12:58 05/04/2024

Nhập khẩu vàng cần “liệu cơm gắp mắm”

Phan Linh

Trả lời phỏng vấn VnEconomy, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc nhập khẩu vàng phải do Ngân hàng Nhà nước cân đối hạn ngạch dựa trên thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối hàng năm để không gây áp lực đối với tỷ giá và các cân đối vĩ mô quan trọng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thưa ông, thời gian gần đây có nhiều ý kiến đề xuất xoá độc quyền sản xuất vàng miếng SJC để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC với các loại vàng khác, cũng như giữa giá vàng SJC so với giá quốc tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Cách đây 12 năm, mặc dù vẫn có chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nhưng cũng phải thừa nhận rằng sự chênh lệch này không quá lớn so với hiện nay tính cả về giá trị tương đối lẫn tuyệt đối.

Dữ liệu giá vàng trong nước và thế giới cho thấy chênh lệch chỉ thực sự biến động mạnh trong vài năm trở lại đây và có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc vàng đang đi vào xu hướng tăng giá trong trung hạn và làm gia tăng đột biến nhu cầu về vàng trong khi nguồn cung trong nước không tăng là nguyên nhân chính dẫn đến yếu tố trên.

Do đó, việc phá bỏ độc quyền có thể là một giải pháp để chuyển thị trường từ độc quyền sang cạnh tranh, khi có nhiều người bán hơn, nguồn cung dồi dào hơn thì giá có thể giảm.

Tuy nhiên, cũng cần chú ý là nếu thị trường từ độc quyền chuyển sang độc quyền nhóm, tức chỉ một số doanh nghiệp được phép kinh doanh và phân phối vàng miếng thì cấu trúc thị trường cũng sẽ không thay đổi quá nhiều khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn có thể thống nhất giá với nhau để cùng có lợi chung. Nên đây có thể là giải pháp làm hạ nhiệt giá vàng nhưng chưa hẳn là giải pháp tốt nhất.

Bên cạnh đó, việc phá bỏ độc quyền vàng miếng cũng cần đi đôi với việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trở lại, vì nhu cầu vàng trong nước tăng cao trong khi nguồn cung trong nước không nhiều nên không nhập khẩu vàng thì cũng sẽ khó có nguồn để sản xuất vàng miếng, và các nhà vàng vẫn sẽ ưu tiên sản xuất vàng trang sức có lợi nhuận cao hơn.

Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay, việc nhập khẩu vàng tác động thế nào đến cung – cầu ngoại tệ và tỷ giá, thưa ông?

Theo tôi, đây là cách để bình ổn thị trường nhanh nhất và hạn chế được tình trạng nhập lậu vàng đang rất nhức nhối hiện nay, cũng như làm cho tỷ giá thị trường "chợ đen' trong thời gian qua luôn nóng sốt và cao hơn so với tỷ giá trong ngân hàng.

Tuy nhiên việc nhập khẩu vàng cần nhập khẩu theo quota (hạn ngạch), tức Ngân hàng Nhà nước sẽ cân đối dựa trên thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối hàng năm để cấp hạn mức nhập khẩu vàng phù hợp, tránh việc dùng nguồn lực ngoại tệ quá lớn cho việc nhập khẩu vàng có thể ảnh hưởng đến cán cân thanh toán cũng như tỷ giá của Việt Nam. Cũng như cần chắt chiu lượng dự trữ ngoại hối hiện tại để ưu tiên cho các việc quan trọng hơn là bình ổn giá vàng, một sản phẩm không thiết yếu và không hỗ trợ gì nhiều cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nếu không muốn nói là rào cản trong việc huy động nguồn lực trong nền kinh tế cho tăng trưởng.

Liệu Nhà nước có thể chuyển từ quản lý từ chính sách quản lý bằng hạn ngạch (quota) sang quản lý thông qua thuế xuất nhập khẩu? Nghĩa là nếu Nhà nước không muốn khuyến khích nhập khẩu vàng thì đánh thuế cao và ngược lại, thưa ông? 

 

"Nếu người dân làm bao nhiêu mua vàng bấy nhiêu, thì nguồn vốn đâu để tái đầu tư sản xuất kinh doanh? Lúc đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề nhập siêu và áp lực tỷ giá khi phần lớn ngoại tệ dùng cho việc nhập vàng".

