20:54 22/10/2021

Ngành viên nén nhiều cơ hội phát triển, nhưng vẫn còn manh mún

Chu Khôi

Hiện ngành sản xuất viên nén ở Việt Nam mỗi năm xuất khẩu 3 triệu tấn sản phẩm và có triển vọng tăng gấp 3 lần trong vài năm tới. Tuy nhiên, tình trạng mạnh ai nấy làm, khiến giá xuất khẩu rất thấp, vì vậy cần phải thành lập Chi hội Viên nén để tạo sự đoàn kết, xây dựng chiến lược bài bản…

Viên nén sử dụng làm nguyên liệu lò sấy, nhiệt điện.
Viên nén sử dụng làm nguyên liệu lò sấy, nhiệt điện.

Đây là đề xuất của các doanh nghiệp sản xuất viên nén tại tọa đàm về sản xuất và xuất khẩu viên nén do Hiệp hội Gỗ và lâm sản phối hợp với Forest Trends tổ chức chiều 22/10.

DƯ ĐỊA TĂNG THỊ TRƯỜNG RẤT LỚN

TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends, cho biết trong những năm gần đây, lượng viên nén xuất khẩu mỗi năm đạt trên dưới 3 triệu tấn, 350 triệu USD về kim ngạch. Trong 8 tháng năm 2021 lượng xuất khẩu viên nén đạt 2,4 triệu tấn, đem về 273 triệu USD.

Bình quân mỗi năm có trên 70 doanh nghiệp xuất khẩu viên nén. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp tham gia khâu xuất khẩu trong 8 tháng năm 2021 chỉ là 59. "Sự suy giảm này có thể là do tác động của sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 5 vừa qua", TS Phúc nhận định.

Hiện nay, Hàn Quốc và Nhật Bản là thị trường nhập khẩu viên nén quan trọng nhất của Việt Nam, với lượng xuất sang 2 thị trường này chiếm trên 90% trong tổng lượng viên nén xuất khẩu hàng năm.

Thị trường Hàn Quốc có quy mô lớn hơn so với thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, mức độ ổn định tại thị trường Nhật Bản lại cao hơn. Thực tế, thị trường Hàn Quốc chứa đựng một số khía cạnh bấp bênh, có độ sụy giảm rất mạnh trong năm 2019 và kể từ đó không có tín hiệu tăng trưởng trở lại.

 
"Mức giá xuất khẩu viên nén sang thị trường Nhật Bản hiện cao hơn giá xuất sang Hàn Quốc bình quân khoảng 20-30 USD/tấn".
TS. Tô Xuân Phúc, Forest Trends.

“Điều này có thể làm các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ dịch chuyển từ thị trường Hàn Quốc sang thị trường Nhật Bản, hoặc ít nhất cũng cố gắng để tham gia cả 2 thị trường. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tham gia cùng một lúc cả 2 thị trường là rất nhỏ, năm 2020 chỉ có 10 doanh nghiệp tham gia cả 2 thị trường”. TS Tô Xuân Phúc thông tin.

Có 6 doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu rất lớn, với lượng xuất của mỗi doanh nghiệp đạt trên 100.000 tấn/năm, và tổng lượng xuất của 6 doanh nghiệp này đạt 1,96 triệu tấn, chiếm 61% trong tổng lượng xuất của cả ngành.

Trong khi đó, có 40 doanh nghiệp (chiếm 54% trong tổng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu) có lượng xuất rất nhỏ, dưới 10.000 tấn/doanh nghiệp, với tổng lượng xuất của 40 doanh nghiệp này chiếm 2% trong tổng lượng xuất khẩu.

Xuất khẩu viên nén trong 8 tháng năm 2021
Xuất khẩu viên nén trong 8 tháng năm 2021

TS. Phúc cho rằng, ngành viên nén còn dư địa để phát triển nhanh trong nhiều năm tới.

Thứ nhất, nhu cầu tiêu thụ viên nén tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, lượng viên nén tại thị trường này sẽ có thể mở rộng gấp 3 lần cho tới năm 2024-2025 so với hiện nay.

Thứ hai, ngành có tiềm năng trong việc nâng cao tỷ trọng sản phẩm có chứng chỉ FSC, điều này có thể đạt được thông qua hình thức hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các hộ trồng rừng để tạo nguồn gỗ chứng chỉ.

Đồng tình với nhận định trên, ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty SMART WOOD VIET NAM JSC, chia sẻ thêm chúng tôi là một trong những doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Đến năm 2023 một loạt các dự án nhiệt điện ở nước Nhật đi vào hoạt đông sử dụng 100% viên nén.

