06:00 14/12/2021

Nông sản Việt vững vàng vượt “bão dịch”

Song Hoàng

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do Covid -19 gây ra, nhưng đây lại là khoảng thời gian khá “bùng nổ” của các sản phẩm nông sản Việt trên sàn thương mại điện tử. Trên các đường phố lớn, những sạp hàng giải cứu nhếch nhác, tạm bợ đã gần như không còn tồn tại.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đang được xác định là hướng đi chiến lược của nông nghiệp Việt Nam
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đang được xác định là hướng đi chiến lược của nông nghiệp Việt Nam

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do Covid -19 gây ra, nhưng đây lại là khoảng thời gian khá “bùng nổ” của các sản phẩm nông sản Việt trên sàn thương mại điện tử.

Sức mua của người tiêu dùng đối với nhiều loại nông sản đặc hữu của Việt Nam như vải thiều, hành tím, tỏi đen... đã tăng mạnh. Trên khắp các đường phố lớn, những sạp hàng giải cứu nhếch nhác, tạm bợ đã gần như không còn tồn tại.

Vậy điều gì đã khiến nông sản Việt “lột xác”, đứng vững và từng bước có được chỗ đứng tương đối vững chắc, ổn định trên thị trường?

"CHIẾN THUẬT" CỦA VẢI THIỀU

Tháng 5 năm nay, khi vụ vải thiều gần chín rộ đúng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Bắc Giang, Hải Dương... nhiều người đã lo lắng cho một vụ mùa thất bát theo kiểu được mùa mất giá. Lý do là bởi các thương lái Trung Quốc không thể sang các vùng vải để đánh hàng.

Báo chí, truyền thông ngay lập tức nhắc tới cụm từ “Giải cứu vải thiều”. Song, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã không tư duy và hành động theo cách thức cũ. Họ tin vào sản vật nổi tiếng của địa phương và muốn người tiêu dùng trong nước nhìn nhận đúng giá trị của quả vải thiều, mà rất nhiều người dân trên thế giới mong được một lần thưởng thức.

Suy nghĩ và hành động nhanh chóng, Bắc Giang gửi công văn tới Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan này chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tuyệt đối không dùng từ giải cứu.

“Về việc vải thiều Bắc Giang hiện đang được xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu và tiêu thụ nội địa... đặc biệt, không dùng từ “giải cứu” trong các tin, bài, phóng sự... khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng”, Công văn của UBND tỉnh Bắc Giang nêu rõ.

Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang trên thực tế, sau khi có các tin, bài, phóng sự có từ “giải cứu”, giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân. Động thái dứt khoát của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã thực sự ‘ghi điểm’ với người tiêu dùng trong nước. Những người mua vải đã thay đổi thái độ, họ bỏ tiền ra mua và xác định đó là món hàng chất lượng cao, là đặc sản, mua để thưởng thức, chứ không phải giải cứu, không phải sự gia ơn...

Vải thiều và nhiều loại nông sản được xúc tiến trên  nhiều sàn thương mại điện tử trong thời gian vừa qua
Vải thiều và nhiều loại nông sản được xúc tiến trên  nhiều sàn thương mại điện tử trong thời gian vừa qua

Sau khi khước từ sự giải cứu, chính quyền tỉnh Bắc Giang cũng đã ký kết, hợp tác để vải thiều được đưa lên sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo và Lazada... Tại các địa chỉ nêu trên, mỗi ngày có hàng chục tấn vải được tiêu thụ. Việc chốt đơn, giao hàng, khi được thực hiện qua các công ty chuyên nghiệp cũng đã được thực hiện rất nhanh chóng, thuận lợi.

Thành công của vải thiều giữa mùa đại dịch, cho thấy nếu nhìn nhận đúng, tư duy đúng, cách thực hiện đúng, thì những mặt hàng nông sản của Việt Nam hoàn toàn có thể giữ được vị thế, thương hiệu và nhiều hơn. Đó là sự tôn trọng và tin cậy của người tiêu dùng trong nước.

Năm vừa qua, không chỉ có Bắc Giang, Hải Dương thành công trong các thương vụ vải thiều. Tại nhiều tỉnh thành khác, nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng đã bắt tay nhau tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Tháng 11 vừa qua, khi cam Vinh vào mùa, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch Nghệ An cũng đã tổ chức thành công chương trình livestream kết nối tiêu thụ cam Vinh và đặc sản Nghệ An ngay tại vườn cam ở xã Đồng Thành (Yên Thành). Với thời gian một tiếng đồng hồ livestream quảng bá cam Vinh trên các fanpage của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An đã thu hút hơn 42.000 lượt xem và chia sẻ.

 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng làm sao kết nối được cung - cầu là vấn đề cần quan tâm, giải quyết sớm.

