14:10 20/09/2022

Nhiều khu đô thị mới “bỏ quên” hạ tầng

Thanh Xuân

Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới tại Hà Nội mặc dù đã bàn giao nhà và người mua cũng đã về ở từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo nhiều chuyên gia, việc chủ đầu tư chưa hoàn thiện dự án đúng như quy hoạch là một trong những lý do chính dẫn đến các cuộc tranh chấp, khiếu kiện của người mua nhà lên chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí cả cơ quan công an…

CÔNG VIÊN THỂ THAO BIẾN THÀNH BÃI RÁC

Anh Trần Kỳ, một cư dân tại tòa CT3, Khu đô thị mới Trung Văn, cho biết dự án này được khởi công từ năm 2010 với các khu nhà cao tầng, thấp tầng, biệt thự và khu công viên thể thao. Từ 2012, chủ đầu tư đã bắt đầu bán nhà cho dân về ở, nhưng đến nay (qua gần 10 năm), 6.000m2 đất dự kiến xây dựng 3 tầng hầm đỗ xe, trên là công viên thể thao vẫn chưa được triển khai, hiện đang quây tôn, tạo ra sự nhếch nhác, bẩn thỉu, ô nhiễm giữa khu đô thị. 

“Trước đây, trong khu đất này, chủ đầu tư còn mở lối cho thuê làm quán hàng nhưng cách đây vài năm, quán đã được dẹp bỏ, quây tôn kín 4 mặt. Qua thời gian, khu vực này đã trở thành môi trường cho côn trùng trú ngụ, phát triển và trở thành bãi rác lộ thiên do dân cư quẳng vào...”, anh Kỳ chia sẻ thêm.

Một trường hợp khác là Khu đô thị Nam đường 32, đi vào hoạt động đã lâu nhưng đến nay dù có nhiều cư dân sinh sống, song hệ thống đường sá vẫn chưa hoàn thiện. Bà Vinh, sống tại khu thấp tầng ở khu đô thị này cho biết quanh nhà bà, cứ mưa to là nước ngập bì bõm, phải hàng tuần nước mới rút, mưa nhỏ thì ngập 2-3 ngày, khiến việc đi lại rất bất tiện.

Mới đây, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã kiến nghị tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV với nội dung yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà (HUD) khẩn trương bàn giao cho quận Hoàng Mai những ô đất xây dựng trường học, công tình công cộng ở Khu đô thị Linh Đàm do vẫn chưa được đầu tư theo quy hoạch để quận đưa vào quản lý, phục vụ nhân dân trên địa bàn, nhằm tránh bỏ không, gây lãng phí quỹ đất.

Do phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai chỉ có một trường mầm non công lập duy nhất, không thể đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh, nên cuối tháng 8 vừa qua, hàng trăm phụ huynh trên địa bàn đã phải “chơi trò may rủi” bằng việc bốc thăm giành suất học cho con vào trường Mầm non Hoàng Liệt.

Bà Hường có cháu 3 tuổi đã không bốc trúng dịp này bày tỏ: nhà trường thông báo, năm học 2022-2023, chỉ tiếp nhận được 333 trẻ từ 3-4 tuổi trong khi có tới 718 học sinh đăng ký. Quanh khu vực nhà bà Hường có 17 cháu thuộc diện phải bốc thăm, nhiều gia đình, trong đó có nhà bà đã bốc trượt. Vì vậy, dù gần trường nhưng vẫn phải tìm cho cháu một chỗ học nơi khác. “Sắp tới, gia đình tôi sẽ có thêm hai cháu cùng đến tuổi mầm non mà chưa biết cho cháu học ở đâu”, bà Hường lo lắng.

Việc thiếu cơ sở hạ tầng nói chung đã gây ra những bất tiện không nhỏ cho người dân sinh sống.  Thực tế, trên địa bàn TP.Hà Nội có không ít dự án dù đã được duyệt quy hoạch chi tiết với đầy đủ hạng mục hạ tầng, cảnh quan, kiến trúc, giao thông, trường học, bảo đảm tỷ lệ đất và xây dựng công trình giáo dục phù hợp với quy chuẩn.

Tuy vậy, chủ đầu tư chỉ chú trọng xây căn hộ để bán, “bỏ quên” việc đầu tư công trình công cộng. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều khu đô thị, nhà ở đã cũ nhưng những công trình tiện ích lại chưa được hoàn chỉnh. Không ít cuộc thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện nhưng câu chuyện “treo đầu dê, bán thịt chó” vẫn tiếp diễn.

CẦN CÔNG CỤ GIÁM SÁT VÀ CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH

Nói về tình trạng này, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đợt giám sát của HĐND TP. Hà Nội vừa qua đã chỉ ra hơn 300 dự án khu đô thị không đảm bảo tiến độ cần phải rà soát, khảo sát lại. Theo kế hoạch, hơn 200 dự án cần phải thu hồi nhưng thực chất thu hồi chưa được bao nhiêu. 

