19:16 29/05/2022

Nhiều doanh nghiệp muốn tiêu thụ vải và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hải Dương

Lý Hà - Tú Anh

Nhiều doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài đều bày tỏ mong muốn hợp tác với tỉnh Hải Dương để tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu…

Ký kết giao thương tiêu thụ vải thiều sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương qua các sàn thương mại điện tử - Ảnh: Việt Tuấn
Ký kết giao thương tiêu thụ vải thiều sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương qua các sàn thương mại điện tử - Ảnh: Việt Tuấn

Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022 do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương kết hợp cùng Bộ Công Thương và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 29/5.

Hội nghị được kết nối từ Trung tâm Văn hóa Xứ Đông tới 43 điểm cầu ở trong nước và hơn 20 điểm cầu tại các nước, vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Australia, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc); và trên 50 điểm cầu nhánh kết nối tham dự hội nghị qua điện thoại, máy tính với khoảng 300 nhà nhập khẩu nước ngoài.

THÚC ĐẨY GIAO THƯƠNG, MỞ RỘNG LIÊN KẾT TRONG TIÊU THỤ SẢN PHẨM

Hội nghị nhằm tạo điều kiện quảng bá và kết nối các doanh nghiệp, siêu thị, các tổ chức trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh liên kết hợp tác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hải Dương tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương và mở rộng liên kết trong tiêu thụ vải và các mặt hàng nông sản của tỉnh với doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: "Hải Dương luôn quan tâm thực hiện công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương để hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh".
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: "Hải Dương luôn quan tâm thực hiện công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương để hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh".

Đây là dịp để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, khẳng định Hải Dương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng, sản lượng cao.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ. Hằng năm, Hải Dương cung ứng ra thị trường khoảng 750 ngàn tấn lúa gạo, 700 ngàn tấn rau, củ các loại, 300 ngàn tấn quả và khoảng 200 ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tổ chức đánh giá và công nhận cho 126 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao và 2 sản phẩm đề nghị 5 sao, dự kiến đến năm 2025, tỉnh có thêm 250-300 sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, Hải Dương có sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Năm 2022, Hải Dương tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha. Ngoài ra có gần 4.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và BasicGAP với sản lượng khoảng 27.000 tấn. Vải Thanh Hà đã đạt nhiều chứng nhận, danh hiệu, giải thưởng như "Chỉ dẫn địa lý", "Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng", "Thương hiệu vàng", “Tinh hoa đặc sản 3 miền”...

Ông Phạm Xuân Thăng khẳng định, Hải Dương luôn quan tâm thực hiện công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương để hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Những năm qua, thông qua hoạt động này, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong tiêu thụ. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore...

DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI MUỐN TÌM KIẾM CƠ HỘI ĐẦU TƯ TẠI VÙNG TRỒNG VẢI

Chia sẻ tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài đều bày tỏ mong muốn hợp tác với tỉnh Hải Dương để tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu. Tại điểm cầu trực tuyến từ Australia, ông John Tryfopolous, Giám đốc Quản lý xuất nhập khẩu hoa quả tươi tập đoàn 4Waysfresh Australia cho biết: Vải thiều Hải Dương được nông dân trồng theo quy trình nghiêm ngặt, quả vải được xử lý qua nhiều công đoạn trước khi xuất sang nước chúng tôi. Với quy trình như vậy, quả vải Hải Dương chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Năm 2021, tập đoàn 4Waysfresh Australia đã đưa hơn 100 tấn vải thiều Việt Nam vào thị trường Australia.

“Không chỉ người châu Á mà người phương Tây rất ưa thích hương vị của quả vải thiều. Năm 2022, tập đoàn kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 200 tấn. Tập đoàn quyết tâm mang ngày càng nhiều trái cây Việt Nam sang Australia và đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các vùng trồng vải của Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng”, ông John Tryfopolous cho hay.

