14:10 18/11/2010

Người tố cáo sẽ được bảo vệ như thế nào?

Nguyễn Lê

Nhiều đại biểu cho rằng những quy định bảo vệ người tố cáo tại dự thảo luật còn chung chung và khó khả thi

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Tố cáo.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Tố cáo.
Ai bảo vệ người tố cáo và bảo vệ như thế nào là vấn đề lớn được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng nay (18/11) về dự án Luật Tố cáo.

Theo đại biểu Lê Văn Hưng thì quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố cáo phải bảo vệ bí mật họ tên, địa chỉ người tố cáo thực sự là "bất khả thi”.

Bởi cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố cáo là một tập thể với nhiều bộ phận khác nhau. Việc tố cáo theo dự thảo luật phải qua các khâu tiếp nhận đơn, đơn tố cáo phải có địa chỉ rõ ràng, phải xem xét về thẩm quyền, phải xác minh, phải kết luận, sau đó thông báo và xử lý.

“Nếu cho rằng người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố cáo là người có trách nhiệm phải bảo vệ bí mật đó cho người tố cáo thì họ không thể làm nổi’ đại biểu Hưng khẳng định.

Tuy nhiên, “các quy định về bảo vệ người tố cáo còn khó thi hành hơn nhiều”, đại biểu Hưng so sánh. Vì việc bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, việc làm cho người tố cáo mới được dự thảo luật đề cập tới như một sự liệt kê về đầu việc, mà chưa có cơ sở nào để thực thi từ vấn đề kinh phí, nhân lực và chủ thể thực hiện.

Đồng tình với đại biểu Hưng về sự “bất khả thi” nói trên, đại biểu Phạm Thị Thu Hà lo ngại điều này khiến người tố cáo vẫn rơi vào tình trạng luôn luôn bị áp lực rất cao.

Và đề nghị nên thiết kế lại cơ chế bảo vệ bí mật cho người tố cáo như một nguyên tắc xuyên suốt quá trình tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo. Có như vậy người tố cáo mới sẵn sàng tham gia tố cáo trong tất cả các trường hợp vi phạm pháp luật của các cán bộ, công chức và các cơ quan.

Đặt vấn đề phải tìm câu trả lời sẽ bảo vệ, bảo vệ như thế nào, bảo vệ bằng cách gì đối với người tố cáo tại dự luật này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng không chỉ bảo vệ tính mạng sức khỏe, tài sản của người tố cáo mà trong những trường hợp cần thiết phải bảo vệ cả người thân của họ. Đồng thời cũng cần thiết phải đặt ra bảo vệ cả đối tượng là người cung cấp thông tin cho người tố cáo.

Về người có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, theo đại biểu Thúy trước hết chính là người tiếp nhận tố cáo, rồi đến chính quyền các cấp… chứ không phải chỉ dừng lại ở cơ quan công an.

Cần qui định cụ thể một số biện pháp đặc biệt khẩn cấp tạm thời để áp dụng trong trường hợp cấp thiết nếu không thì "chờ được vạ má đã sưng", đại biểu Thúy đề nghị.

Nhiều ý kiến khác cũng chưa yên tâm với quy định bảo vệ người tố cáo còn chung chung, thiếu khả thi của dự luật

Trưởng ban soạn thảo dự án luật, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền giải thích sẽ cố gắng đưa ra được một chương bao gồm nhiều điều để qui định về việc bảo vệ đối với người tố cáo và xem đây như là một hình thức vừa đảm bảo an toàn, vừa khuyến khích đối với những người tố cáo có trách nhiệm tố cáo là có nội dung tốt, tích cực để phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, cũng như công tác quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, tại dự thảo luật chỉ đưa ra phạm vi để bảo vệ và xác định nguyên tắc bảo vệ. “Ai bảo vệ thì có thể khẳng định chính là tất cả các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ”, ông Truyền nhấn mạnh.

Theo Tổng thanh tra, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về bảo vệ ai, bảo vệ cái gì, bảo vệ như thế nào, ai chịu trách nhiệm, bảo vệ trong những trường hợp nào… để phù hợp với những diễn biến trong các thời điểm cụ thể, các lĩnh vực cụ thể.

Nếu chúng ta đưa vào luật thì chúng ta không thể quy định hết các chi tiết về việc bảo vệ người tố cáo, ông Truyền nói.