Người hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể tự tìm việc làm mà không cần thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm công
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, thay vì phải trực tiếp thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi hưởng như hiện nay...

Theo quy định tại Điều 52 Luật Việc làm hiện hành, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm, trừ một số trường hợp pháp luật quy định không phải thông báo.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất, trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp đã có sự thay đổi so với quy định hiện nay.
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết liên quan đến nội dung này, có ý kiến cho rằng, trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh, việc người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm, nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, để thông báo về việc tìm kiếm việc làm là không cần thiết.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã chỉnh lý theo hướng trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, thuận lợi cho người lao động.
Góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, dự thảo luật quy định “trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công tại nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp”, chưa phản ánh đúng thực tiễn thị trường lao động hiện nay.
Theo đại biểu, người lao động có thể tìm việc thông qua nhiều kênh khác nhau như mạng xã hội, sàn tuyển dụng trực tuyến, hoặc mối quan hệ cá nhân, mà không cần thông qua trung tâm dịch vụ việc làm công.
“Việc yêu cầu đến khai báo định kỳ gây tốn thời gian, chi phí đi lại, nhất là với người ở vùng sâu, vùng xa, hoặc đang tạm cư tại nơi khác sau khi mất việc. Việc khai báo hằng tháng làm tăng gánh nặng hành chính khiến người lao động có thể e ngại khi thụ hưởng quyền lợi chính đáng”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhìn nhận.
Một vấn đề nữa cũng được đại biểu chỉ ra là hiện nay, hiệu quả hỗ trợ việc làm từ các Trung tâm Dịch vụ việc làm công còn hạn chế, việc yêu cầu khai báo thường xuyên trong khi khả năng giới thiệu việc làm còn thấp, dễ dẫn đến hình thức, thiếu thiết thực.
Bên cạnh đó, nước ta đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương về tăng cường chuyển đổi số, tổ chức triển khai cung cấp các dịch vụ hành chính công qua môi trường điện tử, vì vậy đại biểu cho rằng việc đến trực tiếp để nộp hồ sơ và thông báo hằng tháng sẽ không bảo đảm nhất quán về quan điểm và bản chất của công tác chuyển đổi số, thực hiện nền hành chính điện tử.
“Nên cho người lao động thông báo tìm việc qua cổng dịch vụ công trực tuyến, email, ứng dụng di động, hoặc tài khoản định danh điện tử, cũng như khuyến khích kết nối dữ liệu giữa các sàn tuyển dụng uy tín và cơ quan bảo hiểm để cập nhật tự động hóa quá trình tìm việc.
Đồng thời, nên chuyển trọng tâm từ việc bắt buộc khai báo sang tăng cường hỗ trợ thực chất như tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo kỹ năng và áp dụng linh hoạt, tần suất khai báo với người lao động ở vùng khó khăn, hoặc không có điều kiện truy cập công nghệ thông tin sẽ phù hợp hơn”, nữ đại biểu tỉnh Bình Dương góp ý.
Liên quan đến khai báo việc làm của người lao động, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật cũng cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định người lao động, đơn vị sử dụng lao động không cung cấp được hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc làm của người lao động nghỉ việc, thì căn cứ dữ liệu tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động để xác định thời điểm có việc làm mới.
Song theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cung cấp hồ sơ, giấy tờ của người lao động thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động, và đã có các quy định về chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về vấn đề này.
Dữ liệu tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cũng phải căn cứ trên hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc của người lao động. Do đó, không thể dùng dữ liệu này để xác định thời điểm có việc làm mới của người lao động.