Nguy cơ gia tăng dịch bệnh trong chăn nuôi
Năm 2024, mặc dù ngành chăn nuôi thuý đã nỗ lực phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch tăng gần 79%; bệnh lở mồm long móng có số ổ dịch tăng hơn 2 lần và bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch tăng hơn 26% so với năm trước…
Chủ trì hội nghị công tác lĩnh vực thú y năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 vào chiều 16/12/2024, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Cục Thú y trong năm 2025 phải tiếp tục theo dõi, cập nhật báo cáo tình hình dịch bệnh trên cả nước, nhất là các bệnh nguy hiểm.
DỊCH BỆNH NĂM 2024 VẪN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết trong năm 2024, một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm tăng so với năm 2023. Riêng đối với dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cả nước xảy ra 1.575 ổ dịch, số lợn chết và tiêu hủy là 89.341 con. Hiện nay, cả nước có 71 ổ dịch tại 44 huyện của 18 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch tăng 78,97%, số lợn bị phải tiêu hủy tăng 2,13 lần.
Theo ông Long, năm 2024, thực hiện nhiệm vụ giám sát sự biến đổi của vi rút dịch tả lợn châu Phi, kết quả giải trình tự gen cho thấy 60% các chủng vi rút thu thập từ các tỉnh miền Bắc năm 2024 mang cả gen B646L (p72) và E183(p54) thuộc genotype II và 40% các chủng còn lại có gen với B646L (P72) thuộc genotype I và E183L(P54) thuộc genotype II. Các chủng dịch tả lợn châu Phi tái tổ hợp này của Việt Nam giống 100% với các chủng dịch tả lợn châu Phi tái tổ hợp xuất hiện ở Trung Quốc năm 2021- 2022, Mogolia năm 2022 và Cameroon năm 2023.
“Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi phòng bệnh cho lợn thịt, nhưng việc quan tâm, sử dụng vaccine còn hạn chế. Trong khi đó, một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Việc tổ chức chống dịch, xử lý, tiêu hủy lợn bệnh gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ lực lượng thú y, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý lợn bệnh”, ông nêu thực tế.
Về bệnh cúm gia cầm, lãnh đạo Cục Thú y cho hay năm 2024, cả nước xảy ra 14 ổ dịch cúm gia cầm tại 9 tỉnh, thành phố; số gia cầm mắc bệnh là 90.673 con, số gia cầm chết và tiêu hủy là 97.999 con. Hiện nay, không có ổ dịch bệnh cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. So với năm trước, số ổ dịch cúm gia cầm năm 2024 giảm 30%, nhưng số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy tăng 2,67 lần.
"Chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, mật độ rất cao, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học... là những nguyên nhân khiến dịch bệnh vật nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp".
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y.
Kết quả giám sát chủ động cúm gia cầm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Hoa Kỳ tài trợ, đã thực hiện xét nghiệm 1.442 mẫu gộp tại 12 tỉnh, thành phố. Kết quả, có 496 mẫu dương tính với Cúm A (34,4%), 45 mẫu dương tính với Cúm gia cầm A/H5N1 (3,12%) tại 6 tỉnh và 1 mẫu dương tính với Cúm gia cầm A/H5N6 (0,07%) tại 1 tỉnh.
Đối với bệnh lở mồm long móng, ông Long cho biết năm 2024, cả nước đã xảy ra 72 ổ dịch lở mồm long móng tại 20 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 2.240 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 163 con.
Hiện nay, cả nước chỉ còn 1 ổ dịch lở mồm long móng tại tỉnh Bắc Kạn chưa qua 21 ngày. So sánh với năm 2023, số tỉnh bị dịch bệnh lở mồm long móng năm nay tăng 6 tỉnh, số ổ dịch tăng 2,48 lần, số gia súc mắc bệnh buộc tiêu hủy tăng 2,18 lần.
“Nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng tái phát và phát sinh là rất cao, do một số địa phương chưa triển khai tiêm phòng triệt để vaccine phòng bệnh lở mồm long móng đàn gia súc mới, đàn gia súc đã hết miễn dịch. Vi rút lở mồm long móng tồn tại lâu ngoài môi trường, đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ”, lãnh đạo Cục Thú y cảnh báo.
TĂNG CƯỜNG KIỂM DỊCH, XÂY DỰNG VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH
Đối với công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, trong năm 2024, Cục Thú y đã tiếp nhận gần 158.000 hồ sơ (tăng 124% so với năm 2023); trong đó trực tuyến trên 126.000 hồ sơ (chiếm 81%), trực tiếp và dịch vụ bưu chính hơn 29.000 hồ sơ (chiếm 19%), số hồ sơ từ năm 2023 chuyển sang khoảng 1.200 hồ sơ. Đến nay, đã giải quyết 155.000 hồ sơ; trong đó, giải quyết trước hạn: gần 3.700 hồ sơ (chiếm 2,4%), đúng hạn: trên 149.000 hồ sơ (chiếm 96,6%), quá hạn hơn 1.600 hồ sơ (chiếm 1%). Hiện còn gần 3.000 hồ sơ đang giải quyết.
Trong năm 2024, Cục Thú y đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và phát triển thêm các hợp phần báo cáo dịch bệnh gia súc, gia cầm trên Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS). Bên cạnh đó, tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc các địa phương báo cáo dịch bệnh động vật thông qua Hệ thống VAHIS, bảo đảm nhanh, chính xác, liên tục, tiết kiệm 95% thời gian so với trước đây.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định thú y là lĩnh vực đặc thù, bất kể năm nào cũng có vấn đề, sự cố ví dụ như dịch tả lợn châu Phi, dịch tai xanh, dịch cúm gia cầm, dịch viêm da nổi cục… Trong năm 2024, nổi bật là một số vấn đề như chủng lai của dịch tả lợn châu Phi, sự cố vaccine viêm da nổi cục tại Lâm Đồng…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thú y trong năm 2025, phải tiếp tục theo dõi, cập nhật báo cáo tình hình dịch bệnh trên cả nước, nhất là các bệnh nguy hiểm. Cùng với đó, đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện 5 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định.
"Cần tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới".
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Thú y tiếp tục duy trì, làm tốt công tác cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Một vấn đề quan trọng nữa đối với ngành thú y là xây dựng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo cần tập trung vào khu vực Đông Nam bộ, do đây là nơi tập trung nhiều trang trại quy mô lớn, cả về gia súc và gia cầm để phục vụ xuất khẩu. “Cần làm sâu, làm kỹ, làm có hiệu quả ở khu vực này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu tăng cường quản lý trong lĩnh vực giết mổ để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Với thuốc và vaccine, Thứ trưởng lưu ý cần tăng số lượng các đơn vị có chức năng, tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ liên quan, từ đó đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm để không để xảy ra tình trạng chậm trễ.
Đối với vấn đề xuất nhập khẩu, Thứ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, chấn chỉnh công tác này, đặc biệt là phòng chống nhập lậu sản phẩm chăn nuôi. “Chúng ta cần phải làm quyết liệt vấn đề này”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh với Cục Thú y, cùng với đó là đẩy mạnh mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại để tăng cường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.