15:41 30/08/2023

Những nguy cơ khiến người lao động vi phạm quy định hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Phúc Minh

Chuyên gia lưu ý người lao động cần tìm hiểu rõ các quy định khi hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tránh tình trạng có việc làm mà vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bởi nếu bị phát hiện gian lận, người lao động không chỉ bị thu hồi tiền trợ cấp mà còn không được bảo lưu thời gian đã đóng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với vai trò là cơ quan tiếp nhận, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đã tư vấn, giải đáp những nguy cơ khiến người lao động bị truy thu, xử phạt nếu vi phạm hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, người lao động trước hết phải hiểu rằng, trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được hưởng quyền lợi khi mất việc nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo Điều 49 của Luật việc làm.

Cụ thể, đã chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc và có các giấy tờ như: Bản chính hoặc bản sao của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng).

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc đối với người lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và xác định thời hạn.

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ, hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, cơ quan Bảo hiểm xã hội phải tiến hành truy thu số tiền đã chi sai khi phát hiện ra hành vi sai phạm trong quá trình thực hiện, giải quyết thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2020, người lao động sẽ bị chấm dứt việc hưởng trợ cấp khi thất nghiệp của mình nếu đã có việc làm nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đó là, đã ký hợp đồng với bên sử dụng lao động từ đủ 1 tháng trở lên (áp dụng cho hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng theo công việc nhất định từ đủ 1 tháng trở lên); có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm áp dụng cho những người không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Người lao động sau khi thất nghiệp trở thành chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh và có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; người lao động đã có việc làm và thông báo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm biết.

Như vậy, nếu người lao động đã, đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì sẽ bị truy thu số tiền bảo hiểm đã, đang nhận từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

“Người lao động hết sức chú ý có việc làm lập tức phải thông báo ngay cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi mình đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp biết, để tránh tình trạng trùng đóng trùng hưởng - có việc làm mà vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này dẫn tới thiệt đơn, thiệt kép khi bị phát hiện gian lận trục lợi bảo hiểm thất nghiệp là vừa bị thu hồi tiền trợ cấp, bị xử phạt hành chính, và không được bảo lưu thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp”, bà Liễu lưu ý.

Để hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều nhóm giải pháp. Đơn cử như cần sửa chế độ trợ cấp thất nghiệp trả theo ngày; xem xét việc sửa đổi quy định về thời gian tính hưởng; rút ngắn thời gian thực hiện quy trình đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ xuống còn 15 ngày.

Các giải pháp nữa cũng được tính đến là xem xét nâng mức hỗ trợ học nghề và mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động cao hơn mức quy định hiện hành. Thậm chí có thể tăng mức phạt và xử lý hình sự với hành vi trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.