10:06 27/11/2009

Nhận lao động khuyết tật: Khuyến khích hay bắt buộc?

Nguyên Bình

Thảo luận tại hội trường, Quốc hội nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Người khuyết tật

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Người khuyết tật.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Người khuyết tật.
Cuối phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Người khuyết tật chiều 26/11, nghị trường hơi lặng đi khi đại biểu Thạch Thị Dân tự giới thiệu “tôi là đại biểu Quốc hội khuyết tật”, trước khi phát biểu “những vấn đề rút ra từ thực tiễn”.

Nhất trí với đa số đại biểu phát biểu trước đó, nữ đại biểu đang sống ở Trà Vinh này bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Người khuyết tật.

Tuy nhiên, đại biểu Dân cho rằng trong dự thảo luật một số quy định vẫn còn mang tính chất chung chung chưa quy định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật. Nguồn lực dành cho công tác bảo vệ chăm sóc người khuyết tật còn quá hạn hẹp và chưa có đủ đội ngũ chăm lo công tác này. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu khi thảo luận tại tổ về dự án luật này.

Về những nội dung cụ thể, vị đại biểu này đề nghị dự luật bổ sung một điều khoản riêng dành cho trẻ em khuyết tật. Vì hiện nay cả nước có khoảng 1,2 triệu trẻ em khuyết tật, trong khi đó các quy định của pháp luật liên quan đến chính sách cho trẻ em khuyết tật nằm rải rác ở nhiều văn bản và thiếu tính cụ thể hoặc được quy định chung với đối tượng người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật.

Liên quan đến phân dạng, phân hạng và cấp giấy chứng nhận khuyết tật, một vấn đề mới của dự án luật so với pháp luật hiện hành, cũng như nhiều đại biểu khác, đại biểu Dân đề nghị trước mắt nên tiến hành phân dạng, phân hạng theo thứ bậc:

Góp ý về quy định quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, đại biểu Dân đề nghị dự thảo luật bổ sung một khoản quy định cụ thể người phụ nữ khuyết tật tùy theo dạng khuyết tật, hạng khuyết tật được hưởng trợ cấp chăm sóc và nuôi con nhỏ trong thời gian 6 tháng đầu lúc mới sinh con,.

Đầu giờ sáng 27/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Người khuyết tật. Đại biểu Lương Phan Cừ dẫn ra nhiều ví dụ các doanh nghiệp đang tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc. Vị đại biểu này cho rằng các cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc tạo điều kiện cho người khuyết tật có việc làm chưa tốt. Vì thế, dự thảo luật cần có những quy định bắt buộc nhận một tỷ lệ lao động nhất định là người khuyết tật;  tạo vốn giải quyết việc làm và khuyến khích các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc.

"Có như vậy mới giúp cho 5,3 triệu người khuyết tật có điều kiện hòa nhập cộng đồng", đại biểu Cừ nói.

Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật vào làm việc có tác dụng lớn hơn là quy định bắt buộc như trong Pháp lệnh về người tàn tật. Tuy nhiên, theo ý kiến khác, quy định khuyến khích như dự thảo Luật là bước lùi vì thực tế nếu không bắt buộc thì doanh nghiệp sẽ không nhận lao động khuyết tật. Có ý kiến lại đề nghị quy định theo hướng khuyến khích kèm theo các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp.

Một số ý kiến lại đề nghị dự thảo Luật vừa phải có quy định bắt buộc đối với những doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật, vừa phải có quỹ tạo việc làm cho họ thông qua việc doanh nghiệp nào chưa nhận đủ số người tàn tật vào làm việc thì đóng một khoản tiền tương ứng, đồng thời vẫn phải có chính sách khuyến khích việc sử dụng người lao động khuyết tật  thì mới đạt mục tiêu tạo việc làm cho người khuyết tật.