Khai mạc tuần lễ thương mại và du lịch Hải Dương. Ảnh: Việt Tuấn
Khai mạc tuần lễ thương mại và du lịch Hải Dương. Ảnh: Việt Tuấn

Còn theo ông Túc Dược Vân, đại diện Hiệp hội Trái cây tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), năm 2021, ước tính khoảng 10.000 tấn vải thiều của Việt Nam đã được tiêu thụ tại đây. Năm 2022, Hiệp hội sẽ tích cực quảng bá cho các doanh nghiệp nhập khẩu hoa quả về các vùng nguyên liệu của Việt Nam; trong đó có vải thiều ở Hải Dương.

Với thị trường trong nước, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chia sẻ để quả vải thiều Thanh Hà, Hải Dương có chỗ đứng trong kênh bán lẻ và ngày càng nâng cao giá trị, bên cạnh việc coi trọng chỉ đạo sản xuất để đảm bảo chất lượng, Hải Dương cần đầu tư hơn cho khâu sơ chế, đóng gói.

Bà Vũ Thị Hậu cho rằng, Hải Dương cần có trung tâm logistic, cần tập trung nguồn lực cho sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ vào sản xuất và xúc tiến tương mại, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng cần xem xét phối hợp với các trường nghề và các hiệp hội để đào tạo các hộ kinh doanh, các hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.

HẢI DƯƠNG CẦN CÓ CÁI NHÌN TỔNG THỂ VÀ CÁCH LÀM HIỆU QUẢ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định năm 2022, tiêu thụ vải thiều và các nông sản của Hải Dương có nhiều tín hiệu tốt, tuy nhiên, thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Trung Quốc) còn diễn biến khó lường. Ông Đỗ Thắng Hải lưu ý Hải Dương cần có cái nhìn tổng thể, chuẩn bị sẵn tâm thế để có cách làm hiệu quả trong tiêu thụ vải thiều nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung.

Nếu trong trường hợp việc thu mua vải thiều và nông sản bị ảnh hưởng do chính sách về nhập cảnh ở các nước nhập khẩu, tỉnh cần chủ động kết nối doanh nghiệp với các nhà thu mua, trung tâm thương mại, chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước, tổ chức các tuần hàng nông sản ở các tỉnh, thành.

Ông Hải khẳng định: “Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh quảng bá thương hiệu, thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu khác ở thị trường trong nước và nước ngoài”.

Lãnh đạo Bộ cũng đề nghị Hải Dương cần chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong các hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, tăng hiệu quả kết nối cung cầu giữa địa phương với các doanh nghiệp, các nhà bán lẻ, siêu thị, xuất khẩu, giữa trung tâm xúc tiến thương mại với Cục Xúc tiến thương mại và các trung tâm xúc tiến thương mại trong nước; tăng cường dự báo thị trường để hỗ trợ định hướng cho sản xuất và kinh doanh.

Về giải pháp lâu dài, tỉnh cần tập trung hình thành sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi ngành hàng; đẩy mạnh chế biến, nhất là đối với sản phẩm vải quả; mở rộng thị trường mới để chủ động hơn trong tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị Hải Dương tập trung rà soát các quy hoạch, xây dựng định hướng chiến lược xác định vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp xanh, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, tỉnh cần phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; trong đó chú trọng vai trò của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu nông sản; Thực hiện tốt việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, thực hiện chuẩn hóa chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Để nông sản nói chung và vải thiều nói riêng nâng cao giá trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải Dương cần tăng cường khâu bảo quản và chế biến, nhất là chế biến sâu, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản theo thế mạnh của từng địa phương. Tỉnh cũng cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc, ứng dụng chuyển đổi số trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, các hoạt động xúc tiến, gắn với hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh Hải Dương sẽ đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng năng nề của đại dịch Covid-19, nhờ có sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, các tổ chức thương mại trong và ngoài nước, công tác xúc tiến, tiêu thụ quả vải thiều đã đạt được kết quả cao. Giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020.