Việc điều hành bằng hạn ngạch hay đánh thuế đều sẽ có hạn chế. Nếu giá nhập chính ngạch quá cao, hoặc hết quota để nhập thì các tiệm vàng trong nước sẽ tiếp tục nhập vàng qua đường tiểu ngạch, và điều này rất khó quản lý. Vừa qua chúng ta thấy chỉ mới phát hiện 1 đường dây buôn lậu vàng thôi mà giá trị đã lên đến 6 tấn vàng, và chắc chắn đó không phải là đường dây duy nhất tại Việt Nam hiện nay. 

Ngoài nhập khẩu vàng vật chất, có ý kiến cho rằng một cách khác để đáp ứng nguồn cung vàng trong nước là phát triển các sản phẩm vàng phi vật chất, mô hình sàn giao dịch vàng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi không thực sự đồng tình với quan điểm này. Trước đây chúng ta cũng đã phải đóng các sàn vàng tài khoản bởi những hệ lụy của nó đối với xã hội, cơ bản nó chính là một sòng bạc nơi mọi người cá cược với nhau giá vàng tăng hay giảm và với đòn bẩy cực lớn, người thắng thì ít và người thắng cuối cùng chắc hẳn cũng sẽ là nhà cái, chủ sàn vàng ảo hay vàng tài khoản.

Do vậy, nếu có xây dựng sàn vàng thì nó phải là sàn vàng vật chất thực sự, có giao nhận vàng. Việc xây dựng sàn vàng có thể giúp tránh tình trạng độc quyền cũng như lũng đoạn giá vàng như hiện nay. Nhưng không nên cho phép giao dịch vàng tài khoản vì nó có thể biến các sàn vàng này thành những nơi cá cược đúng nghĩa đen. Và khiến nguồn lực kinh tế chảy vào vàng và những trò đỏ đen thay vì vào nền kinh tế thực. 

Theo ông, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức nào là phù hợp? Làm thế nào để duy trì được mức chênh lệch hợp lý này trong dài hạn?

Theo tôi, chênh lệch khoảng vài triệu đồng như trước đây là phù hợp, tức giá vàng thế giới cộng thêm thuế phí và chi phí vận chuyển và một phần lời cho nhà kinh doanh vàng.

Để chênh lệch giá vàng thấp trong dài hạn thì cần xóa bỏ độc quyền, cho phép nhập khẩu vàng theo quota và nghiên cứu xây dựng sàn vàng vật chất để tránh tình trạng lũng đoạn và chi phối giá vàng trong nước.

Chúng ta cần phải vừa dung hòa và bình ổn thị trường vàng những cũng vẫn phải kìm hãm thị trường này để nó không trở nên quá phổ biến, vì vàng hóa nền kinh tế không hề tốt cho tăng trưởng kinh tế.

Nhiều người nói giao dịch vàng là tiền vẫn trong nền kinh tế khi người này chuyển nhượng cho người kia, và tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Điều đó chỉ đúng đối với 1 nền kinh tế đóng, còn đối với nền kinh tế mở như Việt Nam, với nhu cầu vàng lớn thì tiền sẽ chuyển sang ngoại tệ và chảy ra nước ngoài qua những đường tiểu ngạch để vàng lậu vào Việt Nam.

Chính vì thế, nếu người dân làm bao nhiêu mua vàng bấy nhiêu, và nguồn vốn lại tiếp tục chảy ra ngoài thì thử hỏi nguồn vốn đâu để tái đầu tư sản xuất kinh doanh, và lúc đó chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề nhập siêu và áp lực tỷ giá khi phần lớn ngoại tệ phải dùng cho việc nhập vàng.

Do vậy, bên cạnh các giải pháp bình ổn thị trường vàng trong ngắn hạn, về dài hạn, Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp nhằm giảm sức hấp dẫn vàng trong nền kinh tế, loại bỏ vàng ra khỏi lưu thông.

Đây là điều mà các ngân hàng trung ương trên thế giới luôn cố gắng làm để gia tăng tính chủ động và hiệu quả trong chính sách tiền tệ cũng như tận dụng mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước.