, tăng 33.568 việc, đạt tỉ lệ 66,53% (tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2022), với trên 70.278 tỷ 705 triệu 371 nghìn đồng; tăng hơn 18.111 tỷ 946 triệu 392 nghìn đồng (tăng 34,72% so với cùng kỳ năm 2022), đạt tỉ lệ 32,45% (tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2022).
Kết quả theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể các cơ quan thi hành án thực hiện theo dõi 897 việc, trong đó số cũ chuyển sang là 539 việc, số tiếp nhận mới là 358 việc; thi hành xong 216 việc (tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022); đang tiếp tục thi hành 681 việc.
Trong năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 2) trong số các bộ, ngành được đánh giá. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp tục hoàn thiện Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt.
Trong đó, Bộ Tư pháp ban hành 05 Quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ, công bố công khai đối với 99 thủ tục hành chính (22 thủ tục hành chính được ban hành mới, 44 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, 33 thủ tục hành chính bị bãi bỏ) thuộc các lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, trợ giúp pháp lý, hộ tịch và nhóm lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Về công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Bộ Tư pháp, các Tổ chức pháp chế các bộ, ngành và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực thực hiện.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 186 văn bản quy phạm pháp luật (giảm 69 văn bản so với cùng kỳ 2022); các địa phương ban hành 1.540 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh (tăng 39 văn bản so với cùng kỳ năm 2022), 1.135 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện (tăng 171 văn bản so với cùng kỳ năm 2022) và 57 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã (giảm 421 văn bản so với cùng kỳ năm 2022).
Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung nguồn lực, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06); Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.
Theo đó đạt được một số kết quả nổi bật như: Hoàn thành nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật; nâng cấp, bổ sung tính năng tạo lập bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử của Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, gửi cho Phần mềm dịch vụ công liên thông, thực hiện liên thông 2 nhóm văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử để triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam; hoàn thành kết nối 58 dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia;...