07:29 15/07/2024

Dựng “hàng rào phòng vệ” để ngăn thép nhập khẩu

Vũ Khuê

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam đã lên tới hơn 8,225 triệu tấn; riêng thép cuộn cán nóng (HCR) gần 6 triệu tấn. Trong khi đó, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đang dư thừa. Vì vậy, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là giải pháp cấp thiết để bảo vệ ngành thép trong nước...

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng nhập khẩu thép cuộn cán nóng bằng 173% so với năng lực sản xuất trong nước. Ảnh minh họa.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng nhập khẩu thép cuộn cán nóng bằng 173% so với năng lực sản xuất trong nước. Ảnh minh họa.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 6,493 triệu tấn thép các loại, trị giá hơn 4,777 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và tăng 12,2 về trị giá. 

Từ chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 8,225 triệu tấn thép các loại, với trị giá hơn 5,969 tỷ USD, tăng 48% về lượng và tăng 25,4% về trị giá. Trong đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới hơn 70%. Như vậy, đây là lần đầu tiên số lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm lớn nhất từ trước đến nay.

“KHÓ CHỒNG KHÓ”

Riêng thép cuộn cán nóng (HCR), tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn, bằng 151% sản xuất trong  nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép cuộn cán nóng lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong  nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%.

Điều đáng nói, hiện nay năng lực sản xuất thép của doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, thậm chí dư thừa công suất.

Tính toán cho thấy mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 250.000 tấn thép không gỉ, trong đó có hơn 115.000 tấn (khoảng 45%) là từ các doanh nghiệp nội địa bán ra, còn lại nhập khẩu 135.000 tấn (khoảng 55%). Trong khi đó, chỉ tính công suất của 4 nhà sản xuất hàng đầu tại Việt Nam, sản lượng đã đạt hơn 800.000 tấn/năm, gấp hơn 3 lần so với tổng tiêu thụ nội địa.

Hơn nữa, ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khi kinh tế suy thoái, cục diện chiến tranh thương mại đang diễn ra gay gắt. Nhất là tình trạng dư thừa công suất sản xuất thép của Trung Quốc, tạo ra áp lực lớn đối với ngành thép toàn thế giới nói chung và đặc biệt là nước láng giềng Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn.

Đơn cử, sản lượng thép không gỉ toàn thế giới hiện nay khoảng 50 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng của Trung Quốc là 36 triệu tấn/năm. Riêng các tỉnh miền Nam Trung Quốc (gần Việt Nam), sản lượng khoảng 10 triệu tấn/năm. Hiện nay, Việt Nam đang là 1 trong 10 quốc gia xuất khẩu thép không gỉ lớn nhất của Trung Quốc (gồm Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Thái Lan….).

Không chỉ áp lực trước làn sóng nhập khẩu thép ồ ạt vào trong nước, các doanh nghiệp thép Việt Nam phải đối mặt với các rào cản thương mại do các nước nhập khẩu dựng lên để bảo vệ thị trường nội địa của nước họ, như: Thái Lan (thuế 310,74%), Malaysia (thuế từ 7,81%-23,845), Thổ Nhỹ Kỳ (19,64%-25%), Hoa Kỳ (16,24%)… Một số mặt hàng thép không gỉ xuất khẩu của Việt Nam đang bị điều tra tại Ấn Độ và Liên minh Châu Âu.

LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ NGÀNH THÉP?

Để doanh nghiệp thép giữ vững thị trường nội địa, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng lực sản xuất cũng như tiêu thụ, cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc bảo vệ thị trường nội địa trước làn sóng nhập siêu thép đổ bộ vào Việt Nam.

Hiện nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada và Brazil đã đưa ra các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc. Nếu Việt Nam không có hàng rào bảo vệ thì rủi ro với ngành thép là rất lớn.

TS.Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt chống bán phá giá là công cụ hợp pháp để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá hay bán những sản phẩm được trợ cấp bởi Chính phủ nước xuất khẩu.

“Nhà nước có thể thiết kế một khung khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi công cụ phòng vệ thương mại một cách hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với WTO để làm sao các doanh nghiệp sản xuất nội địa có thể sử dụng một cách thuận lợi, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định”, bà Trang đề xuất.

Ở góc độ thị trường, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, phục vụ các dự án trọng điểm cấp bách của Nhà nước, như Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối… Các dự án này có nhu cầu thép cấu kiện, thép hình là rất lớn.

Theo tính toán, trung bình mỗi vị trí khoảng 100 tấn thép/cột và 70 tấn thép/móng. Dự án này có 1.177 vị trí móng cột thép. Như vậy, lượng thép cần cung cấp cho dự án là rất lớn. Nếu không có nguồn cung nội địa đủ sức đáp ứng, mà chỉ phụ thuộc vào thép nhập khẩu thì thời gian làm thủ tục kéo dài, vận chuyển quãng đường xa… có thể làm trì hoãn tiến độ của Nhà nước đặt ra.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định ngành thép là ngành đầu vào cực kỳ quan trọng của kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh. Bản thân sự phát triển của ngành thép cũng là một ngành kinh tế. Không chỉ Việt Nam, tất cả các nước đều có sự nhìn nhận về vai trò của ngành thép là giống nhau. Chính vì sự quan trọng đó, thép cũng là nguyên nhân của các chính sách phòng vệ và bảo hộ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Trước thực trạng “bấp bênh” cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật… nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.

VSA cũng kiến nghị Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.