10:42 31/01/2023

Nghỉ dưỡng xa xỉ ngoài không gian: Giấc mơ sắp thành hiện thực

Băng Sơn

Du lịch vũ trụ đã trở thành sự thật và cơ hội mở sâm panh đón năm mới ngoài Trái đất đang đến gần hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mức giá thuê phòng khách sạn có thể lên tới cả triệu USD…

Dự án trạm vũ trụ Voyager. Ảnh: Architectural Digest
Dự án trạm vũ trụ Voyager. Ảnh: Architectural Digest

Ngày 15/9/2021, tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX bắt đầu sứ mệnh Inspiration4, đưa tàu vũ trụ Crew Dragon gồm 4 hành khách từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, Mỹ lên quỹ đạo không gian. Sau 3 giờ, con tàu đạt đến độ cao hơn 585 km, cao hơn cả Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Có thể nói rằng, tàu Crew Dragon của SpaceX đã thực sự trở thành một khách sạn bay "siêu sang", khi trong tổng thời gian bay kéo dài khoảng 3 ngày, đã cho phép các hành khách được lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác ăn, ngủ, nghỉ. Họ cũng được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ và Trái đất khi nhìn từ không gian qua một mái vòm lăng kính với góc quan sát 360 độ. Những gì SpaceX mang đến cho hành khách trong chuyến bay thậm chí đã vượt qua cả sự tưởng tượng điên rồ nhất mở ra ý tưởng về một mô hình "khách sạn trên vũ trụ", nơi con người được đưa lên để tận hưởng những "tuần trăng mật" ngắn ngày, rồi quay trở lại Trái Đất.

KHÁCH SẠN NGOÀI KHÔNG GIAN ĐẦU TIÊN 

Dự án trạm vũ trụ Voyager tiêu tốn 200 tỷ USD và là khách sạn không gian đầu tiên trên thế giới sẽ trang bị mọi tiện nghi sẵn có trong một khách sạn sang trọng trên trái đất được công bố sẽ bay vào vũ trụ vào năm 2027.

Trạm Vũ trụ Quốc tế đã cho thấy khả năng xây dựng các công trình lớn trên quỹ đạo trái đất và con người có thể sống an toàn và tương đối thoải mái ở đó trong một khoảng thời gian. Còn khách sạn vũ trụ thì sao? “Thử thách chính là nhân tố liên quan tới con người: đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm, không khí và các điều kiện hỗ trợ sự sống khác”, GS khoa học vũ trụ Glenn Lightsey tại ĐH Công nghệ Georgia ở Atlanta cho biết.

Tuy nhiên, ông cho rằng những vấn đề này hoàn toàn có thể vượt qua được. Theo như thông tin từ ArchDaily, Trạm vũ trụ Voyager sẽ chạy bằng năng lượng mặt trời và quay với tốc độ cao để tạo ra trọng lực nhân tạo, giúp cho du khách có một kỳ nghỉ thoải mái. Sau khi hoàn thành, khách sạn không gian này có đủ chỗ cho 280 khách và 112 thành viên phi hành đoàn.

Voyager được trông đợi sẽ mang lại một bầu không khí giống như một khách sạn thực thụ, một cảm giác quen thuộc nhưng đặc biệt, khi du khách có thể ngắm Trái đất từ ngoài không gian. Bánh xe khổng lồ có 24 mô-đun được kết nối với nhau bằng các trục thang máy. Khách sạn này sẽ quay và tạo ra trọng lực nhân tạo. Bằng cách này, các phòng sẽ có vòi hoa sen và thiết bị vệ sinh tương tự như trên Trái đất.

Nghỉ dưỡng xa xỉ ngoài không gian: Giấc mơ sắp thành hiện thực - Ảnh 1
Nghỉ dưỡng xa xỉ ngoài không gian: Giấc mơ sắp thành hiện thực - Ảnh 2
 
Nghỉ dưỡng xa xỉ ngoài không gian: Giấc mơ sắp thành hiện thực - Ảnh 3
Nghỉ dưỡng xa xỉ ngoài không gian: Giấc mơ sắp thành hiện thực - Ảnh 4
 
Nghỉ dưỡng xa xỉ ngoài không gian: Giấc mơ sắp thành hiện thực - Ảnh 5
Nghỉ dưỡng xa xỉ ngoài không gian: Giấc mơ sắp thành hiện thực - Ảnh 6
 

Du khách có thể đặt phòng một tuần trong khu Biệt thự Cao cấp, thuê trong thời gian dài hơn, hoặc mua nếu muốn. Các biệt thự này sẽ có bếp nấu nướng, phòng ngủ và 3 phòng tắm. Khách sạn Suites cũng cung cấp phòng tắm riêng và chỗ ngủ với giá rẻ hơn so với các căn biệt thự. Ngoài việc cho thuê phòng nghỉ dưỡng, Voyager có kế hoạch cung cấp các hoạt động giải trí có một không hai. OAC đang xem xét thực hiện các chuyến đi bộ ngoài không gian và các buổi biểu diễn ca nhạc.