Chưa kể đến việc có hàng chục nghìn lượt theo dõi, tương tác qua các kênh tiếp sóng của Đài Truyền hình Việt Nam VTV; Đài Truyền hình Kỹ thuật số Việt Nam VTC...

Thực tế, việc bán hàng online hay livestream bán hàng trực tiếp của các địa phương không chỉ nhắm đến việc tiêu thụ sản phẩm đơn thuần, mà qua các kênh sóng này, nông sản đặc sản đã được giới truyền thông, tạo ra sự hiểu biết, thiện cảm và lòng tin với người tiêu dùng. Và khi nông sản lên sóng, những cơ hội cung cầu lớn cũng được mở ra nhiều hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng làm sao kết nối được cung - cầu là vấn đề cần quan tâm, giải quyết sớm.

Ông Lê Minh Hoan đưa ra ví dụ: “Tôi biết nhiều lúc không khớp nhau về thông tin, thực tế như hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vừa rồi có thông tin rớt giá xuống 5.000-6.000 đồng/kg.

Trên mạng có những bình luận thắc mắc tại sao ở Đắk Lắk vẫn mua tới 45.000 đồng/kg, mà không có hàng để mua? Như vậy, câu chuyện kết nối thị trường nông sản nội địa của chúng ta vẫn chưa tốt, những thông tin bất cân xứng dẫn đến dư thừa cục bộ, chứ không phải dư thừa toàn bộ”.

GIẢI BÀI TOÁN DƯ THỪA CỤC BỘ

Thực tế, vấn đề dư thừa nông sản cục bộ, không kết nối được cung - cầu ngay tại thị trường nội địa là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Nhưng có thể do không chịu áp lực lớn từ Covid-19 nên nhiều địa phương, ban ngành và cả doanh nghiệp, người dân cũng không quá quyết liệt để tìm kiếm các giải pháp để giải quyết.

Năm 2020, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” bắt đầu được triển khai hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, Postmart). Từ tháng 12/2020 cho tới nay, cùng các sàn thương mại điện tử đã tổ chức hàng chục chương trình kết nối thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP HCM, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai...

Mới đây nhất, chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã thành công vang dội. Chỉ sau gần 10 ngày chạy chương trình trên sàn thương mại điện tử Voso và “Gian hàng Việt trực tuyến”, đã có gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu được tiêu thụ, và ước tính đến hết tháng 5, lượng hành tím được tiêu thụ qua hai kênh kể trên đã lên tới gần 150 tấn.

Thành công trên sàn thương mại điện tử, tạo dấu ấn trên mạng xã hội, cũng đồng nghĩa với việc, uy tín, độ tin cậy của nông sản Việt Nam đã tốt hơn ở thị trường truyền thống.

 
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Công Thương, sản phẩm mang thương hiệu Việt trong đó có rất nhiều mặt hàng nông sản đang chiếm tỉ lệ cao, trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Công Thương, sản phẩm mang thương hiệu Việt trong đó có rất nhiều mặt hàng nông sản đang chiếm tỉ lệ cao, trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước.

Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60 - 96%.

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.

Đề án vạch ra bốn nhóm nhiệm vụ trong tâm gồm: thông tin, truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Đồng thời, Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp, chính sách phát triển chủ yếu. Đó là: giúp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

ĐƯA NÔNG SẢN VIỆT NAM CHINH PHỤC NHỮNG THỊ TRƯỜNG LỚN

Đặt tham vọng lớn hơn cho đầu ra của nông sản Việt, mới đây Bộ Công Thương đã chính thức giới thiệu Gian hàng quốc gia trên sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc. Đặt Gian hàng quốc gia trên sàn JD.com có thể coi là cánh cửa lớn để nông sản Việt bước vào sân chơi lớn hơn, khó hơn nhưng cũng tiềm năng hơn nhiều.

Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tham gia gian hàng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính, quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu.

Tại buổi lễ ra mắt, nhiều đại biểu đã nhắc tới thương vụ vải thiều xuất khẩu sang châu Âu thành công và coi đây là ví dụ tiêu biểu để chứng minh nông sản Việt rất có tiềm năng, rất có giá trị. Vấn đề chỉ là cách tổ chức thực hiện để hàng hóa tới được thị trường nước ngoài.

Có thể nói, qua hai năm dịch Covid-19, cũng là hai năm mà các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân đã đồng lòng, quyết tâm hơn để tìm hướng đi mới, giải pháp mới cho đầu ra của nông sản Việt.

Khoảng thời gian hai năm chưa thực sự dài, nhưng với những dấu hiệu khả quan như thương vụ vải thiều Bắc Giang, cam Vinh, hành tím Vĩnh Châu... có thể khẳng định, nông sản Việt Nam đang tìm đúng hướng, đúng đường. Tất nhiên, để hành trình này ổn định, thực sự tạo đột phá, thì còn không ít chông gai phải vượt qua.