09:38 18/01/2023

Công ty trên khắp thế giới đang chạy đua để phát triển dịch vụ taxi bay

Minh Nguyệt

Các chuyên gia nhận định, triển vọng của thị trường taxi bay là hết sức tiềm năng, có thể đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho ngành hàng không trong thập kỷ tới…

Ảnh: Aviation International News
Ảnh: Aviation International News

Giảm lượng ô tô lưu thông trên đường và “đưa mọi người lên bầu trời” đang là mục tiêu mà nhiều hãng vận tải lớn trên khắp thế giới hướng tới. Thời gian gần đây, hàng loạt hãng hàng không thương mại đang tích cực đầu tư cho các công ty khởi nghiệp phát triển taxi bay, với mục đích giúp khách hàng thực hiện những chuyến đến và đi sân bay nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Mới đây nhất, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết, cơ quan này đã nhất trí hợp tác với Văn phòng Hàng không dân dụng Hàn Quốc (KOCA) trong việc phát triển và vận hành dịch vụ taxi hàng không tiên tiến trong tương lai. Theo FAA, 2 nước đã ký một tuyên bố hợp tác và chia sẻ thông tin về các dự án taxi hàng không tiên tiến Advanced Air Mobility (AAM) và hợp tác để thúc đẩy hoạt động giám sát an toàn của các dự án AAM.

Quyền phụ trách FAA Billy Nolen nhấn mạnh: "Việc hợp tác với đối tác quốc tế để tích hợp an toàn các công nghệ mới này sẽ đưa ra phương án vận chuyển hiệu quả, bền vững và hợp lý hơn". Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh các công ty trên khắp thế giới đang chạy đua để phát triển và cuối cùng giành được sự chấp thuận theo quy định để triển khai dịch vụ taxi bay tầm thấp, được biết đến là loại máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng sử dụng động cơ điện (eVTOL).

Dịch vụ này để chở hành khách đến sân bay hoặc trong các chuyến đi ngắn giữa các thành phố, tránh được tình trạng ách tắc giao thông. FAA trước đó đã công bố quan hệ đối tác tương tự với Nhật Bản, Anh, Canada, Australia và New Zealand trong Mạng lưới Cơ quan Hàng không quốc gia (NAAN) để đồng bộ hóa các kế hoạch tích hợp và chứng nhận cho các dự án AAM.

Các công ty trên khắp thế giới đang chạy đua để giành được sự chấp thuận triển khai dịch vụ taxi bay tầm thấp
Các công ty trên khắp thế giới đang chạy đua để giành được sự chấp thuận triển khai dịch vụ taxi bay tầm thấp

Tháng 12/2022, FAA đã ban hành các tiêu chí đủ điều kiện bay mà Hãng Archer Aviation có trụ sở tại bang California cần đáp ứng để mẫu taxi hàng không M001 của công ty này được cấp chứng nhận sử dụng. Công ty hy vọng trở thành hãng đầu tiên được FAA cấp chứng nhận cho loại phương tiện này trong năm nay và hướng tới bắt đầu dịch vụ chở khách vào năm 2024.

Trước đó, hồi cuối tháng 10/2022, hãng hàng không Delta Air Lines thông qua khoản đầu tư trị giá 60 triệu USD cho Joby Aviation, một công ty phát triển loại máy bay cất, hạ cánh thẳng đứng, dự định hoạt động như một dịch vụ taxi hàng không. Ông Ed Bastian, Giám đốc điều hành Delta Air Lines chia sẻ: “Chúng tôi muốn đem đến cho hành khách cơ hội nâng cao trải nghiệm, bằng cách đón và đưa họ ra sân bay với một phương tiện hoàn toàn mới, có thể giúp cắt giảm ít nhất 50% thời gian di chuyển trên đường”.

Không chỉ Delta Air Lines, hãng hàng không United Airlines cũng đang hợp tác với công ty Heart Aerospace, trụ sở tại Thụy Điển, với hy vọng sẽ có những chiếc taxi bay vào năm 2030. Ngoài ra, United Airlines còn đầu tư 15 triệu USD cho Eve Air Mobility để đặt thỏa thuận mua có điều kiện 200 máy bay điện 4 chỗ vào đầu năm 2026. Không đứng ngoài cuộc, một hãng hàng không lớn khác của Mỹ là American Airlines mới đây cũng đầu tư 25 triệu USD vào Vertical Aerospace, công ty có trụ sở tại Anh với đơn đặt hàng 50 máy bay chạy điện loại nhỏ…

 
Nhiều công ty phát triển phương tiện bay cất hạ cánh thẳng đứng chạy điện đang nỗ lực hướng tới mục tiêu giành được chứng nhận thương mại và triển khai dịch vụ vào năm 2024. Trong khi đó, lộ trình của Plana Aero là chế tạo máy bay thử nghiệm năm 2024 và đưa máy bay được chứng nhận đầy đủ vào sản xuất năm 2028.

