18:00 31/05/2022

Người lao động sau đại dịch: Cần được tiếp thêm giải pháp hỗ trợ

Lý Hà

Cuộc khảo sát mới đây của Chương trình “Đầu tư vào phụ nữ“ (Investing in Women) đã phần nào cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 tới cuộc sống của những người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân, từ sức khỏe, tinh thần, chăm sóc gia đình đến việc làm, năng suất lao động, tài chính của họ. Khảo sát được thực hiện trên 600 người, trong đó một nửa là nữ giới...

Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến lao động Việt Nam, tháng 2/2022.
Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến lao động Việt Nam, tháng 2/2022.

“Đầu tư vào phụ nữ” (IW) là chương trình từ sáng kiến của Chính phủ Australia nhằm cải thiện sự tham gia kinh tế của phụ nữ, thúc đẩy trao quyền kinh tế của phụ nữ ở Đông Nam Á. Khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam – 2022 do Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) và IW thực hiện các đợt vào tháng 5/2020, tháng 12/2020 và tháng 2/2022.

GẦN 50% NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ GIẢM THU NHẬP

Báo cáo của WBCWE và IW cho thấy hơn 2/3 số người lao động tham gia khảo sát (68%) đồng ý đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến người lao động nữ nhiều hơn. Điều này là khá rõ khi phụ nữ phải gánh vác nhiều trách nhiệm chăm sóc gia đình hơn khi bị cách ly ở nhà. Còn về tâm trạng mệt mỏi và căng thẳng do Covid-19 thì gần như toàn bộ người được khảo sát đều cảm thấy như vậy và con số này cao hơn trong cộng đồng người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, khảo sát đã đưa ra một kết quả về ảnh hưởng sức khỏe rất đáng lo ngại. Đó là, hơn một nửa số nhân viên gặp các thách thức về sức khỏe tâm thần cũng như sức khỏe về thể chất và họ có xu hướng cân nhắc đến việc cắt giảm thời gian làm việc của mình. Hơn một phần ba số nhân viên bị các tác động tiêu cực đến sức khỏe, dẫn đến năng suất lao động thấp hơn.

Có tới 51% số người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực về phương diện sức khỏe tâm thần và họ đang cân nhắc cắt giảm thời gian làm việc cũng như trách nhiệm. Trong khi chỉ 17% số người lao động không phải đối mặt với những thách thức đó. Tương tự, 59% người lao động phải đối mặt với các thách thức về sức khỏe thể chất cho biết họ đang cân nhắc giảm bớt công việc, trong khi chỉ 26% người lao động không phải chịu các tác động tiêu cực đó.

Một vấn đề rất đáng được lưu ý mà khảo sát chỉ ra là 32 % người lao động gặp những thách thức về sức khỏe tâm thần có nhiều khả năng làm việc kém hiệu quả hơn. Trong khi chỉ có 1% trả lời không. Về sức khỏe thể chất, có 39% cho rằng ảnh hưởng đến năng suất lao động trong khi chỉ có 10% trả lời không.

Khảo sát cũng cho thấy, ảnh hưởng đến tài chính của người lao động, với một phần ba số người được hỏi chịu tác động này và họ coi đây là thách thức phổ biến nhất gây ra bởi Covid-19. Mối lo này là kết quả của những tác động hữu hình đối với nhiều người, cụ thể có tới 52% nhân viên bị giảm thu nhập trong năm 2020 và 48% nhân viên bị giảm thu nhập trong năm 2021.

87% LÀM VIỆC TẠI NHÀ GIẢM NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG

Có thể nói rất nhiều các thách thức gây ra bởi Covid-19 liên quan tác động xấu lẫn nhau theo chiều hướng cộng dồn theo kiểu “góp gió thành bão” xấu hơn”. Ví dụ, những lo lắng về vấn đề tài chính, gia tăng trách nhiệm chăm sóc gia đình. Những thách thức về sức khỏe thể chất và chứng trầm cảm đều có thể làm trầm trọng thêm sức khỏe tinh thần. Từ đó ảnh hưởng đến việc làm, năng suất lao động. Điều này như báo cáo đã dẫn: “Tâm trạng lo lắng, cơ sở vật chất không đầy đủ, sự thiếu minh bạch trong công việc, gia tăng trách nhiệm chăm sóc gia đình cũng như việc nhà là những nguyên nhân chính làm giảm năng suất lao động của những người làm việc tại nhà”.

