Những yếu tố nguy cơ nào dẫn đến ung thư da?
Theo TS. Bác sỹ Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Trung ương: “Nguyên nhân chủ yếu ung thư da của ung thư có thể kể đến là tia cực tím từ ánh nắng mặt trời (yếu tố quan trọng nhất). Bệnh gặp ở những người tiếp xúc nhiều, kéo dài với ánh nắng mặt trời.
Nguyên nhân thứ hai là biến đổi gen. Đột biến các gen sửa chữa, ngăn hình thành khối u, làm rối loạn quá trình tăng sinh, biệt hóa và chết theo chương trình của tế bào bị bệnh. Thứ 3 là do nhiễm HPV. Một số tuýp có liên quan đến ung thư da đặc biệt ung thư biểu mô tế bào vảy. Nhiễm độc một số hóa chất gây ung thư như arsen, hydrocarbon đa vòng thơm và thuốc lá góp phần làm tăng tỷ lệ ung thư da ở những người tiếp xúc.
Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác như độ tuổi làm tăng tích lũy tiếp xúc với chất gây ung thư, giảm khả năng sửa chữa DNA. Theo một số khảo sát, đàn ông trên 50 tuổi có nguy cơ cao hơn phụ nữ. Suy giảm miễn dịch cũng làm tăng nguy cơ nhiễm virus gây ung thư. Một nguyên nhân có thể kể đến là tiền sử gia đình, bố mẹ bị ung thư da làm tăng nguy cơ ung thư da ở con lên 2-4 lần. Bên cạnh đó, các bệnh lý mạn tính như loét mạn tính, sẹo bỏng…cũng có thể dẫn đến ung thư da”.
Dựa trên chứng bệnh lâm sàng và xét nghiệm mô bệnh học, trong đó xét nghiệm mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư da. Bác sỹ Thu Hiền chia sẻ: "Hiện nay, tại bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân thường làm các xét nghiệm phát hiện di căn như Xquang, CT, PetCT để chẩn đoán ung thư da".
Để phòng tránh bệnh ung thư da nói riêng và các bệnh về da nói chúng, bác sỹ Thu Hiền đưa ra lời khuyên: "Mỗi người cần loại trừ hoặc giảm tối đa sự phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, chúng ta nên hạn chế tiếp xúc với tia cực tím bằng cách dùng kem chống nắng, mặc quần áo chống nắng, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10h-16h, hạn chế tiếp xúc với tia X. Đối với những người có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào nên hạn chế tối đa hoặc bỏ hẳn.
Khi người bệnh xuất hiện các bệnh về da, đặc biệt là bệnh mạn tính như loét mạn tính, viêm da mạn tính... cần chủ động đến các cơ sở y tế được cấp phép để điều trị tích cực. Mỗi người cần có ý thức tìm hiểu trên các kênh truyền thông chính thống khi nhận thấy những dấu hiệu trên da nghi ngờ là biểu hiện sớm của các bệnh về da, ung thư da.
Từ đó, người bệnh có thể chủ động đến bệnh viện để sàng lọc, phát hiện sớm để có hướng điều trị kịp thời các loại bệnh ung thư da mới xuất hiện. Ngoài ra, người bệnh cần theo dõi để phát hiện ung thư da mới, tình trạng ung thư da tái phát hoặc di căn ở những bệnh nhân đã được điều trị ung thư da.