Những nhóm hàng chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid-19 bị khiếu nại nhiều nhất
Khiếu nại của người tiêu dùng đối với các lĩnh vực như thương mại điện tử, hàng không và dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển… gia tăng đột biến bởi đây là những nhóm mặt hàng chịu sự ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19...
Báo cáo tổng kết của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) về công tác bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, năm 2021 Cục đã tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ giải quyết cho gần 2.600 trường hợp thông qua gọi điện và gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng; gần 1.300 vụ việc (chiếm khoảng 50% tổng vụ việc mà Cục đã tư vấn, hỗ trợ) được giải quyết qua đơn, thư phản ánh, yêu cầu hỗ trợ của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giảm khoảng 12% so với năm 2020, nhưng tăng 122% so với năm 2019 và 185% so với năm 2018.
Các phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tập trung vào các nhóm hành vi như: Giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng giao kết, cam kết với người tiêu dùng; số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng; bảo hành; bảo vệ thông tin người tiêu dùng; cung cấp thông tin; quấy rối người tiêu dùng và nhóm hành vi khác hoặc nội dung tư vấn khác.
Trong đó, ba nhóm hành vi đầu tiên là: Thực hiện hợp đồng giao kết, cam kết với người tiêu dùng; số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng và bảo hành sản phẩm có tổng số lượng phản ánh hoặc yêu cầu được tư vấn chiếm hơn 50% tổng số vụ việc năm 2021. Ngoài ra, với nhóm “Hành vi khác/tư vấn khác” chiếm tỷ lệ 40%.
Bộ Công Thương nhận xét, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên cấu trúc các phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng tới Cục năm 2021 phân theo lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ có sự thay đổi đáng kể so với thời gian trước đại dịch.
Rất nhiều phản ánh của người tiêu dùng cho rằng mình bị lừa đảo, lừa dối, hoặc người bán đã bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hoặc ép buộc người tiêu dùng, hoặc việc người tiêu dùng đang nhận được các cuộc gọi, những lời mời chào có dấu hiệu lừa đảo về các chương trình trúng thưởng, quay số may mắn, tri ân khách hàng,…
Đặc biệt sự tăng mạnh về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các lĩnh vực hàng không; đồ điện tử gia dụng; hàng hóa tiêu dùng thường ngày; điện thoại, viễn thông; thương mại điện tử; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển (đặc biệt là lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng đường hàng không); tín dụng tiêu dùng; bất động sản, nhà ở; y tế, chăm sóc sức khỏe,….
Đáng quan tâm, có sự gia tăng đột biến về các khiếu nại của người tiêu dùng đối với các lĩnh vực như thương mại điện tử; hàng không và dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển… bởi đây là những nhóm mặt hàng chịu sự ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 cũng như sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi, thói quen tiêu dùng của người dân.
“Mua hàng thông qua phương thức thương mại điện tử cũng đã trở nên thông dụng, gia tăng nhiều hơn trong bối cảnh đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà thời gian qua số lượng người tiêu dùng khiếu nại về chất lượng, thời gian giao hàng khi mua hàng trên các sàn, website thương mại điện tử, đặc biệt trên các trang mạng xã hội như facebook, … đã tăng lên nhanh chóng”, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nhận định.
Cũng giống như các năm trước đây, trong 2021, hai thành phố lớn nhất của cả nước là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, chiếm tổng cộng trên 50% toàn quốc.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh chiếm 34,76%; Hà Nội chiếm 22,45%. Ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì trong số 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại, một số địa phương có số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng được Cục hỗ trợ, giải quyết khá nhiều và thường xuyên như các tỉnh Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp, …. xếp theo trình tự từ cao đến thấp.
Xét theo các Quý trong năm, số lượng các phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tới Cục cũng thường nhiều hơn vào Quý I và Quý IV. Đây là thời điểm tập trung cao nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.