19:06 19/06/2021

Nhập siêu 1,35 tỷ USD trong nửa đầu tháng 6, có đáng lo?

Huyền Vy

Trong 15 ngày đầu tháng 6 năm 2021 nhập siêu ghi nhận ở mức 1,35 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6, cả nước nhập siêu gần 2 tỷ USD…

Việc thâm hụt cán cân thương mại là điều không quá bất thường.
Việc thâm hụt cán cân thương mại là điều không quá bất thường.

Theo số liệu sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong 15 ngày đầu tháng 6/2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đạt 25,95 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,3 tỷ USD, giảm gần 2 tỷ USD so với nửa cuối tháng 5/2021.

NHẬP KHẨU TĂNG NHANH HƠN XUẤT KHẨU

Trong nửa đầu tháng 6, có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, nhưng kim ngạch các nhóm hàng chủ lực đều giảm.

Nhập siêu 1,35 tỷ USD trong nửa đầu tháng 6, có đáng lo? - Ảnh 1

Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt hơn 1,96 tỷ USD, giảm khoảng 50 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,06 tỷ USD, giảm mạnh khoảng 800 triệu USD; máy móc thiết bị đạt 1,1 tỷ USD, giảm khoảng 260 triệu USD.

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,65 tỷ USD, giảm gần 800 triệu USD so với nửa cuối tháng 5/2021. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là hai nhóm hàng nhập khẩu lớn với kim ngạch đạt 2,73 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong 15 ngày đầu tháng 6, đã có 6.172 ô tô các loại hoàn thành thủ tục thông quan vào thị trường Việt Nam, với giá trị vượt trên 146 triệu USD, nâng tổng số xe nhập khẩu kể từ đầu năm đến ngày 15/6 lên con số 71.972 xe, với tổng giá trị lên đến hơn 1,65 tỷ USD.

 
Trong 15 ngày đầu tháng 6, số lượng xe du lịch dưới 9 chỗ vẫn chiếm chủ đạo với 4.044 chiếc được nhập về (chiếm 65,6%) với giá trị đạt 79 triệu USD; tiếp đến là các loại ô tô tải với 1.512 xe chiếm 24% số lượng và đạt giá trị hơn 37 triệu USD.

Các công ty sản xuất và lắp ráp xe trong nước đã chi ra hơn 242 triệu USD để nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô trong 15 ngày đầu tháng 6, nâng kim ngạch nhập khẩu từ đầu năm đến ngày 15/6 của ngành này đạt mức hơn 2,398 tỷ USD.

Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước đạt 288,68 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 143,36 tỷ USD, tăng 29,67% so với cùng kỳ năm 2020; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 145,32 tỷ USD, tăng 36%.

Trong 15 ngày đầu tháng 6, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về nhập siêu với mức 1,35 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/6, cả nước nhập siêu 1,96 tỷ USD.

 NHẬP SIÊU CÓ ĐÁNG LO?

Sau nhiều năm liên tiếp duy trì xuất siêu, cán cân thương mại đã chuyển hướng sang nhập siêu. Theo nhận định của các chuyên gia, điều này không đáng lo ngại, bởi nhập siêu chủ yếu do doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất.

Tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng việc Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại là điều không có gì quá bất thường vì hiện nay, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu. Ví dụ như linh kiện điện tử, các nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, da giày là những ngành hiện nay đang có đà phục hồi tăng trưởng rất mạnh mẽ. Do vậy, sự gia tăng nhập khẩu cũng là điều tất yếu.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát ở Việt Nam từ cuối tháng 4/2021, nhiều ngành sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi trở lại như điện tử, điện thoại di động… cũng bị ảnh hưởng phần nào. Tuy nhiên, chỉ một số bộ phận bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng đương nhiên phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện về để sản xuất. Trên thực tế, việc nhập khẩu tăng lên thậm chí còn là tín hiệu đáng mừng chứ không phải đáng lo.

Trong báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.

 
Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về XK bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này.

Đặc biệt, các hiệp định như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Hơn nữa, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vaccine, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước.

Còn trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia hay Thái Lan phải áp đặt phong tỏa và thắt chặt các biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công thương cho biết sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó tập trung tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.