Nhiều doanh nghiệp hồi sinh nhờ “livestream chốt đơn”
Việc bán hàng qua livestream (live-selling) được xem như một trong những xu hướng thương mại điện tử ngày càng phát triển tại châu Á và dần lan rộng sang các nước phương Tây…
Theo South China Morning Post, vào tháng 12/2022, Taobao Live của Alibaba cho biết sẽ thu hút 200.000 người có tầm ảnh hưởng mới và hướng đến 3 triệu lượt truy cập trang web tới hàng nghìn tài khoản trực tuyến mới được lựa chọn. Tại Mỹ, các công ty công nghệ sớm có những động thái đón đầu xu hướng, khi Pinterest ra mắt Pinterest TV vào tháng 10/2021 và YouTube hợp tác với Spotify vào tháng 7/2022, cho phép người bán hàng giới thiệu sản phẩm trên kênh của họ.
Khi bà Sandy Friesen, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Welden, một công ty túi xách ở Mỹ lần đầu tiên tiếp cận với hình thức bán hàng qua livestream, bà không hề nghĩ rằng mình có thể bán 10 chiếc túi Welden chỉ trong một ngày cuối tuần vào năm ngoái trên Taobao Live. Chẳng bao lâu sau, trong một buổi livestream Black Friday, hàng chục nghìn khán giả đã tham gia và nhấp để mua những chiếc túi da đan của thương hiệu Welden. Trong 2 ngày, doanh thu lên tới 350 nghìn đô la (hơn 8,2 tỷ đồng). Giờ đây thương hiệu Welden bán 20% số túi của mình thông qua thị trường livestream.
Có thể nói, Welden là một trong số các doanh nghiệp quốc tế, các nhà bán lẻ thời trang lớn nhỏ phương Tây đã tận dụng thị trường mua sắm livestream đang phát triển nhanh chóng, một cách thức minh họa các tính năng của sản phẩm cho người tiêu dùng theo cách thuyết phục hơn nhiều so với văn bản và hình ảnh thuần túy. Phương pháp tiếp thị này đã phát triển thành một hệ sinh thái tinh vi kết hợp thương mại điện tử và truyền thông xã hội giải trí. Hệ sinh thái này xoay quanh những người nổi tiếng tên tuổi hoặc KOL có sức bán ấn tượng.
Thậm chí, để mở rộng ảnh hưởng sang các nước phương Tây, các doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc đang tìm kiếm nhân sự nói được nhiều ngoại ngữ khác để mở rộng thị trường kinh doanh. Những gian phòng livestream bán hàng của một công ty nhìn bề ngoài cũng giống như bao không gian bán hàng của các streamer tại Trung Quốc. Tuy nhiên ở đây, mỗi nhân viên lại đang nói một ngôn ngữ khác nhau. Từ tiếng Nga, tiếng Pháp cho đến tiếng Tây Ban Nha…
Bà Liu Ling, Giám đốc Công ty phụ kiện thời trang, Chiết Giang, Trung Quốc cho biết: "Trước đây chúng tôi tập trung vào thị trường Anh và Mỹ, nhưng sau đó hai thị trường này trở nên bão hòa, ngày càng có nhiều người nói tiếng Anh livestream. Chúng tôi xem xét nhu cầu và bắt đầu mở rộng thị trường Tây Ban Nha. Hiện nay chúng tôi có 6 tài khoản bán hàng bằng tiếng Tây Ban Nha rồi".
Thống kê cho thấy, trong tuần đầu tiên của tháng ba này, hơn 700 nghìn khách hàng nước ngoài đã theo dõi các chương trình livestream của các công ty Trung Quốc trên các nền tảng thương mại điện tử. Trong năm 2022, các chương trình livestream bằng ngôn ngữ khác, ngoài tiếng Anh, đã tăng 166% so với cùng kỳ 2021. Các streamer nói tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy và cả tiếng Arab đang được săn đón ráo riết trên thị trường lao động tại Trung Quốc thời gian này.
Còn tại Mỹ, thay vì chăm chú nghiền ngẫm danh mục sản phẩm, người tiêu dùng xứ cờ hoa nay xem livestream trên điện thoại và chọn mua món đồ mình cảm thấy ưng ý nhất. Từ quần áo, đồ trang điểm cho đến dụng cụ gia đình, tất cả đều được phát sóng trực tiếp với sự quảng cáo nhiệt tình, chân thực. Hình thức kinh doanh này được kỳ vọng đạt doanh thu 5 tỷ USD trong năm nay và lên mức 25 tỷ USD sau 3 năm nữa, theo dữ liệu từ Coresight Research.
Theo WSJ, Dan Hodges, CEO của tập đoàn tư vấn kinh doanh Consumers in Motion đã liên hệ sự bùng nổ của xu hướng livestream mua sắm với sự thiếu hụt tương tác giữa con người với con người trong mùa dịch. Theo ông, chỉ vài năm tới, các trung tâm thương mại lớn tại Mỹ sẽ bắt kịp xu hướng thời đại, tổ chức các buổi phát sóng trực tiếp để tư vấn mua sắm cho khách hàng.
Chẳng hạn, gần đây, hãng mỹ phẩm e.l.f. Beauty ở bang California đã tổ chức các sự kiện mua sắm trên các nền tảng bao gồm TikTok và Ntwrk - một ứng dụng mua sắm trực tiếp thuộc sở hữu của Commerce Media Holdings. Trong khi đó, thương hiệu mỹ phẩm Chella bắt đầu phát sóng trực tiếp trên Amazon khoảng một năm trước, tập trung vào nội dung hướng dẫn người xem sử dụng các sản phẩm gel dưỡng lông mày, dụng cụ uốn mi và mascara. Trung bình, mỗi video của Chella thu hút 3.000 lượt xem - con số không nhỏ với một thương hiệu tầm trung.
Tại Việt Nam, nhắc đến livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội là phải nhắc tới Phạm Thoại. Nam TikToker ban đầu được biết đến qua những clip bán quần áo nhỏ lẻ, tư vấn khách hàng với phong cách chẳng giống ai, tuy nhiên livestream của anh từng đạt kỷ lục 1,3 triệu người xem cùng lúc. Đầu tháng 1/2023, hot Tiktoker đã lập kỷ lục livestream trên nền tảng TikTok với 3 triệu lượt xem và gần 50.000 đơn hàng trong vòng 12 tiếng phát trực tiếp.
Tuy nhiên mới đây, mạng xã hội Việt đã xuất hiện một kỷ lục livestream mới mang tên Võ Hà Linh. Vốn có lượng fan đông đảo nhờ các clip review từ mỹ phẩm, quần áo đến đồ ăn, tối 15/3 vừa qua, YouTuber sinh năm 1992 này đã lần đầu tiên livestream bán hàng trên TikTok. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, cô đã bán hết sản phẩm của 2 nhà máy và 1 kho hàng. Nhiều người ước tính rằng doanh số bán hàng của buổi livestream này của Hà Linh phải lên đến hơn 20 tỷ đồng - một con số khiến nhiều seller ngưỡng mộ.
Có thể nói, bán hàng online đang thực sự bùng nổ mạnh mẽ trên càng nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram... cùng với đó là các trang thương mại điện tử. Tính tới tháng 9/2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng Internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số) trong cuộc sống hàng ngày. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Theo báo cáo Kinh tế số khu vực Đông Nam Á năm 2021 của Google, Temasek, Bain & Company cho thấy, đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam có thể đạt giá trị 220 tỷ USD.
Dựa trên tiềm năng thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021- 2025 của Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm và chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa bán lẻ trực tuyến đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021.