Ông Nghiêm nêu quá trình chuẩn bị lập dự án và hồ sơ phê duyệt dự án đều đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, tuy nhiên công tác giám sát thực hiện dự án lại có sự buông lỏng. Điều này thể hiện rõ ở việc phân công, phân cấp chưa hợp lý. Ngoài ra, khi phát hiện vi phạm, công tác xử lý còn lỏng lẻo. Mặc dù Chính phủ đã có quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động xây dựng và TP. Hà Nội đã cụ thể hóa các quy định nhưng trách nhiệm xử lý và giám sát vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Đôi khi đơn vị chịu trách nhiệm, kể cả chính quyền địa phương thấy vấn đề sai phạm, song chưa được phân cấp thẩm quyền xử lý nên việc xử phạt rất khó khăn. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn lợi dụng kẽ hở của pháp lý để chây ỳ, chậm hoàn thiện những hạng mục kém sinh lời.

Lưu ý với người dân, ông Nghiêm khuyến cáo, khi lựa chọn mua nhà không chỉ quan tâm đến riêng căn nhà, mà còn cần chú trọng đến các tiện ích, cảnh quan, hạ tầng đồng bộ của dự án đó. Đây là những yếu tố cùng cấu thành nên giá trị căn nhà. Trong hợp đồng mua bán, bên cạnh thời hạn bàn giao nhà, phải xem xét cả thời hạn hoàn thành các hạng mục hạ tầng của dự án. Vị chuyên gia này cũng bổ sung thêm, hiện nay các đơn vị liên quan đang xây dựng, bổ sung quy định trong Luật Xây dựng, đồng thời nghiên cứu, chỉnh sửa Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai. Đặc biệt, Bộ Xây dựng còn có kế hoạch xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm góp phần hạn chế những tồn tại trên.

Đồng quan điểm, TS.KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa kiến trúc và quy hoạch, Trường đại học Xây dựng Hà Nội phân tích, về tâm lý đầu tư, những gì tạo ra lợi nhuận cao sẽ được ưu tiên làm trước, những gì tạo ra lợi nhuận thấp hoặc không tạo ra lợi nhuận thì chủ đầu không muốn làm. Rõ ràng, với dự án nhà ở, chủ đầu tư bán nhà được cho dân thì sẽ thu được lợi nhuận cao, nhưng với cơ sở hạ tầng công cộng, nhiều chủ đầu tư cảm thấy không có lời nên không mặn mà. Vì vậy, cần có công cụ giám sát và chế tài đủ mạnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước để hạn chế tình trạng chậm triển khai hạ tầng cơ sở tại các khu đô thị, khu chung cư mới. 

“Giai đoạn mua nhà chỉ để ở đã qua rồi. Ngày nay, người mua nhà tìm nơi để sống chứ không chỉ là nơi để ở. Do đó, chất lượng dịch vụ và giá trị sống mà căn nhà mang lại mới chính là tiêu chí quan trọng mà người mua nhà quan tâm”, ông Tùng phân tích.

Còn đối với sự việc phụ huynh học sinh phải bốc thăm cho con đi học tại trường mầm non Hoàng Liệt gây xôn xao dư luận thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái thông tin, quận Hoàng Mai là quận có dân số đông nhất Hà Nội. Địa bàn quận có 227 tòa nhà chung cư cao tầng, 202 nhà chung cư cũ và sẽ tiếp tục xây dựng 5 tòa nhà chung cư nữa tại phường Hoàng Liệt. Riêng phường Hoàng Liệt có 85 tòa chung cư và 5 tòa đang xây dựng. 

Năm học 2022-2023, số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn đi học vượt quá khả năng tiếp nhận của nhà trường. Vì vậy nhà trường cùng Đảng ủy, UBND phường Hoàng Liệt họp với phụ huynh học sinh, tổ dân phố, Bí thư các chi bộ xin ý kiến về giải pháp và đi đến thống nhất đa số đồng tình việc bốc thăm để cho con vào trường. 

Thời gian tới, UBND quận Hoàng Mai tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tài chính đầu tư, cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học. Riêng phường Hoàng Liệt dự kiến sẽ xây thêm trường mới cho năm học 2023-2024 để tăng số trường lớp mầm non đủ đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, UBND quận Hoàng Mai cũng khuyến khích huy động và tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục đào tạo, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu giáo dục. Đồng thời, đề nghị các cấp có thẩm quyền yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị tòa nhà chung cư, yêu cầu các chủ đầu tư có cam kết thực hiện nghiêm túc xây dựng đúng tiến độ hạ tầng xã hội, trong đó có trường học, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân.