16:34 11/08/2022

Nhiều trường đại học đồng loạt tăng học phí

Thanh Xuân

Năm học 2022-2023, Đại học Luật TP.HCM có một số ngành hệ đại trà với học phí từ hơn 31 triệu đồng đến 39 triệu đồng/năm, tăng khoảng 13 triệu đồng/năm so với năm 2021. Hệ chất lượng cao 3 ngành có học phí từ hơn 62 triệu đồng đến hơn 74 triệu đồng/năm, tăng 17 triệu đồng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ năm học 2022-2023, học phí của nhiều trường đại học tự chủ đã đồng loạt tăng mạnh. Vừa qua Trường đại học Luật TP.HCM, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng thông báo mức thu học phí mới đối với sinh viên.

TĂNG 13 TRIỆU ĐỒNG/NĂM SO VỚI NĂM 2021

Cụ thể tại Đại học Luật TP.HCM, một số ngành hệ đại trà với mức học phí từ hơn 31 triệu đồng đến 39 triệu đồng/năm, tăng khoảng 13 triệu đồng/năm so với năm 2021. Hệ chất lượng cao có ngành mức học phí từ hơn 62 triệu đồng đến hơn 74 triệu đồng/năm, tăng 17 triệu đồng. Riêng hệ chất lượng cao ngành Luật, giảng dạy bằng tiếng Anh mức học phí lên tới 165 triệu đồng/năm. Mức học phí những năm học tiếp theo sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình.

Tương tự, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng thông tin về mức học phí theo nhóm ngành cho sinh viên đại học chính quy tập trung khóa 2022 khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học. Theo đó mức học phí dao động từ 16-24 triệu đồng/năm đối với hệ chuẩn, 60 triệu đồng/năm đối với hệ chất lượng cao.

Còn ở khối ngành sức khỏe, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong Đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 cũng dự kiến mức học phí năm học 2022-2023 từ 41- 44 triệu đồng/năm, tăng 12-13 triệu đồng/năm tùy ngành. Đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định.

Liên quan đến học phí có ý kiến cho rằng, với Nghị định mới của Chính phủ về học phí thì các trường đại học tự chủ được phép thu tối đa gấp từ 2-2,5 lần trường chưa tự chủ, nhưng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, việc các trường tăng mạnh học phí sẽ là một gánh gặng với sinh viên. Xoay quanh vấn đề này các chuyên gia đã đưa ra nhiều quan điểm.

PGS. TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Kế hoạch tài chính Đại học Quốc gia TP. HCM cho rằng: Học phí tăng ngoài những mặt được thì còn có những mặt khác làm ảnh hưởng tới người học, bởi không phải ai cũng có điều kiện để đóng khi học phí thay đổi. Theo Nghị quyết 81/2021/NĐ-CP, chúng ta thấy học phí đã giao động khi các trưởng đổi mới theo hoạt động tự chủ, thấp cũng ở khoảng 15 triệu đồng còn cao phải lên đến 30-40 triệu đồng. Đặc biệt đối với các trường liên quan đến nhóm ngành sức khỏe thì còn cao hơn nữa, như vậy sẽ có rất nhiều sinh viên không đủ khả năng đóng học phí.

PGS. TS Nguyễn Ninh Thụy nêu, thực tế ở một cuộc khảo sát của Đại học Quốc gia TP. HCM vào cuối năm 2021 sau đợt dịch Covid ở TP. HCM, thì 46% số sinh viên được hỏi cho biết gia đình các em bị ảnh hưởng và mất đi một nguồn thu; 52% thừa nhận khó khăn khi đóng học phí; 5% sinh viên chia sẻ là đang nợ học phí, nếu đúng quy chế thì các em này phải bị dừng việc học khi đã vượt mức cho phép, thế nhưng chúng ta không thể ứng xử như vậy với người học.

Ngoài ra ông còn cho biết, trong năm 2022 thi tốt nghiệp THPT, số học sinh chọn thi các ngành liên quan đến sử, địa nhiều hơn so thí sinh chọn thi các môn lý, hóa, sinh học. Theo ông sẽ có những trường hợp học sinh chọn theo sở thích và khả năng của mình vào các ngành hot nhưng cũng có một bộ phận họ chưa xác định được ngành hot vì còn dựa vào khả năng về kinh tế.

NÊN ĐIỀU CHỈNH Ở MỨC VỪA PHẢI

Với GS. TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội thì các trường có động thái tăng học phí, nhằm bảo đảm bù đắp chi phí khi nhà nước không cấp bù ngân sách. Nhưng xét trong bối cảnh người dân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nguồn thu nhập chưa hoàn toàn ổn định, các trường nếu có tăng chỉ điều chỉnh ở mức vừa phải. Qua đó, nhằm thể hiện trách nhiệm với xã hội, người học và cũng là có trách nhiệm cùng với Nhà nước trong kiềm chế lạm phát.

Đưa ra ý kiến, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội nhìn nhận, tự chủ đại học gắn liền với tự chủ tự chủ tài chính là không hoàn toàn đúng. Tự chủ đại học nghĩa là các cơ sở giáo dục căn cứ vào nội lực của mình có thể đảm bảo tự chủ việc chi thường xuyên cho con người gồm thầy, trò và một phần liên quan đến đào tạo, nhưng với một số ngành nghề có ý nghĩa lớn với sự phát triển của quốc gia thì vẫn phải cần sự đầu tư của Nhà nước.

“Hiện nay chúng ta đang trên lộ trình điều chỉnh mức học phí ở mức đúng và đủ, nhưng không có nghĩa là để học phí tăng đột biến. Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp với trách nhiệm của nhà trường và trách nhiệm của người học để đào tạo ra một kỹ sư, cử nhân tương lai có năng lực, có khả năng kiếm tiền để bù đắp vào mức học phí đã đóng”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nói.

Còn GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên lại chia sẻ: Ở khu vực miền núi phía bắc Việt Nam, phần lớn học sinh còn nghèo nên lộ trình tăng học phí không thể tăng mạnh mà dịch vụ cũng không thể thu cao. Thậm chí nhiều dịch vụ khi các em vào học còn phải miễn phí nhằm tạo điều kiện tối đa cho việc học. Vì vậy Nhà nước cần đầu tư đặc biệt cho giáo dục miền núi và dân tộc vùng sâu vùng khó khăn. Đây là chiến lược phát triển bền vững cho vùng.

Phát biểu tại Hội nghị mùa hè do Đại học Quốc gia TP. HCM và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) đồng tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, thời gian qua các trường đại học ở Việt Nam đã phát huy được tinh thần tự chủ, nhiều đơn vị có những bước đi hiệu quả, đạt một số thành tựu đáng khích lệ. Sứ mệnh của đại học là nghiên cứu và truyền bá tri thức, mang lại lợi ích cho xã hội. Để thực hiện sứ mệnh này, tài chính đại học là một trong những yêu cầu hàng đầu. Do đó, trong bối cảnh cắt giảm ngân sách công, quản trị tài chính là một vấn đề cần được thảo luận chuyên sâu.

 

Thông tin từ Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 cho biết có 32,76% cơ sở giáo dục đại học trả lời khảo sát đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, trong đó có 18 cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm 23 trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP; 18 trường này bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư từ thời điểm được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định cho phép thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, còn lại 16 cơ sở giáo dục đại học tham gia khảo sát là các cơ sở giáo dục đại học tư thục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.