15:13 22/11/2008

Những lý do Nhật Bản không “kết” ông Obama

Kiều Oanh

Nhiều người Nhật tỏ ra hoài nghi trước việc ông Obama trở thành vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ

Một khách bộ hành tại Tokyo (Nhật Bản) đi ngang qua bảng điện tử đang chạy tin ông Obama đã đắc cử Tổng thống Mỹ, ngày 5/11/2008 - Ảnh: Reuters.
Một khách bộ hành tại Tokyo (Nhật Bản) đi ngang qua bảng điện tử đang chạy tin ông Obama đã đắc cử Tổng thống Mỹ, ngày 5/11/2008 - Ảnh: Reuters.
Hầu như cả thế giới đã mừng rỡ trước thắng lợi của Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Barack Obama trước đối thủ đến từ đảng Cộng hòa John McCain trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra hôm 4/11 vừa rồi.

Tuy nhiên, ở Nhật Bản - quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ, thái độ đối với chiến thắng của ông Obama có nhiều điểm đáng chú ý.

Trên các website của Nhật ngay trong ngày sau bầu cử kết thúc ở Mỹ, nhiều lời bình luận về chiến thắng của ông Obama được ghi nhận mang thái độ hoài nghi.

Một bài báo trên tờ nhật báo có lượng phát hành lớn ở Nhật là tờ Yomiuri Shimbum giật tít: “Ông Obama có thể sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc”, ngụ ý chính quyền của vị Tổng thống Mỹ thứ 44 này có thể sẽ đặt Nhật Bản vào “ghế sau” trong chính sách ngoại giao.

Tờ nhật báo Nihon Keizai Shimbun thì tỏ ra lo ngại về việc vị Tổng thống đảng Dân chủ này và Quốc hội Mỹ sẽ tung ra một gói giải cứu khổng lồ cho ngành công nghiệp ôtô đang nguy khốn của Mỹ, và gây khó dễ cho các hãng xe hơi của Nhật Bản.

Thêm vào đó, người Nhật cũng tin rằng, ông Obama có thể sẽ gây áp lực với Nhật trong việc đưa quân tới Afghanistan - một hành động mà các nhà lãnh đạo có tư tưởng hòa bình thời hậu chiến tranh ở Nhật không muốn làm. Trong chiến dịch tranh cử, ông Obama đã nói tới chuyện rút quân khỏi Iraqvà tập trung vào cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan.

Trong cuộc thăm dò dư luận đầu tiên sau khi ông Obama đắc cử do tờ thân tả Asahi Shimbun tiến hành, 79% người Nhật cho biết, họ có cảm giác dễ chịu với con người ông Obama. Tuy nhiên, chỉ có 41% số người tham gia cuộc thăm dò ý kiến nghĩ rằng chiến thắng của ông Obama sẽ giúp tăng cường quan hệ Mỹ - Nhật.

Những lý do chính

Vậy tại sao người Nhật lại có thể kém lạc quan hơn so với người dân các nước khác trên thế giới về nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Obama?

Thứ nhất, báo chí Nhật lo ngại rằng các quan chức của Nhật ít có quan hệ với ông Obama hay các cố vấn của ông, và rằng ông Obama có vẻ như không biết gì nhiều lắm về Nhật Bản.

Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và là một đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản đáng ra không nên có vấn đề gì trong việc bày tỏ những mong ước cũng như lo ngại của mình với Washington. Tuy nhiên, người Nhật rất tin rằng, chỉ có những mối quan hệ cá nhân mới có thể ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ.

Thứ hai, người Nhật cũng lo ngại về ông Obama bởi ông là một thành viên của Đảng Dân chủ. Lần gần đây nhất khi nước Mỹ có một tổng thống thuộc Đảng Dân chủ, thặng dư thương mại khổng lồ của Nhật Bản với Mỹ đã trở thành lý do mà các chính trị gia Mỹ đưa ra để buộc Nhật phải điều chỉnh hoạt động thương mại theo ý muốn của họ.

Với phương châm chỉnh đốn nền kinh tế Mỹ là “nhiệm vụ số một”, chính quyền Tổng thống Clinton đã yêu cầu Nhật Bản phải đặt những mục tiêu bằng con số cụ thể trong việc nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ. Đồng thời, chính quyền này cũng yêu cầu vị đại diện thương mại Mickey Kantor phải liên tục gây áp lực với phía Nhật trong vấn đề này, trong khi người Nhật cho rằng, yêu cầu này đồng nghĩa với thương mại không tự do.

Đại sứ của Nhật khi đó tại Washington là Takakazu Kuriyama cho rằng, ông chưa từng chứng kiến sự ngờ vực lẫn nhau lớn như vậy giữa quan chức hai chính phủ trong suốt 30 năm ông làm trong ngành ngoại giao.

Mấy năm trở lại đây, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản ở vị trí mục tiêu công kích của Washington trong vấn đề thương mại, đồng thời, nhiều khi, thương mại cũng không phải là điểm chính trong bất đồng giữa Tokyo và Washington. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay vốn bị báo chí Nhật cho là “khởi nguồn từ Mỹ” dường như đang làm sống lại những ký ức về “chiến tranh thương mại” của kỷ nguyên Clinton.

Nhật Bản có quan điểm đánh đồng Đảng Dân chủ của Mỹ với chủ nghĩa bảo hộ thương mại, và điều này khiến ông Obama trở nên kém “hấp dẫn” đối với quốc gia này. “Những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ” là tiêu đề bài báo đăng trên Nhật báo Công nghiệp Nhật Bản viết về chiến thăng của ông Obama.

Các nhà sản xuất Nhật Bản có nhà máy ở Mỹ cũng lo ngại rằng, các tổ chức công đoàn ở Mỹ có thể sẽ “lớn tiếng” hơn, dưới thời của vị Tổng thống Đảng Dân chủ này.

Một nhà phân tích kinh doanh người Nhật tại Washingtoncho biết, nhiều nhà quản lý người Nhật trong các chi nhánh của doanh nghiệp nước này tại Mỹ “đã trải qua một thời gian khó khăn do quan điểm chống lãnh đạo của giới công đoàn”. “Họ cho rằng, làm việc với những người của đảng Cộng hòa sẽ dễ dàng hơn”, nhà phân tích này nói.

(Theo Washington Post)