Giá trị xuất khẩu viên nén theo thị trường từ năm 2018 đến nay
Giá trị xuất khẩu viên nén theo thị trường từ năm 2018 đến nay

Dự báo đến năm 2023 nhu cầu viên nén của Hàn Quốc khoảng 4,5 triệu tấn/năm; Nhật bản 5 triệu tấn/năm. Như vậy, thị trường cho xuất khẩu viên nén sẽ còn rộng mở.

NGÀNH VIÊN NÉN CẦN CÓ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

Tuy nhiên ông Tùng nêu vấn đề, hiện giá viên nén xuất khẩu của Việt Nam thấp, có thể nói là thấp nhất khu vực Đông Nam Á, không phải vì cung vượt cầu, mà vì các doanh nghiệp Việt Nam không đoàn kết.

Hiện giá xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc thấp là bởi thị trường này áp dụng cơ chế đấu giá khi mua sản phẩm, với các doanh nghiệp chào mức giá thấp nhận được các hợp đồng cung sản phẩm.

"Sau khi nhận được các hợp đồng này, các doanh nghiệp quay trở lại các nhà sản xuất tại Việt Nam và đẩy mức giá sản phẩm xuống thấp, nhằm đáp ứng các hợp đồng mà họ đã ký kết với người mua”, ông Tùng phản ánh thực tế.

Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện ở Nhật không mua theo cơ chế đấu giá, mà họ sang Việt Nam thỏa thuận và ký hợp đồng mua trực tiếp từ các doanh nghiệp sản xuất viên nén.

“Nhật họ vào, nghiên cứu rất kỹ các đơn vị cung cấp, mất 3 năm đánh giá rồi sau đó mới ký hợp đồng mua hàng. Họ thường đưa ra hợp đồng trong thời gian 10-15 năm với mức giá cao hơn so với giá Hàn Quốc mua”, ông Tùng thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Anh, chủ một doanh nghiệp sản xuất viên nén ở Nghệ An, cho biết Công ty được Chính quyền Nghệ An quy hoạch 35 nghìn ha rừng trồng của nông dân tại 4 huyện, để liên kết thu mua nguyên liệu.

“Chúng tôi đang cùng với huyện Thanh Chương triển khai cùng các hộ trồng rừng làm chứng chỉ rừng bền vững FSC, cố gắng sẽ có 17.000 ha rừng đạt chứng chỉ FSC trong thời gian tới”, ông Quốc Anh dự tính.

Nguồn nguyên liệu cho sản xuất viên nén chủ yếu là phế phẩm của ngành chế biến gỗ: dăm vụn, vỏ bào, mùn cưa….Do đó, ông Quốc Anh kiến nghị Nhà nước cần có chính sách kiềm chế xuất khẩu dăm gỗ, để có nguyên liệu cho sản xuất viên nén đem lại giá trị gia tăng cao hơn.  

 
"Nếu phát triển như thế này, mà không có quy hoạch ngành, mạnh ông nào ông ấy làm, về lâu dài sẽ dẫn đến xung đột nguồn nguyên liệu".
Ông Vũ Xuân Ban, Giám đốc Công ty WelHunt.

Bổ sung thêm, ông Vũ Xuân Ban, Giám đốc Công ty WelHunt ở tỉnh Quảng Ninh cho rằng, hiện nay viên nén sản xuất tại Việt Nam chủ yếu để xuất khẩu, tiêu thụ trong nước rất ít. Các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam đang phải sử dụng lượng than rất lớn, lên tới hàng chục triệu tấn mỗi năm. Nếu các doanh nghiệp chuyển đổi từ công nghệ hơi đốt than sang sử dụng nguyên liệu viên nén, thì dư địa của ngành viên nén sẽ rất lớn.

Ông Ban kiến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước cần quan tâm đến ngành viên nén, cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp với công suất của các nhà máy được xây dựng.

Các doanh nghiệp tham gia tọa đàm đều cho rằng, cần hình thành một tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp ngành sản xuất viên nén. Có thể là chi hội viên trực thuộc Vifores, sẽ trực tiếp góp phần vào việc điều tiết các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành trong tương lai.

Tổ chức đại diện sẽ có vai trò kết nối các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, tạo tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp, điều tiết thị trường đầu ra sản phẩm. Chi hội viên nén sẽ đóng vai trò đầu mối thông tin, cung cấp cho các doanh nghiệp thành viên thông tin về thị trường đầu ra sản phẩm, bao gồm thông tin về nhu cầu và các yêu cầu pháp lý và bền vững về sản phẩm