10:03 24/06/2023

Nhà báo có sứ mệnh: Mang lại giá trị gia tăng cho nông nghiệp

Chu Khôi

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cũng là một nhà báo lâu năm đã chia sẻ, báo chí phải góp phần khiêng “tảng đá” cản bước chân người nông dân...

Phỏng vấn ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phỏng vấn ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thưa Bộ trưởng, ông không chỉ là một chính khách, bộ trưởng mà còn nổi tiếng là nhà báo với bút danh Xích Lô. Xin ông chia sẻ về cái duyên viết báo của mình?

Thuở nhỏ tôi ở cùng mẹ trong chiến khu. Khi chiến khu bị giặc đánh phá, mẹ thấy tôi nhỏ quá nên gửi về ở nhà dì tại Long Xuyên. Nhà dì tôi cũng là một cơ sở cách mạng. Ngày ấy, trong nội thành người ta hay chuyển tài liệu cho nhau bằng cách viết chữ bằng loại mực “tàng hình” lên giấy trắng, rồi kẹp vào tờ báo để trao cho nhau. Khi nhận tài liệu, người ta chỉ cần quét một loại hóa chất lên tờ giấy trắng thì chữ hiện ra. Tôi có điều kiện đọc báo nhiều nên tình yêu với báo chí ngấm vào người lúc nào không hay.

 

"Nhà báo phải biết đặt các câu hỏi từ trong cuộc sống, từ đồng ruộng. Nhiều khi, câu hỏi còn quan trọng hơn là câu trả lời".

Từ khi đi làm và công tác tại Đồng Tháp, mỗi khi nhìn thấy bất cứ vấn đề gì tôi cũng viết thành bài báo, gửi đến các báo. Đã hơn 30 năm nay, tôi trở thành cộng tác viên cho nhiều tờ báo, tạp chí. Mỗi lần đặt bút viết, tôi luôn đứng ở vị thế của người nông dân, nắm bắt cảm xúc của họ và đặt rất nhiều câu hỏi “tại sao”, từ đó tìm hiểu, học hỏi và giải quyết các vấn đề. Chúng ta đang muốn phát triển kinh tế tập thể, nhưng đất đai manh mún nhỏ lẻ thì khó phát triển. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Nhưng đi cùng nhau như thế nào, phải có niềm tin vào nhau, chứ không thể đi cùng nhau mà mỗi người nghĩ một hướng.

Thấy tôi gửi bài cộng tác thường xuyên với bút danh Xích Lô, biên tập viên ở một tạp chí hỏi: “Sao anh nhìn đâu cũng thấy đề tài vậy?”. Tôi nói: “Thật ra mỗi bài báo đều bắt đầu từ những câu hỏi trong cuộc sống”.

Mỗi buổi sáng, khi đi từ nhà đến cơ quan hoặc đi xuống đồng, lội ruộng với bà con, tôi luôn quan sát xung quanh và đặt ra những câu hỏi: tại sao có nông dân giàu và có nông dân nghèo? Tại sao chuỗi giá trị nông sản Việt hay bị đứt gãy? Tại sao chúng ta muốn sử dụng thực phẩm sạch nhưng nông sản chưa thực sự an toàn?... 

Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của báo chí đối với ngành nông nghiệp hiện nay?

Trước đây, chúng ta coi báo chí là một công cụ tuyên truyền một chiều (từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài). Nhưng sau này, báo chí được coi là kênh truyền dẫn thông tin hai chiều; kênh truyền dẫn thông tin từ cuộc sống để dẫn dắt sự điều chỉnh của các nhà lãnh đạo. Nếu kênh truyền dẫn đó bị tắc sẽ là bi kịch của nhà lãnh đạo, bởi họ không còn nghe được tiếng nói từ thực tiễn cuộc sống.

Gần đây, sứ mạng của báo chí tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Báo chí không chỉ là công cụ tuyên truyền, không chỉ là kênh truyền dẫn thông tin mà đã trở thành truyền thông tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ngòi bút của nhà báo, tâm huyết và trí tuệ của nhà báo có thể kích hoạt cả một xã hội, một giai tầng và thay đổi cả một mô thức để hình thành những hệ giá trị cao hơn.

 
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát riển nông thôn.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát riển nông thôn.

"Đối với ngành nông nghiệp, báo chí có thể tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản bằng cách truyền bá những tư duy mới, mô hình mới, cách làm mới. Trước đây, chúng ta coi giá bán (giá trị hữu hình) là giá trị của một sản phẩm. Còn ngày nay, giá trị của sản phẩm được tích hợp cả giá trị hữu hình và giá trị vô hình. Chúng ta không chỉ bán trái nho, trái quýt một cách thuần túy mà bán cả văn hóa của người sản xuất, văn hóa vùng miền, văn hóa địa phương ở trong sản phẩm và bán cả cảm xúc cho người tiêu dùng. Như vậy, nhà báo không phải là người làm kỹ thuật, người đưa tin mà là người mang lại giá trị gia tăng cho nông sản".

Sự đồng hành, nhiệt huyết, đam mê, trách nhiệm trong tuyên truyền của đội ngũ báo chí có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các chiến lược, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn mà các bộ, ngành, trung ương và địa phương đề ra.

Trong cách tuyên truyền, nhà báo đưa đến nông dân những thông điệp cụ thể, trước tiên giúp nông dân phải tự thay đổi, đó là tự tìm hướng đi, nâng cao giá trị nông sản, đó là làm ăn liên kết, mua chung bán chung… Với những cách nhìn mới, những bài báo sẽ gợi mở cho các bộ, ngành, trung ương, địa phương, nông dân sự nhìn nhận và có những quyết sách thay đổi, hỗ trợ phù hợp.

