13:59 30/07/2024

Nhập khẩu thép cuộn cán nóng tăng “đột biến”, cơ quan điều tra vào cuộc

Huyền Vy

Nhu cầu thép cuộn cán nóng tại Việt Nam hiện ở mức 12 – 13 triệu tấn/năm, trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được tối đa khoảng 9 triệu tấn/năm. Như vậy, sản lượng thiếu hụt sẽ phải nhập khẩu, tuy nhiên sự gia tăng “đột biến” của mặt hàng này đang có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất trong nước…

Lượng thép cán nóng nhập khẩu trong 6 tháng năm 2024 đã bằng 173% so với sản xuất trong nước. Ảnh minh họa.
Lượng thép cán nóng nhập khẩu trong 6 tháng năm 2024 đã bằng 173% so với sản xuất trong nước. Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HCR), bằng 151% sản xuất trong nước, trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.

Tính chung 6 tháng năm 2024, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Kim ngạch nhập khẩu thép HRC 6 tháng năm 2024 đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc có giá bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45 - 108 USD/tấn.

Nhìn vào thực trạng nhập khẩu HRC, một số chuyên gia trong ngành thép cho rằng dù Việt Nam đã sản xuất được thép HRC nhưng thực tế vẫn không đủ để đáp ứng cho nhu cầu trong nước, vì vậy việc phải nhập khẩu là đương nhiên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mặt hàng này có xu hướng tràn trong nước vào với số lượng lớn và có dấu hiệu bán dưới giá thành thì cần phải xem xét, bởi sẽ tác động tới ngành sản xuất trong nước, và nguy cơ xa hơn là mất thị trường.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thép HRC tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất thép HRC trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn. Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập khẩu có thời điểm gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép HCR của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu. Thị phần bán hàng thép HRC của doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát và Formosa giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023.

Năm 2023, lượng thép HRC nhập khẩu lên đến 9,6 triệu tấn, gấp 1,5 lần sản xuất trong nước. Trong 6 tháng năm 2024, sản lượng thép HCR nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, chủ yếu từ Trung Quốc, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 173% so với sản xuất trong nước.

Trước hiện tượng gia tăng đột biến của thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương sớm mở cuộc điều tra để làm rõ có hay không hành vi bán phá giá vào Việt Nam, biên độ phá giá bao nhiêu, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước hay không, mức độ ảnh hưởng tới thị trường như thế nào,...qua đó có biện pháp kịp thời để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Liên quan vụ việc này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Hiện các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia đã áp dụng biện pháp phòng vệ với thép HCR Trung Quốc. Lượng sản xuất của Thái Lan, Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 65% nhu cầu tiêu thụ mà từ 2019 hai quốc gia này đã có thuế chống bán phá giá bên cạnh thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đang duy trì.

Trong khi đó, năng lực sản xuất HRC của Việt Nam hiện đã đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ (8,5/12 triệu tấn) và hiện nay không có thuế nhập khẩu MFN và chưa có hàng rào thuế quan nào khác để bảo vệ sản xuất trong nước. Chính điều này đã khiến Việt Nam trở thành chỗ trũng cho hàng nhập khẩu.

Nhằm sớm có biện pháp can thiệp và phòng vệ kịp thời để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985⁄QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HCR có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc đối với 28 mã phân loại hàng hoá nhập khẩu.

Nhập khẩu thép cuộn cán nóng tăng “đột biến”, cơ quan điều tra vào cuộc - Ảnh 1

Cụ thể, các mã HS 7208.25.00, 7208.26.00, 7208.27.19, 7208.27.99, 7208.36.00, 7208.37.00, 7208.38.00, 7208.39.20, 7208.39.40, 7208.39.90, 7208.51.00, 7208.52.00, 7208.53.00, 7208.54.90, 7208.90.90, 7211.14.15, 7211.14.16, 7211.14.19, 7211.19.13, 72.11.19.19, 7211.90.12, 7211.90.19, 7225.30.90, 7225.99.90, 7226.91.10, 7226.91.90, 7226.99.19, 7226.99.99.

Quyết định điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu do các công ty sản xuất trong nước nộp theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương cáo buộc các nhà sản xuất thép HCR từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Căn cứ quyết định điều tra, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá hành vi bán phá giá là từ 1/7/2023 đến 30/6/2024, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước là 03 năm, từ 1/7/2021 đến 30/6/2024.

Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá: (i) mức độ bán phá giá; (ii) thiệt hại của ngành sản xuất thép cán nóng trong nước; và (iii) mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Cơ quan điều tra khuyến khích các bên liên quan hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác theo yêu cầu của Cơ quan điều tra để bảo đảm quyền lợi của mình.

Cơ quan điều tra sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc. Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 12 tháng kể từ khi có quyết định điều tra (ngày 26/7/2024). Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng.

Hiện nay, các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt chống bán phá giá là công cụ hợp pháp để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá hay bán những sản phẩm được trợ cấp bởi Chính phủ nước xuất khẩu. Vì vậy, Nhà nước có thể thiết kế một khung khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi công cụ phòng vệ thương mại một cách hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với WTO để các doanh nghiệp sản xuất nội địa có thể sử dụng thuận lợi, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định.