Tại châu Á, taxi bay của Kencoa Aerospace, công ty sản xuất drone của Hàn Quốc, hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trong một sự kiện trình diễn hàng không đô thị trên đảo Jeju, phía nam của Hàn Quốc, hồi cuối tháng 9/2022, theo CGTN. Taxi bay của Kencoa Aerospace trang bị một chỗ ngồi với sức chở khoảng 100 kg. Phương tiện này chạy bằng điện và có thể di chuyển với tốc độ 80 km/h. Thông qua các chuyến bay thử nghiệm kỹ lưỡng hơn để đảm bảo an toàn, chính quyền tỉnh Jeju sẽ thử mở dịch vụ taxi bay cho khách du lịch ở những khu vực có mật độ dân cư thấp.

Jeju dự định thương mại hóa dịch vụ taxi bay vào năm 2025. Một liên doanh gồm ba tập đoàn đã ký thỏa thuận với tỉnh này để cung cấp dịch vụ hàng không đô thị thương mại. Liên doanh coi Jeju là nơi thử nghiệm lý tưởng cho taxi bay do cơ sở vật chất sân bay tốt và cơ sở hạ tầng giao thông được duy trì tốt. Ngoài Hàn Quốc và Mỹ, Đức, Pháp, Italy và Trung Quốc cũng đã phát triển taxi bay, một số lên kế hoạch thương mại hóa taxi bay từ năm 2024 đến năm 2025. Tháng 4/2022, một sân bay dành cho taxi bay đã mở cửa tại một bãi đỗ xe ở Anh.

Ông Florian Reuter, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ Volocopter của Đức, đơn vị đang phát triển mẫu taxi bay VoloCity, chuyên dành cho chặng ngắn, nhận định, di chuyển trong đô thị là thị trường khổng lồ, trị giá lên tới hơn 10.000 tỷ USD. Volocopter kỳ vọng có thể phục vụ thị trường khoảng 300 tỷ USD vào năm 2035.

Di chuyển trong đô thị là thị trường khổng lồ, trị giá lên tới hơn 10.000 tỷ USD.
Di chuyển trong đô thị là thị trường khổng lồ, trị giá lên tới hơn 10.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, taxi bay cho đến gần đây vẫn đứng trước một rào cản lớn và nghiêm trọng. Không có loại phương tiện nào như vậy đã được các cơ quan quản lý cho phép cất cánh chở theo hành khách. Các nhà chức trách có thể mất nhiều năm để phê duyệt công nghệ mới và chỉ gần đây taxi bay mới có bước nhảy vọt từ lý thuyết thành hiện thực. Các cơ quan quản lý đang kiểm tra mức độ an toàn của những phương tiện này trước khi bật đèn xanh cho hoạt động thương mại.

Các công ty như Volocopter nói rằng đó chỉ là vấn đề thời gian và châu Á sẽ đóng vai trò lớn trong việc sử dụng eVTOL. "Châu Á có sự tập trung các siêu đô thị mà bạn không thấy ở bất kỳ khu vực nào khác", Christian Bauer, giám đốc thương mại của Volocopter, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Theo một nghiên cứu mà Rolls-Royce và công ty tư vấn Roland Berger công bố vào đầu năm nay, với khoảng 82.500 eVTOL chở khách dự kiến sẽ hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2050, khu vực này sẽ chiếm khoảng một nửa thị trường toàn cầu. Nghiên cứu nói rằng thiết bị bay này có thể được sử dụng làm phương tiện đưa đón ở sân bay, cho các chuyến bay du lịch hoặc đi lại liên tỉnh, bay xa tới 250 km trong một lần sạc điện.

Theo ông Bauer, giá vé cho hành khách dự kiến bắt đầu bằng khoảng 40% chi phí làm ra một chiếc trực thăng và mức giá có thể giảm xuống khoảng bằng giá của một chiếc taxi cao cấp trong vòng 5 đến 6 năm. "Điều này khiến bất kỳ ai có đủ tiền mua taxi đều có thể đi Volocopter để thay thế", ông nói, và cho hay dịch vụ của công ty sẽ "rất êm so với trực thăng. Bạn sẽ không nghe thấy tiếng ồn nào cả".