Thời gian gần đây, thông tin về giá vật tư tăng cao, nông sản rớt giá, nông dân thua lỗ… tràn ngập trên báo chí. Là tư lệnh ngành, khi đọc thấy quá nhiều những thông tin như vậy, ông có cảm thấy ngán không?

Nông dân hiện nay có những người cứ ngồi than phiền giá vật tư đầu vào tăng, cửa khẩu ùn tắc, giá nông sản rẻ… và tự mặc định do giá thị trường thế giới, do đứt gãy chuỗi cung ứng… Họ bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực và chấp nhận hiện thực, đánh mất niềm tin, đổ tại “cái số”, đôi khi còn tìm lý do biện minh vì sao không làm.

Nông nghiệp đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Chúng ta có khoảng 14 triệu nông dân, nếu mỗi người đều bị tác động bởi những thông tin tiêu cực hàng ngày, lâu dần họ sẽ thấy mọi khó khăn không phải do mình mà do trời đất, thị trường hay cơ quan quản lý. Từ đó ngồi oán thán, luôn nghĩ mình là người thiệt nhất.

Báo chí hoàn toàn có thể phản ánh, đó là hiện thực khách quan. Nhưng khi đặt bút viết làm sao để khơi gợi, chuyển tải được năng lượng tích cực trong mỗi con người, bà con nông dân mình thấy rằng trong cái khó vẫn tìm thấy được con đường đi, để hiểu được nếu mình tự thay đổi trước, tự nghĩ cách giảm chi phí, tiêu thụ được nông sản thì có thể vượt qua hiện thực khó khăn. Muốn thay đổi nền nông nghiệp phải làm sao giúp cho người nông dân thay đổi trước, bởi người nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tôi cũng muốn chia sẻ với các nhà báo khi tác nghiệp, chúng ta đừng chỉ nhìn vào đám ruộng, bờ ao… mà hãy nhìn vào người nông dân, hãy so sánh người nông dân ở chỗ này ở chỗ khác. Lý giải tại sao có những người trong cũng trong một điều kiện như nhau nhưng có người lại giàu có lên, có người lại tụt hậu. Chúng ta cần đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi ấy. Khi người nông dân lo ngại trước khó khăn, thì tức là họ đang bị tảng đá đè lên chân.

Báo chí phải góp phần “khiêng” tảng đá ra khỏi bước chân người nông dân. Tất nhiên chúng ta không chỉ tô hồng, chúng ta vẫn phải ánh hiện thực khách quan nhưng cuối cùng vẫn phải mở một con đường tạo niềm tin xã hội.

Trong thời đại 4.0 hiện nay, người ta nói nhiều về trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo có thể viết báo, mỗi tài khoản mạng xã hội cũng trở thành một nhà báo. Liệu vai trò của nhà báo chính thống có bị lấn át không, thưa ông?

Một câu hỏi chúng ta hay nhắc tới trong thời gian gần đây, đó là trong cuộc Cách mạng 4.0, robot có thể thay thế nhà báo viết bài hay không? Coi chừng có đó. Một người viết báo không có cảm xúc, thì anh ta chính là robot rồi. Ai bảo viết gì thì anh ta viết cái đó, viết để lấy nhuận bút và nhuận bút lập trình người đó viết.

Trong cuộc Cách mạng 4.0, máy móc thay thế con người hay chính con người trở thành máy móc? Chúng ta đừng làm việc như bị ai đó lập trình. Thái độ làm việc hình thành từ ý thức, cảm xúc và lòng trắc ẩn. Nếu không có cảm xúc thì mỗi chúng ta tự biến mình thành robot.

 

"Tuy nhiên, nhà báo sẽ luôn khác biệt so với trí tuệ nhân tạo - robot viết báo, đó là con người luôn có cảm xúc. Mỗi người luôn có trong sâu thẳm những cảm xúc tích cực. Nếu chúng ta thả hồn theo cảm xúc để viết thì chắc chắn bài báo sẽ có “ hồn vía”, có tính sinh động. Nếu không có cảm xúc thì bài viết sẽ khô cứng".

Khi nhà báo cảm thông với người nông dân chân lấm tay bùn, thấu hiểu những vất vả, rủi ro của từng mùa vụ và trân trọng những giọt mồ hôi, nước mắt rơi trên gương mặt người nông dân, chắc chắn cảm xúc của câu chuyện sẽ được đẩy lên cao trào. Anh ta sẽ đặt mình vào tâm thế của người nông dân, nói lên nỗi lòng của nông dân. Sứ mệnh của “báo chí xây dựng”, của “báo chí giải pháp” là gạn lọc những điều tiêu cực, khơi gợi những giá trị tốt đẹp, tử tế, để mỗi người lạc quan hơn, dù cuộc sống luôn bộn bề những khó khăn, nghịch cảnh.

Khi nhà báo mở rộng không gian tri thức, nội dung trong bài viết sẽ phong phú hơn, nhìn vấn đề đa chiều hơn, sâu sắc hơn. Nhà báo cũng cần phải hiểu được cảm xúc của độc giả, hiểu được bạn đọc đang nghĩ gì và họ sẽ đón nhận, chuyển hóa như thế nào trong hoạt động của mình. Đó mới là sứ mạng của nhà báo chứ không phải chúng ta chỉ xuống nhìn ngắm, tường thuật lại và đưa tin. Trong phần cuối của mỗi bài báo, chúng ta phải gợi vấn đề gì, phải kích hoạt làm sao để bạn đọc cùng suy nghĩ, từ đó làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Nhà báo có sứ mệnh: Mang lại giá trị gia tăng cho nông nghiệp - Ảnh 1