Cơ chế làm việc tại nhà và từ xa vốn là giải pháp để thích nghi cho một số cơ quan, doanh nghiệp trong phòng chống dịch Covid-19. Báo cáo ghi nhận có đến 87% số nhân viên làm việc tại nhà công nhận kém hiệu quả hơn. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm trong năng suất lao động của họ. Tất nhiên vấn đề này liên quan đến việc cơ sở vật chất khi làm việc tại nhà không đầy đủ hoặc sự thiếu rõ ràng trong công việc.

Khoảng 83% cho biết trách nhiệm chăm sóc gia đình cũng như việc nhà đã làm giảm năng suất của họ. Trong khi chỉ 46% số người làm việc tại nơi làm việc ban đầu có câu trả lời tương tự. Nhiều người lao động hiện đang nhận thấy tác động bất lợi của Covid-19 đối với năng suất lao động của họ.

Vào tháng 2/2022, có 29% số người lao động được khảo sát cho biết họ có năng suất lao động thấp hơn, cao hơn đáng kể so với mốc 18% trong cuộc khảo sát vào tháng 12/2020. Những người làm việc tại nhà thường có năng suất thấp hơn những người làm việc tại nơi làm việc ban đầu (53% so với 19%). Trong khi đó, chỉ có khoảng 15% số người lao động làm việc tại nhà cho biết hiện có năng suất làm việc cao hơn. Ngoài ra, hầu hết các nhân viên làm việc tại nơi làm việc ban đầu duy trì được năng suất làm việc vốn có.

Người lao động sau đại dịch: Cần được tiếp thêm giải pháp hỗ trợ - Ảnh 1

Hơn thế, nhân viên làm việc tại nhà chủ yếu là những người tuân theo nhiệm vụ của công ty, nhưng cũng bao gồm một số người tự nguyện làm việc tại nhà. Sự phân chia này có thể giải thích được điểm khác biệt giữa những người lao động có năng suất kém hơn khi làm việc tại nhà và những người làm việc hiệu quả hơn.

Tóm lại, tâm trạng lo lắng, cơ sở vật chất không đầy đủ, sự thiếu minh bạch trong công việc, gia tăng trách nhiệm chăm sóc gia đình cũng như việc nhà là những nguyên nhân chính làm giảm năng suất lao động của những người làm việc tại nhà.

CẦN CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SỨC KHỎE TINH THẦN

Các số liệu khảo sát của WBCWE và IW nói trên phần nào phản ánh thực chất tác động của đại dịch Covid-19 đến người lao động trong suốt thời gian xảy ra đại dịch. Để làm giảm thiểu tác động này đối với người lao động, Nhà nước đã đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ ví dụ như chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/CP…

Nhiều công ty thuộc khối tư nhân cũng đã dựa theo đó để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động, nhất là khi người lao động đề xuất. Về việc làm, khảo sát cũng đã chỉ ra các công ty đã đưa ra các kiểu sắp xếp công việc mới như làm việc tại nhà được ủy quyền, cơ chế làm việc linh hoạt. Quan tâm đến sức khỏe người lao động như tổ chức tiêm vaccine, hỗ trợ đồ bảo hộ lao động… Khảo sát cũng cho biết, tỷ lệ vận dụng các hình thức hỗ trợ khi được đề xuất bởi người sử dụng lao động là rất cao, đặc biệt là cơ chế làm việc linh hoạt, trang bị bảo hộ cá nhân, nghỉ phép có lương, hỗ trợ làm việc tại nhà, xét nghiệm và điều trị Covid-19.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người sử dụng lao động không cung cấp các hình thức hỗ trợ phổ biến này. Đáng tiếc hơn, thay vì 100% chủ doanh nghiệp thực hiện, chỉ có 63% nhân viên được biết về cơ chế làm việc linh hoạt và 67% biết về các chính sách hỗ trợ nghỉ phép. Khảo sát cũng chỉ ra phạm vi tác động của Covid-19 lên người lao động, đặc biệt là trên phương diện sức khỏe tinh thần cũng như những tác động bắt nguồn từ việc phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình là điều đáng quan ngại nhất.

Kết quả khảo sát mong muốn các doanh nghiệp cũng như Nhà nước cần nghiên cứu bổ sung để cung cấp những hình thức hỗ trợ phù hợp và cụ thể, với quyền tiếp cận bình đẳng cho nữ giới và nam giới, bao gồm cả hỗ trợ chăm sóc con cái. Cần đề ra những cơ chế thông tin hai chiều giữa người lao động và chủ sở hữu lao động để nắm bắt kịp thời các biến động, khó khăn, nhu cầu của nhau.