Theo Architectural Digest, một trong những hoạt động thú vị nhất được đề xuất là bóng rổ. Trong khách sạn Voyager, du khách có thể nhảy cao hơn gấp 5 lần, điều này làm cho trò chơi trở nên thú vị hơn. Bên cạnh đó, Voyager có kế hoạch thuê các đầu bếp hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới để chế biến món ăn phục vụ du khách, đặc biệt là "ẩm thực vũ trụ truyền thống" như món kem khô đông lạnh.

Sau khi nguyên mẫu đã sẵn sàng, công ty sẽ phải chi hàng tỷ USD để đưa các mô-đun của Trạm vũ trụ Voyager vào không gian. Công ty có kế hoạch bù lại chi phí xây dựng từ tiền thuê phòng.

 
Theo báo cáo của Travel And Leisure, du khách cần trả 5 triệu USD cho thời gian thuê 3 ngày rưỡi. Mặc dù nghe có vẻ đắt, số tiền trên rẻ hơn nhiều so với khoản phí 55 triệu USD trải nghiệm tại Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

OAC đã bắt đầu nhận đặt phòng cho chuyến đi năm 2027 trên trang web chính thức của công ty.

NHỮNG KHOẢNH KHẮC XA XỈ 

Hợp tác với CNES (Centre National d’Etudes Spatiales), cơ quan không gian của chính phủ Pháp và công ty vũ trụ tư nhân của Mỹ Axiom Space, Mumm Cordon Rouge Stellar là sản phẩm của 5 năm phát triển, bao gồm cả thử nghiệm không trọng lực để tạo ra chai rượu sâm panh đầu tiên được thiết kế đặc biệt cho các cuộc du hành trong vũ trụ.

Nếu chuyến đi của bạn trùng đúng vào ngày sinh nhật, hoặc năm mới, làm thế nào để ghi dấu khoảnh khắc này? G.H. Mumm đã dành rất nhiều thời gian và chi phí để phát triển một chai sâm panh có thể sử dụng trong không gian được thiết kế với một nửa là thủy tinh và có thiết bị đóng mở bằng thép không gỉ uốn cong trên phần nút chai.

Các chai sâm panh thông thường không thực sự phù hợp với chế độ không trọng lực. Bản thân rượu sâm panh phản ứng khác nhau với các điều kiện không gian, vì các bong bóng không nổi lên bề mặt và do đó chúng không giải phóng các phân tử hương thơm như ở trái đất, do đó làm thay đổi mùi và hương vị của đồ uống. Vào năm 2017, khi ý tưởng du hành vũ trụ thương mại bắt đầu nhận được sức hút, G.H. Mumm quyết định giải quyết tất cả những vấn đề này.

Nghỉ dưỡng xa xỉ ngoài không gian: Giấc mơ sắp thành hiện thực - Ảnh 7
Nghỉ dưỡng xa xỉ ngoài không gian: Giấc mơ sắp thành hiện thực - Ảnh 8
 

Mặt ngoài của chai có vỏ bảo vệ làm bằng nhôm cấp theo tiêu chuẩn hàng không, G.H. Mumm cũng đã tạo ra một loại sâm panh rất đặc biệt được thiết kế để thưởng thức trong môi trường không trọng lực. Nhà sản xuất rượu chính của công ty, Laurent Fresnet, ủ rượu mùi trong thùng gỗ sồi và sau đó giữ rượu sâm panh thành phẩm trong 5 năm.

Kết quả công trình nghiên cứu của Fresnet là một loại rượu sâm panh táo bạo và thơm ngon hơn, với hương trái cây mạnh hơn và nồng độ axit nhiều hơn so với phiên bản Mumm Cordon Rouge bình thường. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là những hương liệu và hương vị đậm đặc này sẽ cảm thấy ít nồng hơn nhiều khi trải nghiệm trong không gian bên ngoài vũ trụ.

Chiếc chai tương lai chứa những quả cầu sủi bọt nhỏ mà các nhà thám hiểm vũ trụ có thể nuốt xuống khi họ lơ lửng trong môi trường không trọng lực và là bình bọt khí đầu tiên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về không gian do Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) chứng nhận.

Nhà thiết kế Octave de Gaulle cho biết: “Dự án này rất hấp dẫn vì tính chất công nghệ cao và 100% bản sắc Pháp của nó, từ thiết kế đến sản xuất. Nhưng nó cũng rất thú vị bởi vì công nghệ phục vụ một mục đích lớn hơn ở đây: tái hiện lại một thứ nghi lễ mà chúng ta quen thuộc trên Trái đất, tại một nơi mà chúng ta chưa thể thực hiện nó trong thời điểm này”.